Chính phủ cho thí điểm, NHNN không thể làm ngay
Dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money) đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, nhưng với Việt Nam vẫn là khái niệm tương đối mới mẻ. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương triển khai thí điểm, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cùng NHNN, đang gấp rút nghiên cứu, xây dựng văn bản mang tính pháp lý về dịch vụ này trước khi tiến hành thí điểm.
- 10-06-2019Ví điện tử, Ngân hàng số: Cảnh giác cao độ với hacker tấn công
- 10-06-2019Hôm nay, 2 cựu thứ trưởng công an lại hầu tòa
- 09-06-2019Ngân hàng “khát” vốn trung dài hạn
- 06-06-2019Nhà mạng phải điều chỉnh hạn mức thanh toán trên Mobile Money?
Lợi thế thấy rõ
Dịch vụ Mobile Money cho phép người dân được gửi tiền vào nhà mạng dù không có tài khoản NH, hoặc có thể dùng tiền trong tài khoản điện thoại của mình để gửi cho nhau, mua hàng hóa với giá trị nhỏ. Hiện có 90 quốc gia trên thế giới đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người dùng, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money trên 50%.
Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề ở đây công nghệ có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT
Lợi ích của Mobile Money rất lớn, nhất là trong thanh toán không dùng tiền mặt. Dù vậy, có nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết để hạn chế những rủi ro đi kèm.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết một trong những trăn trở khi triển khai Mobile Money là Việt Nam vẫn chưa hình thành khuôn khổ pháp lý đối với loại hình dịch vụ này. Hiện chưa có bất kỳ bộ luật nào của Việt Nam đưa ra định nghĩa về Mobile Money. Cả Mobile Money và đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money đều chưa được quy định trong điều khoản nào của pháp luật.
Ở một góc độ nào đó, gần gũi nhất với dịch vụ Mobile Money là ví điện tử (VĐT). VĐT cho phép lưu giữ giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi, tương ứng với giá trị tài khoản thanh toán của khách hàng gửi vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT theo tỷ lệ 1:1.
Song theo ông Dũng, VĐT giống Mobile Money ở tài khoản điện tử định danh. Điểm khác biệt với VĐT việc định danh khách hàng được thực hiện bởi các NH, trong khi việc định danh của Mobile Money được thực hiện bởi các nhà mạng viễn thông. Thách thức với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xác, tránh mạo danh và xác thực được như ở NH.
Ảnh minh họa.
Vì vậy, theo ông Dũng nếu coi Mobile Money là tài khoản điện tử định danh được thực hiện thông qua thiết bị di động, và tài khoản định danh VĐT phải được lưu trữ trên hệ thống, khi mất điện thoại là mất tất cả. Điều này đòi hỏi nhà mạng phải có hệ thống công nghệ thông tin lưu trữ toàn bộ dữ liệu này. Đồng thời, về nguyên tắc Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ, số tiền công ty viễn thông nhận được khách hàng phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1. Vì vậy, 100 đồng mua thẻ cào sẽ được 100 đồng trong ví, không thể 90 đồng mua thẻ cào được 100 đồng trong ví như hiện nay.
Nhưng pháp lý chưa có
Cho đến thời điểm này, các nhà nhà mạng Viettel, VNPT, VinaPhone và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia triển khai dịch vụ Mobile Money. Tuy nhiên, để các nhà mạng với Bộ TT-TT và NHNN tìm được tiếng nói chung trong vấn đề pháp lý liên quan để triển khai thử nghiệm dịch vụ này, lại là thách thức lớn.
Cơ chế kiểm soát, giám sát, xử lý quyền lợi khách hàng, bảo mật thông tin… đối với dịch vụ mới như Mobile Money không thể sớm có ngay được. Bởi dù thế nào Mobile Money là dịch vụ “tiền Việt Nam” được thể hiện trên phương tiện khác, không phải giá trị tiền tệ nào khác. Và đây là hình thái thể hiện của đồng tiền pháp định.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu Mobile Money được cấp phép thử nghiệm trong năm 2019, Việt Nam sẽ là nước thứ 91 trên thế giới cung cấp dịch vụ này. Dù đi sau thế giới, nhưng thuận lợi của Việt Nam là học hỏi được từ những nước đi trước. Chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói về điều rất quan trọng để thúc đẩy những thứ đó phát triển là nền tảng thanh toán.
Muốn một dịch vụ nào phổ biến đến 100% người dân, đầu tiên nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào thực hiện việc này tốt hơn Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động đã trên 100% từ nhiều năm nay.
Hiện nay, nhiều người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được hệ thống tài chính NH. Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa họ tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng internet, như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội… Với hạ tầng và dịch vụ di động rộng khắp, Mobile Money dễ dàng thâm nhập thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khi Mobile Money triển khai sẽ làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ.
Không chỉ kích thích phát triển các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số, Mobile Money còn đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. “Mobile Money với các giao dịch nhỏ, chính là sự đào tạo người dân trở thành khách hàng của NH. Vì vậy, NH không phải quá lo lắng về Mobile Money” - Bộ trưởng Hùng chia sẻ.