MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói hỗ trợ của Chính phủ - Động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng

Các gói hỗ trợ lãi suất, gia hạn thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... là những động lực giúp DN ổn định sản xuất, tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Trong Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, 14/15 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh các con số tăng trưởng tích cực, một trong những dấu ấn của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đó là sự nỗ lực chủ động điều hành các chính sách linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Sau 9 tháng, đã có hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Đơn hàng xuất khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đã lấp đầy hết năm với các khách hàng chính từ thị trường châu Âu và Mỹ.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, sự trợ lực của Chính phủ có tác động rất tích cực. Các gói hỗ trợ lãi suất, gia hạn thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, các gói hỗ trợ an sinh… là những động lực giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm.

Gói hỗ trợ của Chính phủ - Động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi nhanh và tăng trưởng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)


"Không thể nào một mình để hồi phục được nếu không có chính sách của Chính phủ. Những hỗ trợ mang tính tác động đến người lao động, tác động đến những thủ tục để sau khi qua dịch mình bứt phá lại nhanh thì nó tác động rất nhanh. Trong đó, gói đang có tác động nhất đến hoạt động tài chính đó là được giãn bảo hiểm xã hội và thuế, cái đấy nó giãn được mấy tháng rất là đỡ vì doanh nghiệp hồi phục đang cần rất nhiều vốn để tồn kho, mua nguyên vật liệu", ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết.

Ngoài ra, trong 9 tháng qua, doanh thu từ bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố cũng tăng ấn tượng hơn 21% so với cùng kỳ, trong đó ghi nhận sự đóng góp rõ nét của các doanh nghiệp trong nhóm ngành lương thực, thực phẩm.

"Các chính sách đồng bộ hỗ trợ từ người công nhân, chủ doanh nghiệp cho đến các đơn vị... Tôi cho rằng tất cả các yếu tố đó tạo nên thành công của thị trường sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đánh giá.

"Đối với những doanh nghiệp tham gia bình ổn ở TP Hồ Chí Minh được tạo điều kiện rất nhiều, từ công tác truyền thông đến công tác triển khai các dự án đầu tư, thuê mặt bằng và một số chính sách liên quan đến vấn đề lưu thông vận tải. TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp rất tốt", ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, nhận định.

Trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi nhanh và tăng trưởng cao khi GRDP của thành phố tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng cao nhất so với nhiều năm trước đây.

Chính quyền thành phố cũng cho rằng, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt lên. Bởi khảo sát từ Cục Thống kê Thành phố cho thấy, hiện có khoảng 80 - 90% doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài đều có cái nhìn tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh trong những tháng còn lại của năm.

Theo Nguyễn Hương

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên