MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội dự kiến khởi công dự án đường Vành đai 4 tại các vị trí nào?

Hà Nội đang thực hiện các công việc theo tiến độ và dự kiến khởi công dự án đường Vành đai 4 tại bốn vị trí vào tháng 6/2023.

Hà Nội dự kiến khởi công dự án đường Vành đai 4 tại các vị trí nào? - Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến khởi công dự án đường Vành đai 4 tại bốn vị trí

Theo Thông báo số 08-TB/BCĐ của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô truyền đạt kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án diễn ra ngày 13/4/2023 cho biết, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tuyến đường Vành đai liên vùng quan trọng kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.

Theo đó, chủ trương đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Sau thời gian các cấp chính quyền nỗ lực triển khai, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra. Cụ thể, đã phê duyệt và thu hồi đất được 364,66/798,043ha (đạt 45,69%), di chuyển 5.645/10.911 ngôi mộ (đạt 51,92%) và dự kiến bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023 để khởi công dự án tại 4 vị trí theo kế hoạch.

Theo tìm hiểu được biết, kế hoạch dự kiến Hà Nội sẽ khởi công tại 4 vị trí gồm: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2, tại Km1+444 (thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn). Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng, tại Km28+000 (thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức). Vị trí giao cắt giữa trục phía Nam, tại Km45+700 (thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km). Vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín, tại Km56+750 (thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín).

Thời gian qua, vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án luôn được chủ đầu tư, nhà thầu đặc biệt quan tâm. Vấn đề này từng xảy ra trong quá trình thi công các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1), khi nhà thầu thiếu nguồn đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu... Có thể thấy, nếu vấn đề mỏ vật liệu thi công không được giải quyết, sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch và Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 cũng không phải ngoại lệ.

Về vấn đề trên, tại Thông báo số 08-TB/BCĐ nêu rõ, Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải - TEDI và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án về các mỏ vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Trong đó phải thể hiện đầy đủ địa chỉ cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, khả năng khai thác, cung cấp sản lượng theo tiến độ dự án, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất.

Đưa ra các giải pháp về mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án trọng điểm này, Ban chỉ đạo đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có các mỏ vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu, có cự ly vận chuyển hợp lý, thuận tiện giao thông và có thể cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư được áp dụng cơ chế đặc thù theo nội dung Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội đối với dự án theo hình thức PPP - BOT (Dự án thành phần 3).

Đánh giá chung về tiến độ triển khai dự án, Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng cho biết, tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so với kế hoạch đề ra và đề nghị các bộ quan tâm, giải quyết.

Theo Ban chỉ đạo, quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, từng địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức để có sự vào cuộc đồng bộ ngay từ ban đầu của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, chấp hành, kiểm soát chặt chẽ, giám sát thường xuyên, liên tục tránh để xảy ra sai sót. Đặc biệt quan tâm về việc xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, diện tích đất bồi thường, kiểm đếm tài sản trên đất, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định.

Theo Ngọc Tiến

Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên