Hà Nội sẽ không còn HĐND phường?
Nếu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thông qua, kể từ ngày 1-6-2020, tất cả 177 phường ở TP Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường
Chiều 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phù hợp thực tiễn
Trình bày dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội là nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP Hà Nội; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân thủ đô.
Theo dự thảo nghị quyết, tất cả 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường. Thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ ngày 1-6-2021 đến khi QH chấm dứt thực hiện thí điểm. Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 1-6-2021; UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND nhiệm kỳ mới được thành lập.
Theo dự thảo nghị quyết, khi thí điểm không tổ chức HĐND phường, sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; ba cấp chính quyền (cấp TP; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND quận nơi không tổ chức HĐND phường, như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND phường; giám sát việc thực hiện ngân sách phường đã được HĐND quận, thị xã quyết định...
Đặc biệt, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND cấp quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường cũng đã được bổ sung để bảo đảm hiệu lực quản lý, điều hành. Theo đó, bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường.
Dự kiến khi được QH thông qua, nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2020. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường để có cơ sở thực tiễn đánh giá khách quan trước khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để triển khai trên phạm vi cả nước.
Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Còn nhiều băn khoăn
Đại diện cơ quan thẩm tra sơ bộ dự thảo nghị quyết, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và đại biểu dự họp tán thành với việc Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND phường. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất hệ trọng nên vừa phải căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của trung ương, của Bộ Chính trị; vừa phải căn cứ vào yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Bày tỏ sự ủng hộ đề án thí điểm nhưng ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, băn khoăn về việc tăng quyền hạn cho chủ tịch UBND phường. Ngoài ra, khi không tổ chức HĐND cấp phường thì có tăng đại biểu HĐND cấp quận hoạt động chuyên trách để tăng cường giám sát mới đảm nhiệm được nhiệm vụ được giao hay không?
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - góp ý thêm: "Giữ nguyên nhiệm vụ của UBND và được quyền quyết định các vấn đề kinh tế, ngân sách, an ninh, quốc phòng, vậy đó là nhiệm vụ của ủy ban hành chính hay của UBND? Cần làm rõ mô hình là UBND hay Ủy ban hành chính?". Còn theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, mô hình trên phù hợp với mô hình "Ủy ban hành chính phường" và nên dùng tên gọi này. Đồng thời, cân nhắc phân cấp, giao thêm quyền cho chủ tịch phường, như tuyển dụng nhân sự...
Trước nhiều ý kiến băn khoăn của các đại biểu, tham gia giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh quan điểm: Việc tiến hành thí điểm ở tất cả các phường chứ không ở một số phường là nhằm triển khai đồng bộ, thuận tiện trong chỉ đạo, lãnh đạo điều hành. Về tên gọi, theo ông Chung, nên giữ nguyên là "UBND phường" vì nếu đổi tên gọi sau này phải thay đổi giấy tờ của người dân sẽ rất phức tạp. Tên gọi "UBND phường" cũng đã được xác định tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2012 của Bộ Chính trị.
Nhiều bất cập khi tái lập HĐND hai cấp
Cách đây 10 năm, TP HCM là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (chỉ giữ lại HĐND cấp xã, thị trấn) theo Nghị quyết 26 của QH khóa XII được thông qua ngày 15-11-2008 và có hiệu lực vào ngày 1-4-2009. Sở Nội vụ TP HCM cho biết đây là chủ trương phù hợp với thực tế của TP HCM, được nhân dân TP đồng tình. Việc thí điểm giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan. Đặc biệt, tại những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND thì quyền làm chủ của nhân dân, cử tri vẫn được bảo đảm, phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của các đại biểu QH, HĐND TP, HĐND xã - thị trấn; thông qua mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội...
Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được QH khóa XIII thông qua ngày 19-6-2015 và có hiệu lực ngày 1-1-2016, TP HCM phải tổ chức lại HĐND huyện, quận, phường. Theo tính toán của Sở Nội vụ TP HCM tại thời điểm tái lập HĐND cấp quận, huyện, phường, số biên chế toàn TP phải tăng thêm hơn 8.300 người. Ngoài việc tăng khá nhiều biên chế, mỗi năm TP phải tốn thêm 47 tỉ đồng.
Tại Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch Chi hội Khoa học Hành chính TP Đà Nẵng, cũng đánh giá qua 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường (từ năm 2009-2016), mô hình này cũng phát huy hiệu quả như tại TP HCM. Sau khi tái lập HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Đà Nẵng không chỉ tăng biên chế mà còn tăng thêm các cấp giám sát dẫn đến một số hoạt động, giám sát của HĐND quận, huyện, phường, xã bị chồng chéo. Về tổ chức bộ máy, ở khu vực đô thị, HĐND quận, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Còn ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, việc tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau.
Người lao động