MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội ưu tiên quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư của trên 20 dự án BT

05-07-2018 - 10:34 AM | Bất động sản

UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì rà soát tổng thể, xác định quỹ đất đủ điều kiện làm quỹ đất thanh toán cho các dự án nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất thanh toán các dự án BT trọng điểm.

Ưu tiên quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư

UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của UBND Thành phố Hà Nội, thời gian qua quá trình triển khai một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng của 02 tuyến đường sắt; dự án mở rộng đường Vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II,… còn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.

Một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh như Bệnh viện Nhi, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên - Khu liên cơ Võ Chí Công, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Phụ sản,… cũng dẫn đến chậm.

Để thực hiện dự án tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên dài 1,65 km, Hà Nội dự kiến giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng gần 60 ha đất “vàng” tại các quận trung tâm. Điều mà dư luận đang quan tâm về năng lực cũng như nhà đầu tư được Hà Nội "chọn mặt gửi vàng" này.

Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai thực hiện; chậm hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch giao vốn.

Đối với các dự án PPP và xã hội hóa UBND Thành phố yêu cầu đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các công trình trọng điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ trì tiếp tục thực hiện việc rà soát tổng thể, xác định quỹ đất đủ điều kiện làm quỹ đất thanh toán cho các dự án nhà đầu tư theo hình thực hợp đồng BT. Trong đó yêu cầu ưu tiên bố trí đủ quỹ đất thanh toán các dự án BT trọng điểm.

Trên 20 dự án BT cần quỹ đất đối ứng

Trước đó, tháng 12/2016 HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua danh mục 52 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 503.374 tỷ đồng. Tháng 12/2017, Hà Nội chấp thuận bổ sung danh mục này, điều chỉnh thành 55 dự án với tổng mức đầu tư 486.991 tỷ đồng.

Trong Danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 Hà Nội dự kiến thực hiện trên 20 dự án theo hình thức hợp đồng BT nâng tổng mức đầu tư cho các dự án BT lên 281.155 tỷ đồng.

Trong đó, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần TASCO HĐND TP. Hà Nội bổ sung thêm dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức BT vào danh mục các dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.

Đó là tuyến đường từ Khu đô thị Ecopark đi đường 179 huyện Gia Lâm dài 3,2km và tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng dài 2,4km. Cả 2 tuyến đường này được đầu tư theo hình thức hợp đồng đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).

Danh sách này có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT lớn như: Xây cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tổng mức đầu tư dự  kiến 17.000 tỷ đồng; Cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng, dài 3,1km, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh), tổng mức đầu tư 6.068 tỷ đồng; Xây đường Vành đai 3,5, đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng; Trục Hồ Tây - Ba Vì, đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến Quốc lộ 32, tổng mức đầu tư 3.604 tỷ đồng; Trục phía Nam, đoạn từ Km19+900 đến QL1A cũ, tổng mức đầu tư 3.580 tỷ đồng; Xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư 2.624 tỷ đồng; Trục Hà Nội - Xuân Mai đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3, tổng mức đầu tư 1.636 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông, tổng mức đầu tư 3.179 tỷ đồng;...

Với số lượng dự án BT trọng điểm như vậy, có thể thấy Hà Nội đang đặt nhu cầu bức thiết cần đến những dự án BT để phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn.

Mới đây tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" 5 dự án BT được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:

1. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2- Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai.

Dự án có tổng mức tổng vốn đầu tư khoảng 900.668 triệu đồng; giá trị công trình BT là 848.295 triệu đồng. Dự án có chiều dài tuyến đường khoảng 2.600m, điểm đầu tuyến giao với đường đê sông Hồng, điểm cuối tuyến kết nối với Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens. Chiều rộng nền đường B=40m. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến tháng 12-2019.

2. Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông theo hình thức BT.

Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (đường, cấp nước, thoát nước, hào kỹ thuật, cầu La Khê, chiếu sáng, hè vỉa, cây xanh, tổ chức giao thông) 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư, đô thị thuộc địa bàn quận Hà Đông. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.960.774 triệu đồng; giá trị công trình BT là 1.637.834 triệu đồng. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến vào quý I.2020.

3. Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.620.568 triệu đồng; giá trị công trình BT là 1.424.497 triệu đồng; thời thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến vào tháng 6.2020. Chiều dài tuyến đường khoảng 1.800m, điểm đầu tuyến giao với đường Minh Khai, điểm cuối tuyến giao với đường Vành đai 2,5.

4. Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng

Tại dự án này, sẽ xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã tư Vọng (phần đi bằng), xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 9.459.192 triệu đồng; giá trị công trình BT khoảng 7.645 tỉ đồng. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến vào quý I.2022...

5. Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.412.000 triệu đồng; giá trị công trình BT là 1.344.761 triệu đồng. Thời gian thực hiện, hoàn thành công trình dự kiến là 2018-2020.

Dự án này xây dựng tuyến đường với chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m. Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, hệ thống PCCC, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm, nổi trong chỉ giới thực hiện dự án.



Theo Linh Mai

Tiền phong

Trở lên trên