Hà Nội cấm xe máy: Tôi ủng hộ, nhưng đừng dùng từ “ngoại tỉnh”!
“Hà Nội là thủ đô cả nước. Dân số đang ở Hà Nội chủ yếu là dân các địa phương khác về sinh sống, học tập, lập nghiệp. Nếu dùng từ ngoại tỉnh như thế thì nghe rất phân biệt. Dễ vấp phải tâm lý phản đối, làm hỏng cả đề án vốn được xây dựng rất công phu”.
- 20-09-2016Hà Nội: Cấm xe máy thì dân đi bằng gì?
- 20-09-2016Cấm xe máy ngoại tỉnh vào HN chẳng khác phân biệt vùng miền
- 19-09-2016Đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội từ năm 2021
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”.
Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn. Đáng lưu ý, từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.
Sau khi đề xuất trên đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Một số quan điểm cho rằng, việc cấm xe máy “ngoại tỉnh” là sự phân biệt vùng miền và không công bằng.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng đây là một đề xuất tốt nhằm giải quyết nạn ùn tắc “khủng khiếp” của Hà Nội.
Trao đổi với chủng tôi, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết ông đồng tình và ủng hộ đề án hạn chế xe máy và hạn chế ô tô nhưng cần phải được thực hiện một cách hợp lý.
“Về thời điểm, đề án này khởi động bây giờ là phù hợp nhưng phải có lộ trình và nhất thiết phải có giải pháp cụ thể để trả lời người dân: Cấm xe máy thì người dân đi làm bằng cái gì?”, ông Liên nói.
Ông Liên cho rằng, việc đưa ra các giải pháp về phương tiện thay thế là thách thức không những đối với cơ quan Nhà nước mà là hệ thống chính trị vì đây là chính sách liên quan đến an sinh xã hội.
Ông Liên cũng cho rằng, việc cấm xe máy chỉ được thực hiện khi đại đa số người dân tự nguyện loại bỏ và chấp nhận phương tiện giao thông công cộng.
Từ kinh nghiệm các nước, ông Liên khẳng định: Nếu phát triển giao thông công cộng chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế có lộ trình sẽ đạt được mục tiêu cấm xe máy.
Đây là ý tưởng tốt nhưng tôi cho rằng không nên dùng từ “ngoại tỉnh” để phân biệt. Nên đưa rõ ra sẽ hạn chế xe máy từ khu vực nào di chuyển vào khu vực nào. Còn nếu cứ nói xe ngoại tỉnh, xe nội tỉnh như vậy rất chung chung.
“Hà Nội là thủ đô cả nước. Dân số đang ở Hà Nội chủ yếu là dân các địa phương khác về sinh sống, học tập, lập nghiệp. Nếu dùng từ ngoại tỉnh như thế thì nghe rất phân biệt. Dễ vấp phải tâm lý phản đối, làm hỏng cả đề án vốn được xây dựng rất công phu”, ông Liên nêu quan điểm.
Đang lấy ý kiến, chưa phải đề xuất chính thức
Được biết, đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện chiến lược phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) soạn thảo, đang được lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia.
Dự kiến đề án lấy ý kiến Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Mặt trận tổ quốc vào tháng 9/2016, trình Thường vụ Thành uỷ, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố trong tháng 10.
Đề án dự kiến trình HĐND Thành phố kỳ họp hội đồng nhân dân cuối năm. Nếu được HĐND thành phố thông qua, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt ban hành Đề án và xây dựng kế hoạch phân công tổ chức thực hiện trong tháng 12/2016.
Trao đổi với báo chí ngày 20/9, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho biết về cơ bản, đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý và tiến tới tổ chức hội thảo.
Nó chưa phải là đề xuất chính thức của Hà Nội. Đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng chưa có văn bản chính thức báo cáo UBND TP. Hà Nội về vấn đề này.
Theo số liệu được đưa ra trong dự thảo, hiện Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy (tăng 7,6%/năm) và hơn 500.000 ôtô các loại (tăng 12,9% mỗi năm), trên 1 triệu xe đạp, hơn 10.000 xe đạp điện, chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt ở mức bình quân 3,9%/năm.
Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ôtô, xe máy mà không có biện pháp giảm thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ôtô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy.
Như vậy, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố. Tương tự đến năm 2025, sẽ vượt 690% (vượt 6,9 lần). Nếu ở trong vành đai 3 thì vượt 12 lần năng lực hệ thống đường bộ và các phương tiện không thể di chuyển trên đường.
Theo dự thảo Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, với xe máy, lộ trình hạn chế sẽ thực hiện 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ năm 2020): sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, và các ngày lễ, tết.
Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7g đến 19g hằng ngày. Đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 (từ năm 2023): sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3 (đến năm 2025): sẽ thực hiện cấm xe máy một số địa điểm phía trong đường vành đai 3.
Với ôtô cá nhân, dự thảo đề án đưa ra phương án hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực nhất định.
Bên cạnh đó cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm tại một số khu vực trung tâm nhưng thực hiện thu phí.
Đồng thời thực hiện chính sách “làm khó” với ôtô, xe máy trong nội ô như dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội ô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); tăng phí giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm để không khuyến khích sử dụng xe cá nhân...
Bizlive