MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm

GS.TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, tăng trưởng của năm 2019 có thể sẽ không bằng 2018 là không bất ngờ, nhưng hãy coi đó là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế và nhìn lại những chính sách đã thực hiện thay vì vội vã kích thích kinh tế với những hệ lụy khó lường.

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm - Ảnh 1.

Trao đổi với báo Trí thức trẻ, GS.TS Trần Thọ Đạt – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, lạm phát là biến số đáng quan tâm nhất trong năm 2019. Áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn do việc tăng giá điện và xăng dầu. Nếu như việc tăng giá điện đã được lượng hóa thì giá xăng dầu vẫn đang là một ẩn số. Các kịch bản lạm phát hiện nay có thể chưa lường tới việc giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh theo giá thế giới. Ngoài ra, giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2019 còn bị đẩy tăng lên do thuế bảo vệ môi trường.

Rủi ro tài khóa cũng được thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng dự báo sẽ trở thành nguy cơ cho nền kinh tế.Nguyên nhân là trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao trong khi nguồn thu ngân sách lại không đủ. Do vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện nay thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm - Ảnh 2.

Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng.Đây chính là rào cản lớn đối với tăng trưởng dài hạn, tạo áp lực đối với nền kinh tế vĩ mô và áp lực đối với khả năng kháng cự các cú sốc của nền kinh tế.

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm - Ảnh 3.

Đồng thời trong bối cảnh này, chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn về không gian tài khóa để thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế suy thoái. Một điểm cần lưu ý là, mặc dù tỷ lệ nợ công trên GDP có giảm, và vẫn nằm trong mức trần mà Quốc hội cho phép nhưng quy mô nợ công gia tăng đang khiến mức chi trả nợ lãi vay ngày càng cao. Do vậy ngân sách còn lại để đầu tư cho phát triển suy giảm. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Việt Nam cao hơn khá nhiều quy mô trung bình của các nước đang phát triển, thu nhập thấp và các nước châu Á.

Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách, như khu vực ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về bối cảnh quốc tế, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng vấn đề cần lưu ý là tính bất định và khó lường trong môi trường kinh tế hiện nay, trong khi khả năng kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế chưa cao. Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu do những bất ổn của thương mại và đầu tư trên thế giới và các chuỗi sản xuất này có thể bị ảnh hưởng. Khi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thì Trung Quốc sẽ tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác và gia tăng sức cạnh tranh lên hàng hóa Việt Nam

Quá trình điều chỉnh lại chính sách tiền tệ của Mỹ và EU trong thời gian tới khả năng sẽ làm cho các đồng tiền và giá cả ở hầu hết các quốc gia đang phát triển gia tăng tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VND trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp.

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm - Ảnh 4.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố rủi ro và khó khăn, GS.TS Trần Thọ Đạt cũng nhấn mạnh tiềm năng cũng như khát vọng của Việt Nam. Theo đó, nhiều nền kinh tế trong khu vực có nguồn tài nguyên nghèo hơn Việt Nam rất nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,..vẫn duy trì được mức tăng trưởng 8-10% thậm chí trên 10%. Việt Nam chưa bao giờ đạt được con số đó.

Xét về các nguồn lực tăng trưởng, về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, Việt Nam không hề thua kém các con hổ kinh tế Đông Á. Chúng ta có điều kiện và khả năng thực hiện việc duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm để đạt được khát vọng về một nền kinh tế thịnh vượng, một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao 10.000 USD vào năm 2035.

Khát vọng của Việt Nam trong 10-20 năm tới là duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 7-8%, và để đạt được điều đó, có rất nhiều điều cần làm.

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm - Ảnh 5.

Vị chuyên gia về kinh tế vĩ mô này cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về các động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay đã khẳng định: tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một động lực còn rất nhiều dư địa để khai thác. Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: "Thể chế, thể chế và thể chế" vẫn sẽ là lĩnh vực cần phải tiếp tục đổi mới nhiều mặt trong giai đoạn tới.

Xét về cơ cấu tăng trưởng theo ngành, GS. TS Trần Thọ Đạt đánh giá, những tháng còn lại của năm có thể hình dung nông nghiệp và du lịch do thị trường Trung Quốc gặp khó khăn nên sẽ tăng thấp. Tăng trưởng điện thoại sẽ duy trì nhịp độ giảm và cần có sản phẩm khác tăng trưởng cao đột biến để thay thế. Và những ngành đó có thể là: dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng.

Về nguồn lực tăng trưởng, có thể thấy xu hướng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ nhắm đến Việt Nam và có thể có một số dự án quy mô lớn tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế. Điều này tiếp tục biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần mất, nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động và quản trị tốt hơn, lương cao hơn, chất lượng cao hơn. Đồng thời năng lực cạnh tranh và sức lan tỏa của FDI với doanh nghiệp trong nước càng cao hơn, và "chúng ta cần phải liên kết được hai khối này".

GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam có điều kiện và khả năng để duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm - Ảnh 6.

Về phía cầu, dư địa của chính sách quản lý tổng cầu rất hạn chế. Chính sách tiền tệ cần phải duy trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi chính sách tài khóa cần phải tập trung giải ngân đầu tư công, đặc biệt cho các dự án cơ sở hạ tầng để kích thích trong ngắn hạn và tạo cơ sở cho tăng trưởng trong tương lai.

Với một nền kinh tế hiện nay đang rất mở thì những diễn biến không thuận lợi có thể sẽ làm kinh tế của ta tăng trưởng chậm lại. Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu là hết sức quan trọng, cần phải xây dựng những chiến lược cho từng ngành, từng sản phẩm. Nếu thị trường xuất khẩu khó khăn thì phải quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện nay đã và đang nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo đánh giá của OECD, hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu. Đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 44 triệu người và lên tới 95 triệu người vào năm 2030.

Các doanh nghiệp nội địa cần có sự chuẩn bị tốt nhất để đón nhận một thị trường tiêu dùng rộng lớn của những người trung lưu tại Việt Nam. Cần trang bị kiến thức, hiểu biết về quy mô và hành vi tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, từ đó để xuất khuyến nghị cho chính phủ và doanh nghiệp nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

Thái Trang
Kiên Trần
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên