MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội đầu tư trên 87.000 tỷ đồng triển khai đường Vành đai 4

Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô không chỉ giúp giảm tải đường vành đai 3, thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô mà còn tăng khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh, thành trong khu vực.

Để đảm bảo tiến độ, các địa phương đang gấp rút kiểm đếm, cắm mốc, thực hiện giải phóng mặt bằng….

Với tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2028, khi hoàn thành, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với tổng chiều dài hơn 111 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng khoảng 1.340 ha, trong đó thành phố Hà Nội cần thu hồi 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện; tỉnh Bắc Ninh thu hồi 326 ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố và tỉnh Hưng Yên thu hồi khoảng 274 ha tại địa bàn 4 huyện.

Hà Nội đầu tư trên 87.000 tỷ đồng triển khai đường Vành đai 4 - Ảnh 1.

Phối cảnh đường Vành đai 4.


Để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô, các địa phương thống nhất cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư xong trong tháng 10/2022. Tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: “Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của các địa phương, tập trung cao độ để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là những người dân có đất bị thu hồi”.

Dự án đoạn đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn Thành phố Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Thành phố Hà Nội đã triển khai công tác lập chỉ giới đường đỏ theo 4 đoạn. Đoạn 1 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (dài khoảng 11km); Đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (dài khoảng 9,6km); Đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (dài khoảng 17,77km); Đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5km.

Thành phố Hà Nội yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các địa phương tập trung cao độ cho việc cắm mốc, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Yêu cầu các quận, huyện hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trước quý 2/2023; các quận, huyện tổ chức bàn giao 60 đến 70% diện tích đất đã giải phóng mặt bằng trước quý 3/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý 4/2023.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết: “Ban Giao thông thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô. Trong công tác đầu tư xây dựng dự án thì việc giải phóng mặt bằng là công việc rất then chốt, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, thì thành phố cũng đang giao các quận huyện làm chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng. Ban sẽ hộ trợ các quận huyện trong giải phóng mặt bằng”.

Tại quận Hà Đông, nơi có trên 5 km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, diện tích cần giải phóng mặt bằng 75ha, quận Hà Đông đã ban hành các văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện dự án quan trọng này. Đồng thời, thành lập 2 tổ công tác để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chung sức với các ban ngành triển khai Dự án.

Thống kê cho thấy, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô ảnh hưởng đến khoảng 1600 hộ dân tại các phường Yên Nghĩa, Đồng Mai, Phú Lãm và Phú Lương.

“Dù có bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất, nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ. Vì đây là công trình của nhà nước, có đường thì kinh tế xã hội mới phát triển” - ông Trần Văn Sơn, người dân quận Hà Đông chia sẻ.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc cho tuyến đường vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến cũng như tăng khả năng kết nối giao thông các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ./.

Theo Huy Nam

VOV

Trở lên trên