Hà Nội: Bay flycam, huy động 3.000 CBCS để giảm ùn tắc giao thông
Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, tránh cho thành phố không bị thiệt hại khoảng 23.300 - 27.900 tỷ đồng mỗi năm.
- 19-12-2023Cận cảnh 2 cầu vượt thép Mai Dịch lỡ tiến độ gây ùn tắc giao thông dịp cuối năm 2023
- 28-09-2023Sau trận mưa lớn, đại lộ Thăng Long ngập như sông, ùn tắc giao thông nhiều km
- 17-02-2023Xử phạt hàng loạt xe 45 chỗ dừng đỗ trong phố cổ Hà Nội gây ùn tắc giao thông
Vào những ngày cuối năm, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, Thành phố đang khẩn trương đẩy mạnh hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm nên phải rào chắn một phần đường, hè phố nên nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm hoặc khi trời mưa rét.
Phóng sự trên VTV cho hay, nhiều tuyến đường, nút giao ở Hà Nội có mật độ lưu thông rất lớn, vượt đến 8 lần so với thiết kế như đường vành đai ba trên cao, cầu Chương Dương hay đoạn qua Thanh Trì, các tuyến đường như Nguyễn Trãi cũng vượt từ 3 đến 6 lần, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Được biết hiện nay có đến 234 điểm cần thiết phải bố trí lực lượng để hướng dẫn điều hành giao thông.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, từ nay đến Tết không chỉ người dân thủ đô mà cả các tỉnh khác cũng đổ dồn về thủ đô. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo Phó Giám đốc Sở, một nguyên nhân nữa là việc xây dựng nhiều công trình trọng điểm, rào chắn làm thu hẹp các tuyến đường, đẩy nhanh tiến độ các công trình này sẽ góp phần giải quyết điểm đen về giao thông. Riêng với dự án cải tạo giao thông đường Âu Cơ, đại diện thành phố đã thông tin cụ thể về tiến độ hoàn thành.
"Chúng tôi đã bay flycam toàn bộ các tuyến giao thông và để triển khai giảm ách tắc giao thông. Chúng tôi cam kết dự kiến đến ngày 30/6 sẽ cố gắng phấn đấu xong toàn tuyến. Riêng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến hết đường Âu Cơ hoàn thành xong trước ngày ông Công ông Táo", Ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết.
Hà Nội dùng phần mềm mô phỏng để tổ chức lại giao thông
Hiện Hà Nội đang kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp để giải quyết ùn tắc giao thông như là tăng cường vận tải hành khách công cộng, tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Trần Hữu Bảo cũng cho biết thêm, hiện Sở đã ứng dụng phần mềm mô phỏng tổ chức giao thông, các phần mềm đo đếm lưu lượng để phục vụ mô phỏng, tổ chức lại giao thông các nút giao thông trên địa bàn thành phố. Sở GTVT sẽ tối ưu hóa khả năng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.
Về việc điều tiết giao thông giờ cao điểm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội thông tin hiện nay, với hơn 200 điểm nút xác định thường xuyên xảy ra ùn tắc hàng ngày thì Công an thành phố đã bố trí lực lượng vào các khung giờ cao điểm sáng chiều để điều tiết giao thông.
"Sự ra quân của chúng tôi trong các giờ cao điểm là trên 3000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng người dân tình nguyện", thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nói.
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi hồi tháng 10/2023, theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc giảm tắc đường sẽ tránh cho Hà Nội không bị thiệt hại khoảng 23.300 - 27.900 tỷ đồng, tương đương 1-1,2 tỷ USD/năm.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ 22/1, không khí lạnh mạnh bao phủ, nhiệt độ ở Bắc Bộ hạ xuống thấp. Đây cũng là ngày mở đầu cho đợt thời tiết rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ kéo dài trong nhiều ngày tới.
Ngay từ sáng sớm 22/1, không khí lạnh tại Hà Nội được cảm nhận rõ với nền nhiệt giảm xuống còn khoảng 12-14 độ C, trời có mưa.
Do trời mưa rét vào ngày đầu tuần đã khiến tình hình giao thông Thủ đô ùn tắc nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường.
Đời sống & pháp luật