MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ tầng yếu và thiếu khiến ngành logistics Đông Nam bộ ì ạch

Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ còn là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, đảm nhận vận chuyển phần lớn hàng hóa và hàng container của cả nước.

Vùng có hệ thống cảng biển lớn như: Cát Lái, Phú Mỹ, Cái Mép- Thị Vải cùng sân bay như Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành đang được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Thế nhưng, trong hạ tầng cho logistics thì đường giao thông chưa hoàn chỉnh là trở ngại lớn nhất đối với logistics của vùng. Các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn về hạ tầng là nguyên nhân quan trọng khiến logistics trong vùng vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, chưa giảm được chi phí.

Hạ tầng trói chân doanh nghiệp

Vùng Đông Nam bộ hiện có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó, TP.HCM có trên 11.000 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương trên 1.600 doanh nghiệp, Đồng Nai có trên 1.200 doanh nghiệp…Chi phí logistics của Việt Nam hiện ở mức 16,8% giá trị hàng hóa trong khi ở các nước trong khu vực là 10-12%

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics cho rằng, hiện nay hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ. Điều này gây quá tải, thậm chí tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics.

Hạ tầng yếu và thiếu khiến ngành logistics Đông Nam bộ ì ạch - Ảnh 1.

Năm 2022, Hải quan các tỉnh, thành Đông Nam bộ đã làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kim ngạch trên 246,9 tỷ USD (Ảnh: MT)

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cho biết: "Logistics của chúng ta hiện nay chậm phát triển, quy hoạch logistics chưa bài bản dẫn đến hệ thống kết nối giao thông chưa đồng bộ. Thậm chí có những con đường vận chuyển chưa đạt yêu cầu, dẫn đến kẹt xe, kẹt giờ, chi phí vận chuyển đội lên rất nhiều".

Nhiều doanh nghiệp và cả ngành chức năng đã tính đến giải pháp sử dụng hệ thống đường thủy hiện hữu dày đặc và chằng chịt của vùng, nhất là kết nối với Tây Nam bộ, để vận chuyển hàng hóa, vừa giảm quá tải cho đường bộ, vừa tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số luồng lạch chưa đón được tàu lớn, cầu cống cũng không tương thích.

Ông Lê Nam Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Long An cho biết, tại Long An, nhiều doanh nghiệp trong nước và cả phía Campuchia đã tính đến chuyện kết nối hệ thống logistics đường thủy nhưng không khả thi.

Theo ông Quốc: "Phía Campuchia có làm một cảng thủy nội địa, cách cửa khẩu Hưng Điền A của tỉnh Long An chỉ 6km. Phía bạn tính là hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài về, qua Cảng Sài Gòn, quá cảnh, đi bằng đường thủy. Đã khảo sát nhưng sông đó vận tải tối đa lúc thủy triều cao nhất cũng chỉ cho tàu 50 tấn, làm sao đi container được".

Để đường thủy cho ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh thì các địa phương trong vùng cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch, nâng độ tĩnh không cho các cầu hiện hữu và quan tâm khi đầu tư xây dựng cầu mới. Từ đó mới có thể thu hút sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics đường thủy.

Hạ tầng yếu và thiếu khiến ngành logistics Đông Nam bộ ì ạch - Ảnh 2.

Vận tải bằng đường thủy chưa khai thác hết tiềm năng vì kênh rạch, cầu đường chưa đáp ứng được (Ảnh: HTK)

Đầu tư hạ tầng theo nguồn lực thực tế

Doanh nghiệp logistics mong muốn, Chính phủ và từng địa phương cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như: Ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế…

Theo ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án mà nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như: cao tốc Bến Lức- Long Thành; TP.HCM- Mộc Bài hay các dự án kết nối cửa ngõ với Tây Nam bộ, Ðông Nam bộ, các tuyến đường vào các cảng biển.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng kho bãi của doanh nghiệp đầu tư tại một số cảng biển, trong đó có cảng Long Bình, TP.HCM không hoạt động hết công suất được vì giao thông không đồng bộ, thiếu kết nối.

Ông Thành cho biết: "Cảng Long Bình chúng tôi thiết kế 1 triệu TEUs/năm với điều kiện kết nối được vào đường Vành đai 3 chứ không phải kết nối vào đường Nguyễn Xiển với mặt đường chỉ mười mấy mét như hiện nay. Cho nên hiện giờ cảng Long Bình hoạt động chỉ một nữa công suất. Rõ ràng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác với chúng tôi từ góc độ đầu tư".

Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ hầu hết đã có chiến lược phát triển logistics. Dù có hơi muộn song nếu huy động được nguồn lực thì sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Từ đòi hỏi của thực tế, Sở Công thương TP.HCM và các sở ngành liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều giải pháp, trong đó có quy hoạch 7 trung tâm logistics.

Hạ tầng yếu và thiếu khiến ngành logistics Đông Nam bộ ì ạch - Ảnh 3.

Cần giải quyết những điểm nghẽn hạ tầng cho logistics (Ảnh: MT)

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, một trong những nút thắt quan trọng trong phát triển kinh tế là logistics. Cho nên Thành phố rất quan tâm tháo gỡ nhưng phải căn cứ vào nguồn lực để ưu tiên triển khai những mục tiêu cụ thể.

"TP tập trung tháo gỡ những khó khăn trong logistics. Tuy nhiên trong thực tế nguồn lực có giới hạn nên TP phân tích, đánh giá, lựa chọn những mục tiêu ưu tiên, phù hợp nguồn lực. Nâng cấp đường sá, hạ tầng giao thông…là việc phải làm, quy hoạch đã có nhưng còn phụ thuộc vào tài chính" - ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trường Cục Hải quan TP.HCM, Cục đã ký kết quy chế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics TP.HCM (HLA), nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường kết nối trong hoạt động dịch vụ logistics, tạo thuận lợi thương mại. Năm 2022, Hải quan các tỉnh, thành Đông Nam bộ đã làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kim ngạch trên 246,9 tỷ USD.

Riêng về hạ tầng logistics, ông Nghiệp cho rằng, cùng với sự đầu tư của nhà nước, chính doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn.

"Ví dụ như đường Vành đai 3 mà tháng 6 này TP.HCM khởi công để kết nối vùng, thì doanh nghiệp logistics chuẩn bị gì? Tinh thần là phải chủ động, Hiệp hội logistics Việt Nam, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai phải gắn kết với nhau, bàn với nhau để đề nghị chính quyền cho khu vực nào để gắn kết được hoạt động logistics" - ông Nghiệp chia sẻ.

Ngành logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ gồm nhiều yếu tố với nhiều trở ngại, nhưng cốt yếu vẫn là đường giao thông trong vùng chưa hoàn chỉnh.

Logistics được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu và xa hơn là góp phần hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Logistics kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, nền kinh tế nước ta đã có độ mở rất cao (trên 200%) thì việc phát triển, nâng cấp hệ thống dịch vụ logistics là vấn đề then chốt, là xu thế tất yếu để thúc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững./.

Theo Minh Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên