MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Tín dụng tăng 8,15% trong nửa đầu năm

27-06-2017 - 15:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến 30/6/2017, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn Hà Nội dự kiến đạt 1.582.046 tỷ đồng, tăng 8,15% so với 31/12/2016 và tăng 16,01% so với cùng kỳ.

Tín dụng tăng trưởng tích cực, tập trung vào SXKD

Báo cáo Tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2017 của NHNN Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo NHNN Việt Nam và UBND thành phố, 6 tháng đầu năm các TCTD trên địa bàn đã tích cực thực hiện các biện pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Đến 30/6/2017, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn dự kiến đạt 1.582.046 tỷ đồng, tăng 8,15% so với 31/12/2016 và tăng 16,01% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.225.445 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 77,5% và tăng 9,67% so với 31/12/2016; dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 44,1% và tăng 8,99%, dư nợ trung và dài hạn chiếm tỷ trọng 55,9% và tăng 10,22%; dư nợ cho vay bằng VND chiếm 89% và tăng 9,74%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chiếm 11% và tăng 9,1% so với 31/12/2016.

Dòng tín dụng vẫn được tập trung chủ yếu cho sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Cụ thể, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 85.781 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% và tăng 10,82%; Dư nợ cho vay DNNVV đạt 513.461 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng 12,29%; Dư nợ cho vay CSXH đạt 6.127 tỷ đồng, tăng chiếm tỷ trọng 0,5%, tăng 10,46%; Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 119.849 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,78%, tăng 9,52% so với cuối năm 2016.

Về hoạt động huy động vốn, NHNN Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực sử dụng các biện pháp huy động vốn, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khá, tháng sau cao hơn tháng trước.

Đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đạt 1.733.074 tỷ đồng, tăng 5,39% so với 31/12/2016 và tăng 12,61% so với cùng kỳ. Trong đó: tiền gửi tiết kiệm tăng 6,5%, tiền gửi thanh toán tăng 5,01%; tiền gửi VND tăng 7,31%, tiền gửi ngoại tệ giảm 2,36% so với 31/12/2016. Huy động trên 12 tháng đạt 523.388 tỷ đồng, chiếm 30,2% tổng nguồn vốn huy đông trên địa bàn.

“Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các TCTD”, Báo cáo của NHNN Hà Nội nêu rõ.

Về cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, NHNN Hà Nội cho biết, đến 31/5/2017 các NHTM trên địa bàn đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 315.155 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 291.258 tỷ đồng.

Dự kiến đến 30/6/2017 các NHTM cam kết cho vay 324.505 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt 301.325 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cuối năm 2016, với 17.863 lượt khách hàng tham gia.

Thanh khoản được đảm bảo, mặt bằng lãi suất ổn định

NHNN Hà Nội cho biết, song hành với việc mở rộng tín dụng, các TCTD cũng rất chú trọng luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng được mở rộng an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, đến 30/6/2017, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn chỉ chiếm 2,82% trong tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, các TCTD luôn chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống, tích cực cơ cấu lại tài sản có, tài sản nợ, luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả ngay, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Đặc biệt, mặc dù áp lực lạm phát những tháng đầu năm là khá lớn, song các TCTD trên địa bàn vẫn thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất của NHNN. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức từ 4,5-5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 - 12 tháng phổ biến ở mức 5,5-7%/năm; đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 6,5-7,8%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 9-10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch được các TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối cũng cơ bản ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn được đảm bảo, đáp ứng được các nhu cầu thanh toán ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, thanh khoản thị trường tốt.

Mặc dù tỷ giá trung tâm liên tục tăng trong 5 tháng đầu năm 2017. Ngày 7/6/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.401 VND/USD (cao nhất từ trước đến nay), tăng 1,07% so với cuối năm ngoái. Song tỷ giá niêm yết tại các NHTM nhìn chung có xu hướng giảm. Ngày 7/6/2017, tỷ giá đạt 22.665 VND/USD (mua vào) – 22.735 VND/USD (bán ra), giảm 0,18% so với cuối năm ngoái.

Theo H.T

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên