MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, "hô biến" 400 em yếu kém "hóa rồng"

18-11-2021 - 11:03 AM | Sống

Khóa 2003 của THPT Nguyễn Huệ có hơn 400 học sinh - đây đều là những em không đủ điểm đỗ công lập, thậm chí nhiều em không thi vào lớp 10 và một số em từ ngoại tỉnh chuyển vào học.

Tọa lạc tại ngõ 234 đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là ngôi trường THPT Nguyễn Huệ. Đây không phải là trường nổi tiếng ở Thủ đô. Khi nhắc đến tên trường, nhiều phụ huynh còn thấy hơi lạ lẫm, thậm chí nhầm với trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đình đám ở quận Hà Đông.

Được biết, chất lượng đầu vào của trường không mấy nổi trội, nếu không muốn nói là kém. Khóa 2003 của THPT Nguyễn Huệ có hơn 400 học sinh - đây đều là những em không đủ điểm đỗ công lập, thậm chí nhiều em không thi vào lớp 10 và một số em từ ngoại tỉnh chuyển vào học.

Ấy vậy mà trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua, chỉ trừ một em học không đều và bị điểm liệt ra thì toàn bộ đều đỗ tốt nghiệp với số điểm ấn tượng. Nhiều em thậm chí đỗ vào các trường đại học top đầu của Hà Nội.

Bí kíp nào khiến những đứa trẻ từng được cho là đứng hạng chót trong cuộc đua "hóa rồng" lại "rũ bùn" thành công? Đó có lẽ là điều mà ai cũng thắc mắc, mong chờ một đáp án.

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, hô biến 400 em yếu kém hóa rồng - Ảnh 1.

Trường THPT Nguyễn Huệ, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Trò chuyện với cô Phan Thị Ánh Vân (sinh năm 1987) - giáo viên Toán của trường THPT Nguyễn Huệ trong một ngày chớm Đông, chúng tôi (PV) hiểu ra được kỳ tích từ đâu mà có. Đó là sự nỗ lực của cả một tập thể bao gồm chính bản thân học sinh, các thầy cô bộ môn, thầy cô chủ nhiệm và cả Hiệu trưởng nhà trường. Tất nhiên, còn có cả sự phối hợp từ phía phụ huynh.

Có những câu chuyện mà khi kể ra, ai cũng ngỡ ngàng và rồi xúc động tột độ trước sự tận tâm vô cùng của giáo viên nhà trường...

NHỮNG BUỔI HỌC CHỈ THU 10 NGÀN ĐỒNG NHƯNG LẠI BỎ HẾT VÀO QUỸ LỚP

- Được biết năm vừa qua, cô chủ nhiệm 2 lớp 12A3 và 12A14. Cô có thể chia sẻ về thành tích của các em trong kỳ thi THPT Quốc gia 2021?

Đây là một năm thành công với nhà trường nói chung và 2 lớp mình chủ nhiệm nói riêng. Hai lớp mình phụ trách có 55 em thì 51 em đỗ đại học, 4 em đỗ cao đẳng. Nhiều em đỗ vào các trường Học viện Ngoại Giao, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Kiến trúc, Học viện Tài chính, Đại học Ngoại Thương, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thương Mại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền,...

- Đầu vào của các em này ra sao thưa cô?

Đối với lớp 12A3 thì đầu vào điểm Toán tốt hơn Văn nhưng đặc biệt yếu ở môn Anh. Lớp 12A14 thì nhiều con không tham gia thi vào 10, còn đa số có thi nhưng điểm rất thấp. Tuy vậy, trong thời gian học tập rèn luyện, các con thực sự rất nỗ lực. Đặc biệt ở giai đoạn lớp 12, chính mình là GVCN nhưng phải bất ngờ với sự tiến bộ vượt bậc. Lớp 12A3 có 2 bạn có chứng chỉ IELTS. Lớp 12A14 có 8 bạn. Trong đó có 2 bạn IELTS 7.0 và 7.5.

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, hô biến 400 em yếu kém hóa rồng - Ảnh 2.

Cô Phan Thị Ánh Vân.

- Đằng sau thành tích tuyệt vời đó ắt hẳn là một quá trình rèn luyện rất gian nan, cực khổ? Cả thầy và trò đều phải vào guồng...

Đúng vậy! Chính bản thân các con đã rất nỗ lực, sau đó là sự sát sao, quan tâm của phụ huynh và kế hoạch học tập bài bản của Ban giám hiệu, các thầy cô bộ môn.

Ngay từ cuối năm lớp 10, các con đã được phân loại theo lực học và thầy cô có kế hoạch giao chữa bài tập riêng cho từng đối tượng. Lên lớp 11, ở môn Kỹ năng sống và các giờ sinh hoạt lớp, các con được học tập trung vào đánh giá điểm mạnh bản thân và hướng nghiệp. Đa số các con đều định hướng tốt nghề nghiệp và xác định được ngôi trường sẽ thi.

Đến năm lớp 12, bên cạnh việc hướng nghiệp, các con được nhà trường và thầy cô hỗ trợ sâu hơn về mặt học tập. Những ngày tháng đó, tập thể giáo viên nỗ lực lắm. Các buổi học chỉ thu 10 ngàn đồng nhưng lại bỏ hết vào quỹ lớp.

Thầy cô bộ môn cũng dạy miễn phí rất nhiều buổi cho học sinh, đặc biệt là học sinh yếu. Riêng với lớp 12A3, mình dạy miễn phí cho các con suốt HKI lớp 12, đối với cả hai nhóm yếu và nhóm khá. Đến HKII, hầu hết các thầy cô bộ môn đều vào cuộc dạy kèm cho học sinh yếu.

Đặc biệt, mỗi tuần học sinh có 1-2 buổi học "về đích"; các giáo viên bộ môn dựa vào lực học, chọn ra những học sinh cần rèn luyện bài tập và kiểm tra học thuộc thêm. GVCN sẽ nhận danh sách và cùng con học, kiểm tra cuối giờ.

- Giờ nghĩ lại những ngày tháng đó, cô cảm thấy thế nào?

Rất đáng nhớ và cảm động! Khi nhắc đến, mình vẫn thấy rưng rưng xúc động. Dù là giáo viên Toán nhưng mình kiểm tra các con học thuộc và làm bài cả các môn Văn, Anh, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, GDCD. Qua kiểm tra các con, mình thấy được các thầy cô bộ môn cũng rất chăm chút tài liệu kiểm tra và giao nhiệm vụ. Có nhiều cách học, cách nhớ bài phong phú, mới lạ, dễ học như sơ đồ tư duy, học theo từ khoá, hình ảnh minh hoạ,...

Đôi lúc thầy cô bộ môn cũng ở lại cùng học với các con, kết hợp dạy kèm kịp thời nếu thấy cần thiết. Bình thường 16h các con tan học nhưng nhiều hôm cả cô cả trò ở lại lớp đến 19h bạn ạ. Dù chỉ còn 1 học sinh chưa thuộc bài thì cô cũng ở lại.

Cô Hiệu trưởng cũng thường xuyên đi động viên từng lớp. Có khi cô mua kem, mua hoa quả, đồ ăn nhẹ động viên, đến khi hành lang tắt hết điện cô mới ra về. Các thầy giám thị cũng thay nhau trực để phối hợp quản lý học sinh.

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, hô biến 400 em yếu kém hóa rồng - Ảnh 3.

CÓ NHỮNG NGÀY CÔ HIỆU TRƯỞNG RA TẬN CỔNG, CÚI ĐẦU CHÀO ĐÓN CÁC CON

- Nghe nói trường ta có một lớp học đặc biệt?

Ngoài sự kiểm tra thường xuyên của GVCN thì trường còn thành lập một lớp học có tên là "Hỗ trợ về đích an toàn" dành riêng cho học sinh yếu kém. Lớp học này mỗi môn có một giáo viên phụ trách.

Đó là giáo viên nhiệt huyết và có kinh nghiệm nhất nhóm bộ môn. Điều đặc biệt hơn là mỗi giờ học có cả cô Hiệu trưởng, cô chủ nhiệm và cả bố mẹ ngồi cạnh con. Các con được rèn rất nghiêm, phải tương tác và bật cam liên tục suốt giờ. Nhiệm vụ lúc đầu tưởng khó nhưng về sau lại thuận lợi.

Bố mẹ cảm nhận được sự cố gắng của thầy cô nên có mặt trong 100% các buổi học. Đến bây giờ, mình rất tự hào khi chia sẻ việc 100% các trong trong lớp học Về đích đều có số điểm đạt yêu cầu, thậm chí có bạn vươn lên 7 - 8 điểm. Chính phụ huynh cũng bất ngờ lắm!

Có một em học sinh mà mình rất ấn tượng, đó là em Phi Hùng của 12A4. Phi Hùng nằm trong danh sách học về đích môn Văn, Anh vì mất gốc và chữ không đẹp nhưng lại có kết quả thi khá tốt. Văn em được 8,25 điểm còn Anh được 7,6 điểm.

- Thành quả ngày hôm nay của cô trò thì ai cũng đã biết. Nhưng trong cả hành trình trước đó, có khi nào cô cảm thấy mệt mỏi và thất vọng?

Thú thật, có nhiều lúc mình thấy bất lực lắm bạn ạ. Mình không biết phải làm thế nào với học sinh, không chắc có đạt nổi mục tiêu không. Rất nhiều hôm, mình ngồi lại với các con đến 19h.

Nhưng là “người lái đò”, mình không cho phép bản thân xuống tinh thần. Phải làm sao phấn chấn, lạc quan lên để còn truyền năng lượng tích cực cho các con. Quãng thời gian đó, thực sự cảm ơn Ban giám hiệu đã quan tâm, thấu hiểu và training cho mình rất nhiều.

Tâm lý giáo viên quan trọng lắm bạn ạ. Bản thân thầy cô phải thực sự hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc được. Đứng trước khó khăn thì mình càng phải bản lĩnh, làm chỗ dựa tinh thần cho các con, quyết tâm đào tạo nên những lứa học sinh thành công.

Bên cạnh đó, mình cũng phải tăng cường nhờ bố mẹ phối hợp. Sự kiểm tra, động viên hàng ngày của bố mẹ rất quan trọng. Tất cả cùng phối hợp, cùng nỗ lực cố gắng để thay đổi thì không gì là không thể.

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, hô biến 400 em yếu kém hóa rồng - Ảnh 4.

- Có câu nói “kỷ luật làm nên sức mạnh”. Với học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, điều này được áp dụng ra sao?

Nói về việc rèn luyện học sinh thì đúng là trường mình rất sát sao đó. Dù đã lắp camera giám sát khắp trường nhưng mỗi buổi học ngay từ sáng sớm đến khi không còn học sinh ở trường, tổ giám thị luôn trực theo các chốt phân công gồm khu đô thị Nam Cường, sảnh tầng 2,3, nhà để xe, cầu thang, thậm chí bên ngoài nhà vệ sinh,...

Không có một góc khuất nào không có bóng dáng các thầy giám thị và GVCN. Nếu đưa con đến trường hoặc đón con về chắc hẳn phụ huynh đều quen thuộc với hình ảnh thầy cô đứng 2 hàng trước cổng, cúi đầu chào đón các con vào lớp

Thậm chí có những ngày, cả cô hiệu trưởng cũng tham gia giáo dục học trò bằng cách cúi chào đón các con và phụ huynh từ cổng!

Bên trong cổng, còn có thêm đội thanh niên xung kích phối hợp, hỗ trợ với các thầy giám thị kiểm tra nề nếp học sinh. Buổi trưa, chiều khi học sinh tan học thì tổ giám thị cũng trực chốt như buổi sáng.

Có 1-2 thầy giám thị thay ca nhau chạy xe vòng quanh khu đô thị trong các tiết trống để kiểm tra xem có học sinh nào đang la cà không, mặc dù đã chốt sĩ số và báo cáo về gia đình từ 8h sáng và 13h45 chiều. Sau giờ học, em nào chưa về nhà ngay, thầy cô cũng lập tức nhắc nhở.

NĂM ĐẦU TIÊN ĐI DẠY, LƯƠNG CỦA MÌNH CHỈ ĐƯỢC 1,9 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

- Chia sẻ về trường THPT Nguyễn Huệ cũng đã nhiều rồi, ta nói riêng về cô Ánh Vân đi. Cô Vân công tác trong ngành giáo dục được bao năm rồi?

Mình tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội năm 2009, đã học xong Thạc sĩ. Tính số năm kinh nghiệm khoảng hơn 10 năm, còn thời gian công tác tại Nguyễn Huệ là 5 năm bạn ạ.

- Có kỷ niệm nào khiến cô nhớ nhất trong 10 năm "gõ đầu trẻ"?

Nhiều lắm bạn ạ, có cả kỷ niệm vui và kỷ niệm buồn. Năm đầu tiên đi dạy, mình dạy hợp đồng trường công cấp 3 ở Nam Định, lương 1 tháng 1.977.000đ. Lúc đó mình ở trọ miễn phí ở nhà người dân, không quen biết nhưng bác chủ nhà thấy cô giáo hiền lành nên nhờ ở trông nhà. Mình cũng thường dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp chủ nhiệm. Học sinh còn qua nhà sửa máy bơm, câu cá nấu ăn cùng cô.

Trong đám học trò, có em cô phải vận động đi học vì bố mẹ hướng cho em nghỉ học đi làm. Lúc đó mình có gặp riêng và phân tích cho em ấy hiểu: Cao đẳng, đại học không là con đường duy nhất, nhưng nếu em theo được thì tương lai sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Tuổi của em là tuổi học, tuổi rèn luyện kỹ năng, đạo đức, cảm xúc, chuẩn bị hành trang vào đời, không phải tuổi lao động,...

Lúc đó mình cũng đã cố gắng hết sức nhưng vẫn phải tôn trọng quyết định của gia đình và bản thân em. Trong thời gian nghỉ học đi làm, em ấy rất hay gọi điện chia sẻ tâm sự với cô giáo, coi cô như một người bạn tâm giao. Đôi lúc gặp khó khăn em ấy cũng rưng rưng nhắc lại "Em rất nhớ cô và các bạn, em ước gì được quay lại thời điểm đó, nghe lời cô, quyết tâm đi học, thì giờ này tương lai em sẽ tốt hơn". Đây cũng là kỷ niệm khiến mình buồn nhất.

Cũng trong lớp mình dạy ở Nam Định đó, có em sau khi tốt nghiệp đại học xong vẫn khoe là còn giữ quyển sách cô tặng kèm lời động viên chân thành. Em bảo cuốn sách là động lực giúp em phấn đấu và thành công như bây giờ.

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, hô biến 400 em yếu kém hóa rồng - Ảnh 5.

- Với cô, niềm hạnh phúc nhất của nghề giáo là gì?

Chứng kiến từng lứa học sinh trưởng thành, được theo các con trọn vẹn 1 khoá, thấy các con tiến bộ từng ngày, được sống trong sự yêu thương sẻ chia của đồng nghiệp là niềm hạnh phúc lớn đối với mình. Tuy quá trình công tác có nhiều khó khăn nhưng cuối cùng thì vẫn hái được trái ngọt, vẫn là hạnh phúc, say mê khi làm nghề.

Thực ra mẹ mình là giáo viên và mình chọn nghề cũng do ngưỡng mộ mẹ. Mình chứng kiến từng lớp học sinh của mẹ sau khi ra trường vẫn luôn yêu quý, đến thăm, thậm chí còn nhận cô giáo làm mẹ nuôi. Mẹ mình luôn hạnh phúc với nghề "lái đò" và đến giờ mình cũng vậy. Đi làm rồi, mình trưởng thành hơn nhận ra nghề nào cũng có sự vất vả riêng, đặc biệt đối với người chưa khéo ăn nói như mình. Nghề giáo lại còn là nghề "làm dâu trăm họ" nữa nhưng nếu chọn lại, mình vẫn sẽ quyết định trở thành một cô giáo.

- Nhiều người nhận xét nghề giáo là nghề hơi bạc, vì thu nhập chưa xứng đáng với những tâm huyết mà các thầy cô bỏ ra, cô thấy sao?

Đôi lúc, mình cũng thực sự có suy nghĩ đó. Vì nghề giáo không phải chỉ mặc quần áo đẹp, lên lớp truyền thụ kiến thức, hết giờ rồi về, là công việc nhàn hạ lặp đi lặp lại như mọi người nghĩ. Nó còn rất nhiều các công việc khác chiếm rất nhiều thời gian như soạn giáo án, kế hoạch, sổ sách, làm hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, Stem, tập huấn, trau dồi chuyên môn, dự giờ, học nhiều kỹ năng và kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu thời đại, thậm chí đi trước đón đầu.

Tuy nhiên thì nghề giáo cũng chỉ là một nghề trong muôn ngành nghề. Nghề nào cũng có những vất vả riêng, cũng có nhưng rủi ro riêng. Ngành nào rồi cũng phải tự đổi mới mình để theo kịp thời đại. Vậy nên mình hài lòng với mức thu nhập hiện tại. Những tâm huyết của mình nếu có mất nhiều công sức thì chắc chắn sẽ có những kết quả xứng đáng.

Hà Nội có 1 trường THPT: Hiệu trưởng ra tận cổng cúi chào học sinh, giáo viên dạy miễn phí cả kỳ học, hô biến 400 em yếu kém hóa rồng - Ảnh 6.

Món quà học trò tặng cô Ánh Vân.

- Chỉ còn vài ngày nữa là tới Lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong suốt 10 năm đi dạy, có món nào quà của học sinh khiến cô Vân ấn tượng nhất?

Đó là những tin nhắn đầy yêu thương, những tấm thiệp handmade của các em học sinh. Lúc tặng các con còn ôm mình, đó chính là liều thuốc tinh thần giúp mình xua tan stress.

- Nhân dịp 20/11, cô có điều gì muốn gửi gắm tới các đồng nghiệp tại ngôi trường Nguyễn Huệ nói riêng và các thầy cô cả nước nói chung? Và cả các em học sinh nữa?

Mình muốn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thế hệ thầy cô đi trước, đến các đồng nghiệp của mình. Đặc biệt mình muốn bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc của mình đến các thầy, các cô, các chị em - những đồng nghiệp của mình tại mái trường THPT Nguyễn Huệ vì đã luôn hỗ trợ mình trong công tác trồng người.

Gửi đến các em học trò, nụ cười thân thương của các con chính là liều thuốc bổ làm cô quên đi bao mệt mỏi, bộn bề công việc và cả những lo toan trong cuộc sống hàng ngày. Chính các con là nguồn động lực to lớn nhất giúp cô tiếp tục phấn đấu, vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúc các con luôn chăm ngoan, học giỏi, trở thành những người công dân có ích cho xã hội, làm chủ tương lai của đất nước.

- Cảm ơn chia sẻ của cô Ánh Vân!

Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

Từ Khóa:
Trở lên trên