Hà Nội lên tiếng về thông tin Chủ tịch UBND TP sử dụng hồ sơ tài liệu giả
Chánh Thanh tra TP Hà Nội khẳng định thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội sử dụng hồ sơ giả để kết luận đơn tố cáo của công dân là không có cơ sở.
Chiều 19-2, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội , ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội, cho biết TP đã nắm được thông tin mà báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị "tố" sử dụng các hồ sơ, tài liệu ngụy tạo để ban hành kết luận thanh tra số 84/KL-UBND ngày 31-8-2018, về việc giải quyết đơn tố cáo của người dân về những sai phạm liên quan đến Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến sông Lừ cũng như việc tố cáo ông Trịnh Hữu Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt 494 triệu đồng tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) để phục vụ dự án này.
Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội,thông tin chiều 19-2
Ông Huy cho hay sau khi nhận được phản ánh, Thanh tra TP đã có báo cáo lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo ông Huy, vào cuối năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội đã thụ lý, xác minh đơn khiếu nại liên quan đến việc GPMB phục vụ Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm và liên quan trực tiếp đến nhà số 163 Xã Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) hiện nay. Thực ra số nhà 163 Xã Đàn nằm trong quy hoạch GPMB để thực hiện Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến sông Lừ. Tuy nhiên, trong quá trình GPMB quận Đống Đa, có một số thiếu sót trong việc xác định chủ sở hữu ban đầu của khu đất này.
"Lúc đầu khu đất này thuộc sở hữu của ông Sơn, nhưng sau đó được bán lại cho bà Hằng. Khi tiến hành GPMB thì chủ nhà số 163 Xã Đàn không hợp tác với tổ công tác. Do đó, UBND quận Đống Đa không nắm được việc chuyển dịch đất từ ông Sơn sang cho bà Hằng. Vì vậy, khi lập phương án bồi thường GPMB năm 2010 thì quận Đống Đa phê duyệt phương án cho ông Sơn. Tuy nhiên, trên thực tế người sử dụng lại là bà Hằng. Sau đó, năm 2011, UBND quận Đống Đa phê duyệt phương án với giá trị tiền GPMB là 494 triệu đồng" - ông Huy lý giải.
Theo quy định của pháp luật, quận sẽ mời người bị GPMB lên để trả tiền thì gia đình ông Sơn không đến vì ông này đã chuyển đi nơi khác và người sử dụng đất là bà Hằng. Vì vậy, quận đã chuyển số tiền này vào Kho bạc của quận theo quy định.
"Cuối năm 2018, chúng tôi có kiểm tra lại thì tiền vẫn nằm trong kho bạc của quận Đống Đa. Như vậy không có chuyện ông Tuấn, Phó Chủ tịch quận, giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt như đơn tố cáo" - chánh Thanh tra TP Hà Nội khẳng đinh.
Ông Huy cũng cho biết, thông tin về việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội dùng hồ sơ hoàn công giả để ban hành Kết luận thanh tra số 84/KL-UBND ngày 31-8-2018 là không có cơ sở.
Thanh tra TP khẳng định ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị tố cáo dùng hồ sơ giả là không có cơ sở
Ông Huy nói thêm chỉ có 1 bộ hồ sơ hoàn công do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị lập và có xác nhận của đơn vị thi công giám sát và được lập hoàn công vào năm 2010. Trong đó có ghi rõ còn khu đất số 163 Xã Đàn hiện nay chưa GPMB và cam kết sẽ thực hiện GPMB tiếp. Đến năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền xác nhận vào hồ sơ này và được sở Tài chính Hà Nội phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành vào năm 2016. Đây là bộ hồ sơ bảo đảm tính pháp luật, chỉ có 1 bộ hồ sơ hoàn công chứ không có bộ hồ sơ thứ 2.
Trước đó, một tờ báo điện tử đã đăng tải thông tin phản ánh việc một công dân gửi đơn tố cáo về sử dụng các hồ sơ, tài liệu ngụy tạo để ban hành Kết luận thanh tra số 84/KL-UBND ngày 31-8-2018 về việc giải quyết đơn tố cáo của người dân về những sai phạm liên quan đến Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến sông Lừ. Trong đó, có việc tố cáo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sử dụng các hồ sơ, tài liệu ngụy tạo để ban hành Kết luận thanh tra và ông Trịnh Hữu Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa, chiếm đoạt 494 triệu đồng tiền GPMB liên quan đến dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến sông Lừ (quận Đống Đa, Hà Nội).
Người lao động