MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Trần Hữu Dàng bật mí sự thật về dinh dưỡng trong cơm: Biết để ăn đúng, tránh sinh bệnh

03-01-2020 - 15:29 PM | Sống

Cơm là được coi là món ăn chính của người Việt. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia cơm là thực phẩm không nhiều dinh dưỡng, nếu ăn quá nhiều có thể sinh bệnh cho con người.

Ăn cơm nhiều và căn bệnh đái tháo đường

Người Việt từ trước đến nay vẫn chú trọng tới việc ăn cơm là chính. Khi mà kinh tế phát triển có thêm nhiều thực phẩm chế biến sẵn hơn thì thói quen ăn nhiều cơm cộng thêm những thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ hình thành khiến cho gánh nặng bệnh tật của người Việt càng tăng lên.

Một số căn bệnh liên quan tới rối loạn chuyển giá xuất hiện thường xuyên hơn như: rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, thừa cân béo phì... đều là hệ quả của lối sống ít vận động và chế độ ăn mất cân đối.

Theo GS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường, việc ăn quá nhiều cơm có thể gây ra gánh nặng bệnh tật cho người Việt Nam, làm gia tăng căn bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Đây đều là những căn bệnh để lại những biến chứng nặng nề nếu không được điều trị và kiểm soát chế độ ăn.

GS Trần Hữu Dàng bật mí sự thật về dinh dưỡng trong cơm: Biết để ăn đúng, tránh sinh bệnh - Ảnh 1.

Ăn nhiều cơm sẽ khiến cho cơ thể mất cân đối dinh dưỡng và sinh bệnh tật, ảnh minh hoạ.

GS Dàng cho biết, trong gạo không có nhiều chất dinh dưỡng, nếu như con người chỉ tập trung ăn cơm sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể trở nên mất cân bằng và dẫn tới ảnh hưởng các chức năng trong cơ thể.

"Chúng tôi đã nghiên cứu một 1kg gạo nếu tính theo lon sữa thì khoảng gần 4 lon. Như vậy một lon gạo sẽ có khoảng 250g, một bát cơm sẽ khoảng 60-70g gạo. Trong đó, 70% gạo là carbohydrate (carb) và một số ít các loại dưỡng chất khác không đáng kể như: chất đạm, chất béo.

1g carbohydrate có thể sinh ra 4kcal. Như vậy, với một người Việt Nam thể trạng từ 50-60kg chỉ cần ăn 1 bắt cơm/bữa là đủ yêu cầu", GS Dàng nói.

Con người muốn khỏe mạnh phải có một chế độ dinh dưỡng đa dạng và cân bằng. Ngoài cơm thì cần bổ sung thêm thịt cá, trứng, sữa, hoa quả tươi, rau xanh. Nếu như ăn quá nhiều cơm dạ dày sẽ không còn chỗ trống để chứa các thực phẩm khác dẫn tới việc mất cân bằng.

"Ngoài ăn cơm thì cũng cần lưu ý tới các sản phẩm giàu tinh bột khác như: sắn, khoai, mì, bánh mì... cũng có carbohydrate cao. Một người đã ăn đủ số lượng cơm nếu ăn thêm các sản phẩm trên sẽ thành thừa và sinh bệnh", GS Dàng nói.

Nếu con người ăn quá nhiều cơm có thể phải đối mặt với căn bệnh tiền đái tháo đường. Tiền đái tháo đường nếu không được kiểm soát thì sau khoảng 10 năm có khả năng tiến triển thành đái tháo đường.

Hiện nay, toàn thế giới tình trạng bệnh lý đái tháo đường đang tăng rất nhanh. Ở Việt Nam cách đây 10 năm số người mắc đái tháo đường chỉ khoảng 1-2% đến nay đã tăng lên 5-6% dân số.

GS Dàng cảnh báo: "Hiện nay, tại Việt Nam mối nguy hiểm số 1 của căn bệnh đái tháo đường là những sản phẩm như: đường mía, nước ngọt, bánh ngọt… rất hại cho cơ thể.  Tiếp đến đó chính là chất bột đường, cơm, bánh mỳ, phở, sắn, khoai… ăn nhiều có thể sinh bệnh".

Phòng đái tháo đường cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, kiểm soát cân nặng sẽ ngăn ngừa được bệnh tật.

Nên ăn cân đối

TS.BS Trương Hồng Sơn cũng cho biết thêm, cơm là thực phẩm không có nhiều dinh dưỡng hay vi chất vì vậy không nên ăn nhiều. Chỉ nên ăn cơm với lượng vừa đủ và bổ sung đa dạng hóa bữa ăn bằng cách thực phẩm khác.

Ăn đầy đủ các chất để có cơ thể khỏe mạnh. Ví dụ như, chất bột đường cung cấp năng lượng, protein đóng vai trò tạo ra các cấu trúc trong cơ thể, lipid là nguồn gốc tạo ra não bộ, tủy sống, gần như toàn bộ màng tế bào…

Theo chuyên gia khi ăn quá nhiều cơm có thể sẽ dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng dẫn tới tiền suy dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng tới cơ quan tiêu hóa do thay đổi chức năng tiết dịch của hệ tiêu hóa làm thiếu hụt một số enzym tiêu hóa đạm và mỡ.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên