Hà Nội nóng lòng xin cơ chế để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước
Bên cạnh việc hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp chung, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm mà một phần trong đó có đóng góp từ ngân sách thành phố. Hà Nội đang muốn tạo dựng một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đồng thời đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước.
- 17-09-2016Khởi nghiệp ở Việt Nam "mới có hoa, chưa ra quả"
- 02-09-2016Kêu gọi đầu tư cho khởi nghiệp từ đâu?
- 02-09-2016Câu chuyện khởi nghiệp ấn tượng của FedEx, KFC, Honda và Lamborghini sẽ khiến bạn bật cười nhưng không bao giờ bỏ cuộc!
“Hà Nội có đề xuất mà tôi nghĩ các Bộ, ngành của Chính phủ hết sức tán thành: Giao cho Hà Nội thí điểm các cơ chế chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn từ Israel”.
“Đặc biệt, đề án Hà Nội định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cần có nghiên cứu xây dựng một cách bài bản, cụ thể, làm thí điểm để xây dựng các trung tâm này tại các tỉnh thành khác, để phong trào khởi nghiệp ngày càng đơm hoa kết trái ở Việt Nam”.
Cũng chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội – hồ hởi: “Chưa ở thời kỳ nào, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp cao như vậy. Niềm tin kinh doanh nói chung và niềm tin kinh doanh của Hà Nội đã trở lại”.
Tính đến hết tháng 8/2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 15.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp tại Hà Nội lên mức 200.550 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp/người dân của Hà Nội là 1/38, gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước.
Hà Nội muốn nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2020 lên mức 200.000 doanh nghiệp, bằng cách tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi để khơi dậy và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Hà Nội sẽ áp dụng 4 biện pháp để thành phố này trở thành trung tâm khởi nghiệp.
1- Hà Nội sẽ có một chính sách cụ thể nhằm khuyến khích khởi nghiệp như cụ thể hóa Đề án hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, Quy chế hỗ trợ doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, xây dựng Đề án chính quyền thân thiện…
2- Hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp chung, trước mắt hỗ trợ 2 nhân tố chính trong khởi nghiệp là công nghệ thông tin và khoa học công nghệ. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng tham gia vào công cuộc hỗ trợ này.
3- Hình thành một số quỹ: Hiện Hà Nội đã có Quỹ hỗ trợ Khoa học công nghệ, sắp tới có thể nghiên cứu hình thành quỹ giới khởi nghiệp rất quan tâm là quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó có một phần đóng góp của ngân sách thành phố, và phần còn lại do doanh nghiệp đóng góp.
4- Tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn khởi nghiệp.
Trước đó, TPHCM cũng thể hiện tham vọng trở thành Thung lũng Silicon (Silicon Valley) của Việt Nam khi vạch ra 5 dự án để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp .
Cụ thể, TPHCM đặt mục tiêu hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho 2.000 dự án khởi nghiệp đến 2020 thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo... Để làm được việc này, 40.000m2 sàn sẽ được quy hoạch và thu hút đầu tư nhằm tạo không gian cho cộng đồng khởi nghiệp, 2 cơ sở ươm tạo theo chuẩn quốc tế sẽ được xây mới.
Trong 4 năm tới, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu 50% các trường phổ thông trên địa bàn có câu lạc bộ về đổi mới sáng tạo; 20 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình giảng dạy về khởi nghiệp...
"Nhận thức về khởi nghiệp và cơ hội khởi nghiệp ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Trước đây, quan điểm về khởi nghiệp chỉ là giải quyết công ăn việc làm của sinh viên mới ra trường, nay thì không chỉ cá nhân, doanh nghiệp, mà giờ cả thành phố, cả đất nước cũng đang phải khởi nghiệp", Phó Thủ tướng Huệ nhấn mạnh.
Trí thức trẻ/CafeBiz