MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn: Để nguồn lực vàng, đô tự chuyển hóa

18-07-2017 - 22:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Một lần nữa, Chính phủ lại yêu cầu, còn thực tế đã và đang có chuyển hóa mạnh...

Sáng 18/7, tổ công tác của Thủ tướng có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Tại đây, một lần nữa, yêu cầu cũ được đặt ra: nhà điều hành chính sách tiền tệ nghiên cứu làm sao huy động được nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân.

“Nhắc đi nhắc lại”

Yêu cầu trên được Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc, rằng Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại ba lần.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn giải cụ thể hơn: “Làm sao huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân; thay vì gửi với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này, hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. Ngân hàng Nhà nước có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này. Chúng ta vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%, vậy huy động trong dân thế nào”.

Từ tháng 9 và tháng 12/2015, Ngân hàng Nhà nước lần lượt hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm đối với tiền gửi của doanh nghiệp rồi đến của dân cư. Chính sách này áp dụng cho đến nay.

Quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm đưa ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có biến động mạnh và có biểu hiện căng thẳng. 2015 cũng là năm tỷ giá USD/VND có mức độ và tần suất các đợt biến động lớn nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Quyết định trên góp phần kích thích ngoại tệ chuyển đổi từ găm giữ sang thương mại, góp phần bình ổn tỷ giá tại những thời điểm đó…

Khoảng một năm trở lại đây, một số chuyên gia cho rằng trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đã xong sứ mệnh, cùng nhiều khuyến nghị xem xét việc nâng lãi suất này lên để thu hút thêm nguồn lực và củng cố cơ cấu vốn bền vững hơn cho hệ thống.

Cũng trong thời gian đó, Chính phủ đã nhiều lần đặt vấn đề nghiên cứu đề án, hoặc biện pháp huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, nguồn lực này đã và đang được huy động, thậm chí sôi động trong các dòng chảy có thể đo đếm được.

Chuyển hóa để huy động

Cũng từ sau 2012 trở lại đây, đặc biệt từ kế hoạch thiết lập lại trật tự trên thị trường vàng và chống “vàng hóa”, tại một số thời điểm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm: hướng huy động nguồn lực đó là chuyển hóa, bằng các biện pháp để kích người dân chuyển đổi nguồn vốn ngoại tệ, vàng sang VND.

Theo quan điểm đó, với vàng, gần bốn năm qua, kể từ sau hoạt động đấu thầu tạo cung bình ổn thị trường, Việt Nam đã không còn phải chi một đồng vốn nào để nhập khẩu vàng về (qua kênh chính ngạch) để tiêu thụ.

Nguồn lực chuyển hóa ở đây được lý giải: thay vì “chôn” vàng và phải liên tục nhập khẩu trước đây, thị trường vàng đã tự chuyển hóa để tự cân đối cung - cầu; các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, đầu tư vàng miếng… được đáp ứng.

Việc không phải dùng nguồn lực hàng tỷ USD mỗi năm để nhập vàng về rồi tiếp tục “chôn” thêm vào vàng như trước đây cũng là một kết quả “huy động nguồn lực”. Lượng ngoại tệ lẽ ra để nhập vàng đều đều như trước đây được san sẻ cho các kênh sản xuất kinh doanh khác.

Với ngoại tệ, mức độ chuyển hóa (cũng có thể xem là huy động nguồn lực) cũng thể hiện mạnh ở tốc độ và mức độ gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Điển hình như năm 2016, trong điều kiện cán cân tổng thể của nền kinh tế thặng dư không cao, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã mua vào tới khoảng 10 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối, mà phần lớn trong số đó là nguồn lực từ trong dân cư chuyển đổi sang VND để đưa vào sản xuất kinh doanh.

Hay ở một kênh khác, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, trong nửa đầu năm nay, ước tính tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới 7,3%, chiếm khoảng 8,3% tổng tín dụng. Điều này đồng nghĩa, nguồn lực ngoại tệ đang đóng góp, đang được sử dụng trực tiếp vào khoảng nửa triệu tỷ đồng quy đổi ở kênh tín dụng, chứ không bỏ không trong dân cư.

Ngược lại, điều mà Ngân hàng Nhà nước chắc chắn lo ngại, nếu nâng lãi suất tiền gửi USD lên để tăng cường huy động nguồn lực, lãi suất VND không những không giảm được như yêu cầu/mục tiêu đề ra mà còn thêm áp lực tăng lên, do phải giữ chênh lệch lãi suất “đô - đồng” hấp dẫn để cân đối với tỷ giá.

Mặt khác, nếu nâng lãi suất USD lên, nhà điều hành hẳn cũng lo ngại người dân và doanh nghiệp gia tăng dịch chuyển ngược, nắm và găm giữ ngoại tệ, càng khiến việc điều hành tỷ giá trở nên khó khăn.

Ở hướng tương tác khác, nếu tăng lãi suất USD để gia tăng huy động vốn ngoại tệ, thêm nguồn để tạo cung tín dụng, có thể góp phần giảm được lãi suất cho vay. Nhưng, giảm lãi suất bằng đẩy mạnh nguồn vốn, tăng mạnh tín dụng còn phải dè chừng đánh đổi nguy cơ lạm phát - điều mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo với Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, nguồn lực đó doanh nghiệp và người dân tự chuyển hóa sang VND, trực tiếp đi vào và lan tỏa trong tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, hơn là huy động - cho vay rồi kích thích thêm một nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tín dụng.

Trong khi đó, thực tế vừa qua và hiện nay cho thấy nền kinh tế không hẳn đang thiếu tiền. Tín dụng vẫn đang tăng trưởng theo kế hoạch. Còn đầu tư công đang dồn ứ nguồn vốn lớn chậm giải ngân. Thế nên, chất lượng sử dụng vốn, chất lượng tín dụng, hiệu quả đầu tư công cũng là một vấn đề bên cạnh việc tìm cách huy động thêm nguồn lực theo hướng vay mượn.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên