Hà Nội chỉ đạo 'nóng' vụ ô nhiễm rác thải do công nhân đình công
UBND thành phố yêu cầu xử lý ngay việc để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này, đồng thời báo cáo thành phố trước 25/11.
- 14-11-2020Dân kêu trời vì nhà máy xử lý rác thải tiền tỉ gây ô nhiễm
- 21-10-2020Quảng Bình: Rác thải, bùn đất chất từng lớp ‘bủa vây” trường lớp sau khi lũ rút
- 14-09-2020Cây chết khô, um tùm cỏ dại, rác thải bủa vây đường nối đại lộ Thăng Long
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản chỉ đạo về việc xử lý thông tin báo nêu liên quan đến ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác tại các quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Văn bản nêu: “Ngày 19/11/2020, báo Tiền Phong online đăng bài: “Công nhân ‘đình công’ vì bị nợ lương, rác thải ngập phố Thủ đô”, phản ánh người dân phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm liên tục phải sống chung với rác thải vì công nhân môi trường đình công do không được nhà thầu trả lương”.
Về việc này, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo giao cho UBND các quận: Tây Hồ, Nam Từ Liêm nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải tại địa bàn và việc phát ngôn về việc tồn rác trên; tổ chức kiểm tra thực tế việc gây ô nhiễm môi trường do rác thải tồn đọng, xác định rõ nguyên nhân, không để xảy ra tình trạng trên; xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu cung cấp dịch vụ để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng nêu trên.
Đồng thời, giao UBND các quận: Tây Hồ, Nam Từ Liêm chủ trì, phối hợp với các Sở Tài Chính, Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; yêu cầu nhà thầu cần khẩn trương thu gom toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, vận chuyển đến khu xử lý tập trung theo quy định.
Giao Cty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với Cty CP Công nghệ cao Minh Quân thu gom, vận chuyên rác theo quy định.
Các đơn vị báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 25/11/2020.
Việc chậm lương công nhân vệ sinh môi trường xảy ra một phần do một số doanh nghiệp vệ sinh không được chi trả khối lượng rác phát sinh.
Đơn cử như Cty CP đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân, đơn vị đang thu gom rác trên địa bàn 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì. Tuy nhiên, số tiền nợ của các quận khoảng 140 tỷ đồng hiện vẫn chưa được chi trả.
Đại diện Cty Minh Quân cho rằng, khối lượng phát sinh quá lớn dẫn đến nhiều khi đơn vị thanh toán lương chậm hơn theo kế hoạch dẫn đến nhiều công nhân không chia sẻ khó khăn đã đình công gây ảnh hưởng đến uy tín của Cty.
Trả lời câu hỏi về năng lực thực hiện công tác VSMT, lãnh đạo Cty này cho biết, vì khối lượng phát sinh ngoài gói thầu lớn nên đơn vị đã phải thuê thêm công nhân, mua thêm xe chở rác, máy móc để có thể thu gom lượng rác rất lớn. Ví dụ địa bàn quận Nam Từ Liêm theo gói thầu thực hiện chỉ vận chuyển với khối lượng 207 tấn/ngày, số lượng công nhân thực hiện 297 công nhân. Thực tế, Cty Minh Quân phải thực hiện vận chuyển khoảng 320 đến 370 tấn/ngày, Công ty Minh Quân đã phải đầu tư thêm 5 xe cuốn ép chuyên dụng và tăng thêm 120 công nhân để thực hiện công tác VSMT.
Về giá của các đơn giá ban hành các năm 2016, 2018, Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cũng có góp ý về việc này, cho rằng đã không còn phù hợp. Theo đó, đơn vị này cho rằng: Các đơn giá được ban hành các năm 2016, 2018 đều đã không còn phù hợp. Nếu vẫn áp dụng quy trình, định mức cũ thì công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố sẽ không có sự chuyển biến, nâng cao chất lượng trong vòng 5 năm tới.
Tiền Phong