Hà Nội: 1.800ha đất dự án chậm triển khai có nguy cơ thu hồi
37 dự án với tổng diện tích 1.878,7ha đất được tổ công tác kiến nghị trình UBND TP. Hà Nội thu hồi, chấm dứt hoạt động.
- 11-08-2022Vì sao Hà Nội tắc nguồn cung căn hộ chung cư?
- 10-08-2022Loạt 'tay to' đấu nhau ở dự án 14.000 tỷ tại An Giang
- 10-08-2022Ám ảnh dự án “treo”
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở TNMT Bùi Duy Cường báo cáo, trong quý 2/2022 và tháng đầu quý 3/2022, Tổ công tác liên ngành Thành phố đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án.
Nhiều dự án chậm triển khai được kiến nghị thu hồi. (Ảnh: Một dự án tại huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Cụ thể, đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND, ngày 8/4/2022, Tổ công tác tiếp tục báo cáo UBND TP chấm dứt hoạt động dự án theo quy định đối với 7 dự án trong số 68 dự án đã xử lý xong; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý đối với 67 dự án.
Ngoài ra, 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì đến nay xử lý xong 213 dự án. Trong đó, 105 dự án với tổng diện tích 299 ha đất, sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7 ha đất được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án.
71 dự án với tổng diện tích 12,3 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn; xác định bổ sung số tiền nộp thêm tương ứng với thời gian gia hạn 24 tháng là 371,115 tỷ đồng.
Với 191 dự án khác thuộc nhóm trên, tổ công tác liên ngành Thành phố tổ chức làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại thành 9 nhóm dự án và phân công các sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện.
Riêng với 173 dự án còn lại đang được UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đề xuất xử lý. Tổ công tác liên ngành thành phố đã làm việc trực tiếp với UBND các quận, huyện, thị xã nhằm rà soát cụ thể từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật theo giai đoạn.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch nêu rõ xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng. Đối với những trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật...
Nhiều diện tích đất bị bỏ hoang gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân (Ảnh: Một dự án treo tại Hà Nội)
Đặc biệt là thiết lập kỷ cương trong công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình, rõ kết quả trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.
Về tiến độ thực hiện cơ bản đến hết quý 4/2022 tập trung xử lý các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
TP Hà Nội cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Đoàn kiểm tra có sự tham gia của các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Thanh tra, Cục Thuế, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Để ngăn chặn tình trạng dự án chậm triển khai, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư. "Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án".
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất. Bên cạnh đó, cũng cần gắn trách nhiệm của địa phương nếu trên địa bàn có dự án chậm tiến độ nhưng sau nhiều năm không kiến nghị thu hồi theo quy định.
Diễn đàn doanh nghiệp