MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 2017 sẽ là bao nhiêu?

14-02-2017 - 09:39 AM | Bất động sản

Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội (NƠXH) ngừng cho vay, các doanh nghiệp (DN) và người thu nhập thấp đang rất trông chờ Nhà nước mau chóng có chính sách mới để chính sách nhà ở nhân văn này không bị “đứt gánh”, giúp các dự án NƠXH tiếp tục được triển khai, còn người nghèo tiếp tục được mua nhà.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra với những gói vay tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm này, mọi chuyện chưa ngã ngũ, dư luận vẫn rất băn khoăn liệu có thêm gói vay ưu đãi nào nữa không, và gói vay sẽ là bao nhiêu…?

Việc ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy chính sách phát triển NƠXH đã được Chính phủ xem là mục tiêu lâu dài và ổn định. Không chỉ những người có thu nhập thấp ngóng tin mà các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi vào những gói vay ưu đãi mới sau gói 30 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ cũng đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện triển khai gói hỗ trợ mới, sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua NƠXH với lãi suất tối đa 5%/năm (trước mắt là 4,8%/năm) nhằm tạo nguồn vốn cho người dân mua, thuê mua nhà ở, tạo cơ chế hợp lý cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng NƠXH.

Đại diện lãnh đạo NHCSXH cho biết: Chương trình phát triển NƠXH được coi là chương trình trọng tâm của an sinh xã hội trong thời gian tới. Năm 2017, NHCSXH đã sẵn sàng cho vay mua NƠXH với kế hoạch xây dựng nguồn vốn đề xuất năm 2017 là 1.000 tỷ đồng. Mặc dù hiện tại NHCSXH chưa có vốn nhưng đây là chương trình lớn, song NHCSXH đã nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành và ban hành quy trình nghiệp vụ hướng dẫn cho vay.

Đối với gói vay này thì ai cũng được vay, tuy nhiên, do hiện tại nguồn lực của Chính phủ chỉ ở mức độ nhất định. Vì vậy, NHCSXH triển khai cho vay tới các đối tượng cán bộ có thu nhập không phải chịu thuế thu nhập, công nhân viên quốc phòng, lực lượng vũ trang, người nghèo thành thị. Ngân hàng sẽ phối hợp cùng địa phương và các tổ chức chính trị xã hội để nhận đơn, bình xét, chấm điểm để chọn ra người được vay vốn. Sau đó, ngân hàng sẽ thực hiện thủ tục vay vốn, hợp đồng tín dụng, thế chấp nhà… đảm bảo công khai và nhanh nhất…

Nói như vậy, gói vay của NHCSXH với lãi suất 4,8%/năm đã có chủ trương nhưng chưa triển khai. Điều này cũng gây khó cho cả DN lẫn người mua nhà có thu nhập thấp vì nếu bây giờ DN vay thương mại thì giá nhà sẽ tăng cao, người thu nhập thấp sẽ không thể vay với lãi suất cao và sẽ không thể mua được nhà. Mặt khác, theo quy định, chủ đầu tư được trích 20% quỹ NƠXH để kinh doanh thương mại.

“Đối với phần nhà này, DN có thể xây dựng giải pháp tín dụng riêng cho khách hàng. Nhưng đối với phần nhà thu nhập thấp thì DN vẫn phải chờ đợi chính sách mới của ngân hàng”, đại diện một trong những DN tham gia đầu tư NƠXH trên địa bàn Hà Nội cho hay.

Thực tế cho thấy, khi gói 30 nghìn tỷ đồng khép lại thì khả năng mua nhà của người thu nhập thấp sẽ giảm. Nhiều người mua không khỏi hụt hẫng khi gói vay ưu đãi này dừng triển khai.

Anh Đức Anh (ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cả hai vợ chồng anh đi làm công được mấy năm, tích lũy được một số tiền nhỏ, vợ chồng anh định vay thêm tiền người nhà và vay từ gói 30 nghìn tỷ đồng để mua NƠXH thì gói vay ưu đãi lại kết thúc. Bởi vậy nên vợ chồng anh chỉ còn biết tiếp tục chờ đợi chính sách khác của Nhà nước để có thể vay tiền mua nhà giá rẻ, nhưng cũng khá hoang mang vì không biết bao giờ mình mới được vay.

Một số chuyên gia cho rằng, phát triển NƠXH cần đi kèm với hỗ trợ tín dụng. Gói 30 nghìn tỷ đồng được coi là thành công khi đã giúp cho nhiều người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, góp phần vực dậy thị trường BĐS thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình triển khai và thực hiện lúc đầu chậm. Vậy, với nguồn vay từ NHCSXH tiếp sau đây thì sẽ thực hiện như thế nào cho hợp lý và kịp thời bởi khi mà các sản phẩm đưa ra nó phù hợp thì sẽ được người dân tiếp nhận, chương trình nhà ở phục vụ cho người nghèo mới có thể tiếp tục phát triển được.

Mặc dù đã có cơ chế, chính sách nhưng để những chính sách này được đưa vào thực tế thì cần một “độ trễ” nhất định. Nếu không có sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ, chi phí vốn đầu tư cao, thì các nhà đầu tư sẽ không hào hứng tham gia bởi họ cũng chỉ có khả năng tài chính nhất định. Chính vì vậy, rất cần sự tham gia, vào cuộc quyết liệt từ các Bộ, ngành liên quan để chính sách phát triển NƠXH là chính sách nhân văn, thực sự đi vào cuộc sống.

Theo Linh Đan

Báo Xây dựng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên