Hai chuyển động đáng chú ý trước thềm ĐHĐCĐ Eximbank
Eximbank sẽ có 2 kì ĐHĐCĐ thường niên (lần thứ 3 năm 2020) và năm 2021 ngày 26-27/4 tới. Ngoài ra, là dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu triệu tập họp của nhóm cổ đông.
- 14-04-2021Sóng gió lại nổi lên ở "thượng tầng" Eximbank, 2 quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT chỉ cách nhau 1 tiếng đồng hồ
- 12-04-2021Eximbank dồn dập tổ chức 3 cuộc họp cổ đông
- 08-04-2021Eximbank đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, đề xuất chia cổ tức
- 16-03-2021Eximbank lên kế hoạch kinh doanh năm 2021
Trong 2 năm qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB ) đã liên tiếp có những kỳ ĐHĐCĐ dù thường niên hay bất thường đều đi đến bất thành. Và thường khoảng 10 ngày trước đại hội, các biến động xoay quanh lãnh đạo cấp cao, đặc biệt ở vị trí Chủ tịch HĐQT, lại diễn ra nóng bỏng.
Eximbank liên tiếp có Nghị quyết sau "đè" Nghị quyết trước. Ảnh: Ông Nguyễn Quang Thông (trái) và ông Yasuhiro Saitoh (phải)
Kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2021 này, và cả kỳ ĐHĐCĐ để trả nợ năm cũ 2020, diễn ra liên tiếp vào 2 ngày 26-27/4 tới đây của Eximbank tại Hà Nội, cũng đang đón những xáo trộn tiền đại hội đó.
Cụ thể trong ngày 13/4/2021, Eximbank đã liên tiếp có 2 Nghị quyết số 156 và số 157/2021 của HĐQT miễn nhiệm và bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT. Trong đó, Nghị quyết số 156 của Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh và thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông - từ vị trí P.Chủ tịch HĐQT, tạm thời giữ chức danh chủ tịch HĐQT cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh chủ tịch HĐQT mới. HĐQT Eximbank cũng giao ông Thông thay mặt HĐQT ký Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh theo đơn từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6-4-2021.
Tuy nhiên ngay sau đó, tại Nghị quyết 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh - người vừa bị miễn nhiệm theo Nghị quyết số 156 - HĐQT Eximbank lại thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Hai Nghị quyết trái ngược nhau này được biết cùng căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT và chỉ cách nhau 25 phút.
Đáng chú ý hơn nữa theo quy định công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết, tại SSC và HoSE, cả 2 Nghị quyết đều được công bố chính thức bởi người được ủy quyền của Eximbank. Có nghĩa là 2 Nghị quyết này đều thực sự được thực hiện bởi chính HĐQT Ngân hàng và không có chuyện HĐQT không thừa nhận vì "một trong hai Nghị quyết là không hợp lệ" như ở một vài lần đã xảy ra với họp miễn nhiệm và bổ nhiệm vị trị này trước đây.
Còn nhớ, trong "dòng" miễn nhiệm, bổ nhiệm 2 cựu Chủ tịch HĐQT của Eximbank là ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú, các Nghị quyết HĐQT được các TVHĐQT biểu quyết, ban hành, lại được các bên điểm chỉ ra nhiều vấn đề bất hợp lệ nhằm chứng minh không đúng quy định và không công nhận. Tương tự, ông Cao Xuân Ninh khi được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, cũng đã từng bị cổ đông đứng phản bác vai trò Chủ tọa của ông ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, với lý lẽ việc bổ nhiệm không "chính danh".
Biến chuyển chóng mặt để lại ra kết quả như chưa từng có một cuộc họp cùng 2 Nghị quyết HĐQT về chức danh cao nhất tại Eximbank kỳ này, một lần nữa cho thấy những thông tin dự báo về một khả năng dàn xếp tìm tiếng nói chung và đi đến đồng thuận các nhóm cổ đông, dù chỉ là tạm thời nhằm vượt qua kì ĐHĐCĐ theo quy định, lúc này vẫn chưa thành hiện thực. Hơn thế, vai trò của ông Yasuhiro Saitoh đối với nhóm cổ đông bí ẩn nào đó, kể từ khi ông thôi là đại diện của SMBC, hẳn vẫn còn rất quan trọng. Đây có thể sẽ là nhân tố có tính quyết định thế cục của các nhóm cổ đông tại Eximbank.
Kỳ ĐHĐCĐ TN của Eximbank năm nay, tiếp tục thu hút mọi chú ý trên thị trường về ngân hàng (ảnh: Một trong những kì ĐHĐCĐ bất thành của Eximbank 2020)
Một điểm đáng chú ý khác nữa, Eximbank muốn điều chỉnh tỉ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết giảm từ 65% xuống 50%. Và tỷ lệ điều chỉnh sẽ lùi dần với các kịch bản: Nếu cuộc họp lần thứ 1 không đủ điều kiện tiến hành, tỉ lệ số cổ đông dự họp để có thể tiến hành tổ chức đại hội cổ đông lần 2 giảm từ 51% xuống 33%; nếu cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỉ lệ cổ đông dự họp.
Mong muốn này của ngân hàng nếu được thực thi, cũng sẽ có ý nghĩa trực tiếp quyết định đường dẫn đến thành công của ít nhất một cuộc họp nhằm có điều kiện tạo tiếng nói chung công khai, hoặc "trả nợ" cổ đông theo nghĩa vụ. Theo đó, Eximbank có thể tránh khỏi thất bại ít nhất một lần, không bị trống dong cờ mở, bỏ nhiều chi phí để tổ chức ĐHCĐ nhưng lại không thể tiến hành tiếp cho đến cuối cùng. Tất nhiên, ngoài yếu tố điều chỉnh tỷ lệ cổ đông dự họp, còn phụ thuộc vào những diễn biến cụ thể ở các cuộc ĐHCĐ với những yếu tố bất ngờ khác. Mà cho đến lúc này, Eximbank đã và đang là ngân hàng luôn tiềm ẩn để bùng phát những thông tin không thể nào dự đoán.
Một điểm sáng có thể an ủi Lãnh đạo và CBNV, đặc biệt cổ đông nhỏ của Eximbank là ngân hàng đề xuất chia cổ tức sau 7 năm không chia. Trong sóng gió tranh chấp sở hữu, Ban lãnh đạo Eximbank đã vẫn hoạt động tích cực và ngân hàng đã gặt hái được những kết quả với việc đến hết tháng 3 năm 2021 đã thanh toán hết trái phiếu VAMC. Theo đó, Ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Nếu được chấp thuận, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông phương án cụ thể. Dự kiến với lợi nhuận được chia sau trừ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ cố phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, cổ tức dự kiến là 1.800 đồng một cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Eximbank cũng dự kiến trình cổ đông mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 60% so với năm trước lên 2.150 tỷ đồng. Đây là một con số táo bạo nhưng không phải không thể khả thi, đặc biệt nếu Eximbank có thể hợp nhất sức mạnh cổ đông.
Song với các kịch bản điều chỉnh tỉ lệ số cổ đông dự họp theo dự kiến, phần nào cũng đã phán đoán được sự thiếu lạc quan đối với mong ước hợp lực tại Eximbank, vào lúc này.
Diễn đàn doanh nghiệp