MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Goldman Sachs cảnh báo: 'Đồng USD đứng trước nguy cơ sụp đổ, mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới!'

29-07-2020 - 14:30 PM | Tài chính quốc tế

Mới đây, các chuyên gia của Goldman Sachs đã khiến mối lo ngại về tình hình lạm phát ở Mỹ thêm gia tăng khi đưa ra một cảnh báo rằng đồng USD có nguy cơ mất đi vị trí thống trị trong thị trường ngoại hối toàn cầu.

Khi Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị đưa ra một gói kích thích tài khóa khác để hỗ trợ nền kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang cũng mở rộng bảng cân đối kế toán thêm khoảng 2,8 nghìn tỷ USD trong năm nay, thì các chiến lược gia của Goldman Sachs cảnh báo rằng chính sách của Mỹ đang gây ra mối lo ngại vè tiền tệ. Điều này có thể đặt dấu chấm hết cho "sự thống trị" của đồng USD trong thị trường ngoại hối toàn cầu.

Dù quan điểm này vẫn chỉ thuộc nhóm thiểu số trong hầu hết các nhóm chuyên gia tài chính và các chuyên gia của Goldman cũng không khẳng định điều này sẽ xảy ra, nhưng nhận định này đã "đánh thẳng" vào mối lo ngại tồn tại trên thị trường ở tháng này. Đó là, nhà đầu tư lo ngại rằng việc in thêm tiền sẽ thúc đẩy lạm phát trong những năm tới và tiền sẽ được đổ rất nhiều vào vàng.

Các chiến lược gia của Goldman cho hay: "Vàng là đồng tiền tệ mang tính giải pháp cuối cùng, đặc biệt là ở trong bối cảnh hiện tại – khi các chính phủ đang hạ giá các đồng tiền pháp định và đưa lãi suất xuống mức thấp nhất mọi thời đại." Ngoài ra, nhóm chuyên gia cho biết hiện tại mối quan tâm thực sự của họ là về thời gian đồng USD được coi là đồng tiền tệ dự trữ."

Báo cáo của Goldman Sachs cho thấy rõ ràng rằng sự miễn cưỡng ban đầu của Phố Wall đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát trở lại, khi đại dịch bắt đầu bớt căng thẳng. Lo ngại về những dự báo đáng ngại về mức giá tài sản tăng không kiểm soát nhờ những động thái kích thích tài khóa và tiền tệ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà phân tích đã ngần ngại đưa ra những lời cảnh báo như vậy, đặc biệt là khi nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu sắc.

Goldman Sachs cảnh báo: Đồng USD đứng trước nguy cơ sụp đổ, mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới! - Ảnh 1.

Giá vàng đang tăng mạnh trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm.

Hiện tại, tỷ lệ hòa vốn của trái phiếu kỳ hạn 10 năm – chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chống lạm phát và lợi suất danh nghĩa, đã tăng lên khoảng 1,5% từ mức thấp 0,47% trong tháng 3. Lợi suất thực cũng có diễn biến tương tự, đã giảm xuống dưới mức 0 xuống khoảng 0,93% đối với trái phiếu kỳ hạn tương tự.

Ngoài áp lực gia tăng đối với dự đoán về lạm phát, còn có dự báo về việc Fed sẽ sớm liên kết kế hoạch chính sách lãi suất với giá cả. Điều này sẽ dẫn đến một khoảng thời gian tạm thời cho phép lạm phát ở trên mục tiêu 2% của NHTW.

Các nhà phân tích của Goldman viết trong báo cáo: "Kết quả của việc mở rộng bảng cân đối kế toán và những gói kích thích tiền tệ lớn là tạo ra nỗi sợ phải tranh luận." Điều này đã tạo ra một khả năng lớn hơn trong tương lai rằng sẽ có những ý kiến khuyến khích các NHTW và chính phủ cho phép lạm phát tăng cao hơn để giảm gánh nặng nợ tích lũy, sau khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Việc giá vàng vượt đỉnh lịch sử đã làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng đối với nền kinh tế thế giới. Goldman cũng dự báo vàng sẽ tăng lên mức 2.300 USD/ounce trong 12 tháng tới, khi đang giao dịch quanh mức 1.950 USD. Ngân hàng còn nhận thấy lãi suất thực của Mỹ tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn, từ đó đẩy giá vàng tăng mạnh.

Trong khi đó, chỉ số Bloomberg Dollar Spot đang chuẩn bị chứng kiến tháng 7 tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ. Đà giảm diễn ra trong bối cảnh nhiều lời cảnh báo về sự lao dốc của đồng USD được đưa ra sau khi EU tung gói giải cứu chưa từng có – nhằm thúc đẩy đồng euro và phát hành trái phiếu chung.

Đương nhiên, nhiều ý kiến đã sai lầm khi cảnh báo về sự sụp đổ của đồng USD trong nhiều năm, kể cả khi Fed đang nỗ lực giải quyết khủng hoảng sau năm 2008. Chỉ số ICE U.S. Dollar không ghi nhận 3 năm giảm liên tiếp kể từ đầu những năm 1970, một phần là do có rất ít lựa chọn thay thế cho tài sản định danh bằng USD như trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đồng USD được sử dụng trong 88% giao dịch tiền tệ trên thế giới. Trong khi đó, dữ liệu của IMF cho thấy, hiện tại đồng USD vẫn chiếm khoảng 62% dự trữ ngoại hối của thế giới, dù đã giảm từ con số 85% trong những năm 1970.

Trái với nhận định của Goldman, Michael Krupkin – trưởng bộ phận giao dịch G-10 FX ở khu vực châu Mỹ tại Barclays, cho rằng USD không hề mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ do quy mô của thị trường vốn và khối lượng giao dịch toàn cầu bằng đồng USD vẫn vượt trội.

Đối với Goldman, mức nợ ngày càng tăng ở Mỹ - hiện đã vượt quá 80% GDP, và những quốc gia khác đang làm tăng rủi ro rằng các NHTW và chính phủ có thể cho phép lạm phát tăng cao hơn.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư đang mong đợi được lắng nghe quan điểm của Fed về lạm phát trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 28 và 29/7. Edward Moya – nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp., cho hay: "Cho đến khi nghe được thông tin từ Fed, đồng USD có thể mạnh hơn khi nhà đầu tư chốt lời."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên