MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội 1 tuần giãn cách: Sức mua tăng, nguồn cung dồi dào, giá hàng hóa thiết yếu ổn định

31-07-2021 - 17:53 PM | Thị trường

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, nguồn cung lương thực, thực phẩm và rau xanh dồi dào, phong phú, giá cả đã trở lại ổn định và duy trì ở mức hợp lý.

Hà Nội đang trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, chợ dân sinh những ngày qua vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào, phong phú. Thành phố đã thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình theo các ngày chẵn – lẻ, nên mật độ người tại các chợ có giảm nhưng lượng mua tăng lên khi ai nấy đều có tâm lý mua nhiều hơn trong 1 lần đi chợ.

Khảo sát thị trường hàng hóa lương thực, thực phẩm, rau củ quả sáng 31/7 tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhìn chung lượng hàng tại các chợ dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa đối với bất kì loại sản phẩm nào. Giá bán các mặt hàng ngày hôm nay so với thời điểm trước giãn cách không có biến động lớn.

Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), giá thịt lợn không tăng thịt thăn lợn giá 140.000 đồng/kg; sườn thăn giá 150.000 đồng/kg, thịt mông giá 120.000 đồng/kg. Thịt bò thăn có giá 280.000 – 300.000 đồng/kg; bò dẻ sườn giá 200.000 – 220.000 đồng/kg; bò bắp 300.000 đồng/kg…

Anh Nguyễn Duy Cường, tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho biết, thịt lợn những ngày qua tại các đầu mối về nhiều, lượng tiêu thụ mạnh nhưng giá không tăng. Hiện nay người dân chăn nuôi tốt, lợn không có dịch nên về lâu dài không sợ thiếu nguồn cung.

“Thịt bán đều có chứng nhận kiểm dịch từ lò mổ nên hoàn toàn yên tâm từ nơi vận chuyển đến bàn ăn của mọi người. Thời điểm giãn cách hiện nay mọi người đi chợ thường mua từ 2 – 5kg/lần nên từ 1 tuần nay, mỗi ngày quầy vẫn bán ra khoảng 200kg thịt lợn các loại. Nói chung không sợ thiếu thịt và giá cả tăng”, anh Cường nói.

Giá các mặt hàng thủy, hải sản sáng nay tại chợ Thành Công (Ba Đình) không có đột biến. Cá chép trọng lượng trên 1kg có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg; Cá trắm từ 65.000 – 70.000 đồng/kg; cá quả từ 60.000 – 65.000 đồng/kg. Giá các loại hải sản đông lạnh như mực ống từ 130.000 – 150.000 đồng/kg; Tôm loại 10 con/kg giá 350.000 đồng; ghẹ xanh từ 3 – 5 con/kg giá 250.000 đồng/kg.

Giá các loại thịt gia cầm cũng không có biến động. Giá gà ta sáng nay tại chợ Hoàng Văn Thái – Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân) vẫn đang là 140.000 đồng/kg; ngan 85.000 đồng/kg; vịt 70.000 đồng/kg, không có biến động so với những ngày trước. Riêng có mặt hàng trứng gà vẫn đang ở mức cao, giá trứng gà công nghiệp tại chợ vẫn duy trì ở mức 40.000 đồng/chục; trứng gà ta cao hơn từ 45.000 – 50.000 đồng/chục.

Chị Trần Thị Loan – tiểu thương bán gia cầm tại chợ Hoàng Văn Thái cho biết, nguồn hàng được chuyển trực tiếp từ Chương Mỹ, Hà Nội lên mỗi ngày. Buổi sáng hàng ngày đến chợ, chị phải xin giấy thông hành từ nhà ra Thanh Xuân, khi qua trạm kiểm soát đều thực hiện kiểm tra nhưng vì hàng hóa đều có chứng chứng nhận kiểm dịch nên lực lượng chức năng linh hoạt xử lý thủ tục nhanh chóng, tạo thuận lợi cho đi.

“Nghe nhiều nơi nói hàng hóa khan hiếm, tăng giá nhưng ở chợ này cả tuần nay buôn bán vẫn bình thường. Giờ lợn, gà, ngan vịt người dân nuôi được nhiều đang cần nhanh tiêu thụ lại gặp dịch như thế này có chỗ bán là tốt còn tăng giá làm sao được. Ở Hà Nội này các chợ vẫn mở và hàng hóa tràn ngập, người dân có nhiều lựa chọn, mỗi kg thịt cũng chỉ lãi 10.000 – 12.000 đồng, nếu tăng giá cao hơn họ không mua luôn” chị Loan cho biết.

Giá các loại rau xanh sáng nay nhìn chung ổn định tai các chợ dân sinh như Lĩnh Nam, Giáp Nhị, Nghĩa Đô... Rau muống có giá 15.000 đồng/mớ; rau mồng tơi 8.000 đồng/mớ; hành tây 30.000 đồng/kg, cà rốt 25.000 đồng/kg; dưa chuột từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; bí xanh 30.000 đồng/kg…Nhiều người tiêu dùng cho biết, khoảng 1 – 2 ngày đầu thành phố giãn cách, giá một số loại rau, củ quả có tăng nhẹ nhưng sau đó đã hạ nhiệt và duy trì ở mức thấp như thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị.

Có thể thấy, với việc chủ động nguồn cung và dự trữ hàng hóa thiết yếu trong cao điểm chống dịch tại Hà Nội như hiện nay, người dân hoàn toàn có thể yên tâm trong mua sắm tiêu dùng đảm bảo đời sống lành mạnh trong cao điểm giãn cách phòng chống dịch. Với tinh thần giữ gìn sức khỏe cho mình và cộng đồng, trong quá trình mua sắm hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng nhất thiết phải luôn phải coi trọng công tác phòng dịch bằng việc trang bị bảo hộ và thực hiện đúng theo quy định 5K của Bộ Y tế.

Cơ quan quản lý mà cụ thể là lực lượng quản lý thị trường, công an, y tế cũng cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa. Lực lượng chức năng vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, song cũng đảm bảo kiểm soát tốt diễn biến giá cả, chất lượng hàng hóa tại các hệ thống phân phối, chợ đầu mối, chợ dân sinh… nhằm đảm bảo tốt nhất nguồn cung hàng hóa cho người dân; triệt tiêu mọi hành vi găm giữ hàng hóa, đầu cơ nâng giá bất hợp lý có gây thiệt hại cho quyền lợi của người tiêu dùng./.

Theo Nhóm PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên