MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn tuần tới: Sự kiện Nga - Ukraina là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú "giật rút", dòng tiền lớn đang đứng ngoài

Dòng tiền lớn rút ra và vẫn đứng ngoài thị trường

Dòng tiền lớn rút ra và vẫn đứng ngoài thị trường

"Dòng tiền vẫn đang chủ yếu ăn xổi và luân chuyển rất nhanh, có thể thứ 2 nhóm bất động sản tăng nhưng hôm sau dòng tiền lại chuyển sang dòng ngân hàng rồi. Thời gian gần đây nếu nhà đầu tư để ý sẽ thấy rõ cứ bất động sản tăng thì ngân hàng đỏ còn ngân hàng tăng mạnh thì bất động sản giảm mạnh. Độ lớn của dòng tiền đang yếu đi, thanh khoản sụt giảm so với năm 2021. Tiền không mạnh nên không thể đánh toàn thị trường mà xoay vòng từng nhóm cổ phiếu thôi"

Tuần qua, chỉ số VN-Index đã hứng chịu những phiên biến động mạnh do tâm lí của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước ngưỡng kháng cự tâm lí tại 1.500 điểm, kèm theo tình hình căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraina. Tuy nhiên, tâm lí nhà đầu tư đã ổn định lại ngay sau khi những thông tin tích cực xuất hiện làm hạ nhiệt căng thẳng, điều này đã giúp chỉ số VN-Index hồi phục mạnh và đóng cửa tại 1.504,8 điểm (+0,2% so với cuối tuần trước). 

VN-Index đang đối mặt với nhiều nguy cơ khó lường từ bên ngoài khi căng thẳng Nga - Ukraina đang leo thang và nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Chúng tôi có trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn thị trường và dòng tiền tuần tới. 

Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tuần giao dịch vừa rồi VN-Index đã lấy lại được mốc 1500. Trong lịch sử, các sự kiện chính trị thế giới thường chỉ tác động tới tâm lý thị trường trong một vài phiên ngắn sau đó đều ổn định dần và đi lên. Tuần qua VN-index biến động đã phần nào phản ánh những căng thẳng của Nga - Ukraina dù đến giờ chiến sự vẫn chưa xảy ra. 

"Ông Warren Buffett từng nói trong thời bình như thế này chiến tranh khó có thể lan rộng nên đó chính là cơ hội với các nhà đầu tư. Lịch sử đã từng xảy ra những câu chuyện tương tự như vậy rồi, do đó những sự kiện như Nga - Ukraina hay như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thường chỉ có tác động khiến thị trường giảm mạnh trong thời điểm đó nhưng sau đó thị trường đều đi lên", ông Minh nói. 

Góc nhìn tuần tới: Sự kiện Nga - Ukraina là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú giật rút, dòng tiền lớn đang đứng ngoài - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo vị chuyên gia này, vấn đề địa chính trị sẽ chỉ ảnh hưởng đến tâm lý đến thị trường cho nên trong thời gian vừa rồi dòng tiền lớn vào thị trường rất yếu, thị trường chưa có sự đồng thuận lên. Sự phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu rất rõ nét, nhóm vốn hoá lớn tăng thì nhóm vốn hoá nhỏ và vừa giảm. Ngược lại nhóm vốn hoá vừa và nhỏ tăng thì nhóm vốn hoá lớn lại đi ngang hoặc giảm. Lý do một phần đến từ việc dòng tiền lớn chưa sẵn sàng vào thị trường. Căng thẳng Nga - Ukraina cũng tác động tới quyết định xuống tiền của dòng tiền lớn. 

"Tiền lớn không vào mạnh, dòng tiền lớn khi đi vào thị trường sẽ tìm đến các cổ phiếu lớn có độ rộng nhất định và thanh khoản tốt như ngân hàng, chứng khoán và cổ phiếu sản xuất kinh doanh tốt… Dòng tiền lớn mà vào cổ phiếu nhỏ và vừa sẽ tăng trần liên tục, họ không thể giải ngân được, khi bán thì không bán được vì tắc thanh khoản nên họ sẽ ít giải ngân vào nhóm này. Dòng tiền lớn đang đứng ngoài thị trường", ông Minh cho biết qua theo dõi các tài khoản lớn thấy có động thái các tài khoản lớn rút một phần tiền trong tài khoản. Có thể các tài khoản lớn này hiện thực hoá lợi nhuận hoặc đầu tư vào một kênh đầu tư khác ngoài chứng khoán. 

Vị chuyên gia nhấn mạnh, rủi ro thị trường chưa lớn quá, tâm lý tiêu cực chỉ tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu, còn lại vẫn có nhiều nhóm tăng giá như bất động sản, thuỷ sản, ngành hàng tiêu dùng, cảng, vận tải hàng không, thép… Độ rộng thị trường tích cực, nhóm cổ phiếu tăng tích cực nhiều hơn số cổ phiếu giảm nên cơ hội kiếm tiền trên thị trường vẫn có. Nhà đầu tư cần quan sát xem dòng tiền đang hướng vào đâu để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, vì dòng tiền lớn chưa vào, thanh khoản vẫn chưa bùng nổ nên đây có thể là những con sóng ngắn trong lúc thị trường tích luỹ. 

Nếu kỳ vọng sóng mạnh và kéo dài như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng thời gian qua vẫn chưa có. "Dòng tiền vẫn đang chủ yếu ăn xổi và luân chuyển rất nhanh, có thể thứ 2 nhóm bất động sản tăng nhưng hôm sau dòng tiền lại chuyển sang dòng ngân hàng rồi. Thời gian gần đây nếu nhà đầu tư để ý sẽ thấy rõ cứ bất động sản tăng thì ngân hàng đỏ còn ngân hàng tăng mạnh thì bất động sản giảm mạnh. Độ lớn của dòng tiền đang yếu đi, thanh khoản sụt giảm so với năm 2021. Tiền không mạnh nên không thể đánh toàn thị trường mà xoay vòng từng nhóm cổ phiếu thôi", ông Minh nói. 

Vậy bao giờ dòng tiền lớn mới quay lại, ông Minh nhận định dòng tiền lớn sẽ tăng dần vào cuối tháng 2 nếu như sự kiện Nga - Ukraina dịu đi cởi trói tâm lý cho nhà đầu tư và tình hình Fed tăng lãi suất đúng như công bố trước đó. 1500 là ngưỡng tâm lý, chứ không phải là trở ngại quá lớn với thị trường lúc này. 

"Sự kiện Nga - Ukraina hoàn toàn là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú "giật rút""

Ông Nguyễn Duy Anh, CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1 nhận định, giai đoạn này thị trường giao thoa giữa cả tiêu cực và tích cực. Tiêu cực có thể kể ra như các vấn đề liên quan đến dấu hiệu siết chặt dần chính sách tiền tệ ở các nước, tình hình căng thẳng ở châu Âu, Mỹ và Nga, giá cả hàng hóa nguyên liệu vẫn neo ở mức cao đẩy lạm phát trên toàn thế giới tăng đáng kể. Đáng chú ý nhất là số các ca bệnh liên quan đến Covid đang tăng mạnh trở lại ở phía bắc, dĩ nhiên chúng ta đã đối diện với vấn đề này trong suốt một thời gian dài và đến bây giờ có lẽ chúng ta cũng không còn quá hoảng sợ như thời gian đầu, thêm vào đó chính phủ cũng không quyết liệt theo đuổi chính sách Zero-Covid.

Về phần tích cực, kinh tế Việt Nam nói chung cũng như từng doanh nghiệp niêm yết nói riêng đang bước vào chân một giai đoạn tăng trưởng mới, chính sách tiền tệ vẫn ở giai đoạn nới lỏng có trọng số. Theo đánh giá của các tổ chức có uy tín thì lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp niêm yết lớn và vừa có thể tăng từ 20% đến 25% trong năm nay.

CEO AF1 cho rằng, giai đoạn này ngoài thông tin kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm thì hầu như cũng chưa có thông tin gì nổi bật. Ông Duy Anh dự báo VN-Index trong ngắn hạn dễ dao động ngang quanh 1500 - đến 1530 điểm tương ứng hai mốc hỗ trợ và kháng cự gần nhất. Có thể nói giai đoạn mua gì cũng thắng đã qua. Năm 2021, nhìn lại VN-Index dao động tăng từ khoảng 1.000 đến gần 1.540 điểm nhưng số lượng nhà đầu tư thua lỗ cũng không phải là ít. Năm 2022 dự báo VN-Index có thể đạt 1800, tức biên hiện nay khoảng gần 300 điểm , mức độ tàn khốc sẽ hơn 2021 rất nhiểu.

Góc nhìn tuần tới: Sự kiện Nga - Ukraina là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú giật rút, dòng tiền lớn đang đứng ngoài - Ảnh 2.

CEO AF1 Nguyễn Duy Anh

"Theo xu hướng thế giới, dòng tiền thông minh giai đoạn này sẽ đi tìm chỗ trú ẩn tại các cổ phiếu giá trị hoặc ngành tăng trưởng rõ ràng và quan trọng nhất là vùng giá phải dưới giá trị thật (under-valued). Đôi khi công ty được đánh giá rất tốt nhưng thị giá không còn ở vùng thích hợp cũng cần phải tạm bỏ qua. Không còn ở thời điểm dễ dãi trong việc lựa chọn nữa. Vì vậy theo góc nhìn cá nhân tôi cho rằng trước mắt 6 tháng đầu năm 2022 dòng tiền sẽ tập trung vào nhóm ngân hàng (STB, HDB, BID, TCB..), cảng biển/vận tải biển container – không áp dụng với hàng rời (GMD, HAH, VSC..), dầu khí và bán lẻ kiểu chuỗi", ông Duy Anh phân tích. 

CEO AF1 cũng đánh giá, sự kiện Nga - Ukraina hoàn toàn là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú "giật rút" mà chúng ta đã từng chứng kiến chứ ít có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vị CEO nhấn mạnh cơ hội đầu tư năm nay chắc chắn khó hơn năm trước. Vì vậy mỗi nhà đầu tư nên có nhận định riêng hoặc theo dõi có chọn lọc những nhận định có giá trị của những người có nhiều kinh nghiệm trên thị trường.

Chọn đúng nhóm ngành, chọn đúng cổ phiếu mua nắm giữ trong nhóm ngành mình chọn, kiên trì xuyên suốt thay vì liên tục thay đổi danh mục dẫn đến không hiểu về giá trị doanh nghiệp. Tránh tham gia quá nhiều room, không tham gia "GAME", tránh nghe quá nhiều "chuyên gia" và quan trọng nhất giữ cho danh mục mình càng giản đơn càng tốt.

Cơ hội gia tăng cổ phiếu nhóm hàng triển vọng

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, tuần qua, thanh khoản trên 3 sàn giảm nhẹ, đạt mức 24.866 tỷ đồng/phiên. Điểm tích cực tuần qua khối ngoại đã có động thái hỗ trợ thị trường khi đảo vị thế từ bán ròng 1.101 tỷ đồng sang mua ròng 1.544 tỷ đồng trên sàn HOSE. 

Thị trường tuần qua đã chứng kiến áp lực bán gia tăng đối với nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng. May mắn thay, sự quay trở lại của ngành hàng không, ngành thủy sản và sự hồi phục của ngành bất động sản đã là nhân tố giúp thị trường giữ vững được mốc 1.500 điểm. 

Góc nhìn tuần tới: Sự kiện Nga - Ukraina là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú giật rút, dòng tiền lớn đang đứng ngoài - Ảnh 3.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect

Ông Hinh cho rằng, các chỉ số chứng khoán đã cho thấy nỗ lực phục hồi khi chạm các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, điển hình như chỉ số VN-Index tại vùng hỗ trợ 1.470-1.475 điểm và sau đó đã giữ vững ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. 

"Chúng tôi kỳ vọng sang tuần tiếp theo, thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục và hướng tới vùng đỉnh lịch sử từ 1.525-1.530 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt đối với một số nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2022 như ngân hàng, bán lẻ, thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp", ông Hinh nói. 

https://cafef.vn/goc-nhin-tuan-toi-su-kien-nga-ukraina-la-yeu-to-tam-ly-co-the-duoc-loi-dung-de-tao-ra-cac-cu-rung-lac-dong-tien-lon-dang-dung-ngoai-20220220121222728.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên