MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai gã khổng lồ Airbus A380 bị kéo đi "xẻ thịt" khi mới hơn 10 tuổi: Chuỗi ngày bi thảm của "tượng đài" bắt đầu?

06-10-2021 - 14:03 PM | Tài chính quốc tế

Hai gã khổng lồ Airbus A380 bị kéo đi "xẻ thịt" khi mới hơn 10 tuổi: Chuỗi ngày bi thảm của "tượng đài" bắt đầu?

Việc Singapore Airlines, hãng hàng không đầu tiên đưa vào khai thác dòng máy bay chở khách lớn nhất thế giới Airbus A380, mang 2 chiếc loại này đi tháo dỡ chỉ sau hơn 10 năm sử dụng báo hiệu một kết cục buồn với gã khổng lồ nắm giữ nhiều kỷ lục.

Tối muộn hôm 4/10, 2 chiếc Airbus A380 cùng 1 chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Singapore Airlines được kéo từ Sân bay Changi tới Trung tâm Triển lãm Changi, Singapore để tháo dỡ. Không có nhiều thông tin về chiếc Boeing 777 nhưng 2 chiếc A380, mẫu máy bay chở khách lớn nhất hành tinh, bị "hóa kiếp" khi hoạt động được 11 năm. Chúng được đưa vào biên chế hãng hàng không này năm 2009 sau khi Airbus bàn giao.

Sở hữu 4 động cơ phản lực, Airbus là máy bay chở khách lớn nhất thế giới. Nó rộng hơn chiếc Boeing 747-8 tới 40%. Hành khách đánh giá cao những chiếc A380 vì sự êm ái, rộng rãi mà nó mang lại trong suốt những hành trình dài. Đó cũng là lý do vì sao những chiếc máy bay này có đơn giá tới gần nửa tỷ USD mỗi chiếc.

Thông thường, một chiếc máy bay có thể được sử dụng trong khoảng 25 năm. Đối với dòng máy bay thế hệ mới như Airbus A380, người ta không biết nó có thể hoạt động hiệu quả trong bao lâu trước khi bị loại bỏ vì chi phí bảo dưỡng quá tốn kém và chúng trở nên không còn đáp ứng được các điều kiện an toàn nữa.

Hai gã khổng lồ Airbus A380 bị kéo đi xẻ thịt khi mới hơn 10 tuổi: Chuỗi ngày bi thảm của tượng đài bắt đầu? - Ảnh 1.

Tuổi thọ 11 năm của 2 chiếc Airbus A380 mà Singapore Airlines mang đi tháo dỡ rõ ràng không liên quan đến sự an toàn và khả năng hoạt động của chiếc máy bay. Nó đến từ một câu chuyện khác, liên quan đến chi phí vận hành những gã khổng lồ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, khiến ngành hàng không tê liệt. Tuy nhiên, trước đó, số phận dòng máy bay này cũng đã được định đoạt.

Vì sao biểu tượng lại "thất sủng"?

Airbus A380 là loại máy bay chở khách phản lực thân rộng, 2 tầng với 4 động cơ. Nó cũng là chiếc siêu máy bay chở khách 2 lối đi, 4 động cơ đầu tiên và duy nhất mà Airbus phát triển. Nó ra đời để cạnh tranh với những chiếc Boeing 747. Chuyến nay đầu tiên của Airbus A380 diễn ra vào năm 2005 và được khai thác thương mại vào tháng 10/2007 bởi chính Singapore Airlines.

Sự ra đời của chiếc A380 đánh dấu thành tựu nhảy vọt của Airbus trong cuộc đua với Boeing. Chúng vượt trội hơn hẳn về mọi mặt so với những chiếc 747. Tuy nhiên, một điều không thể không nhắc tới là những chiếc Nữ hoàng bầu trời, danh xưng của Boeing 747, cất cánh lần đầu từ năm 1969, cách A380 tới gần 4 thập niên.

Những vinh quang của dòng máy bay thân rộng đều đã thuộc về Boeing 747. A380 xuất hiện vào thời điểm "cuối sóng", khiến nó dù được ưa chuộng nhưng cũng không thể tạo nên cuộc cách mạng. Tầm xa 15.700 km cùng sức chứa lên tới 525 khách ở cả 3 loại ghế bất ngờ trở thành tử huyệt của dòng máy bay này.

Tính tới tháng 11/2016, có 319 đơn đặt hàng Airbus A380 và 200 chiếc được giao. Emirates là hãng hàng không đặt nhiều A380 nhất với 100 chiếc đã giao trong tổng số 142 chiếc. Khách hàng của A380 đều là những hãng hàng không lớn, chuyên phục vụ những hành khách giàu có bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, kích thước lớn khiến không phải sân bay nào cũng có thể đáp ứng được sự hiện diện của chúng. Chính điều này khiến nhiều sân bay đã phải sửa chữa để đảm bảo A380 cất và hạ cánh an toàn.

Hai gã khổng lồ Airbus A380 bị kéo đi xẻ thịt khi mới hơn 10 tuổi: Chuỗi ngày bi thảm của tượng đài bắt đầu? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, chỉ tới tháng 2/2019, Airbus ấn định dừng chương trình A380 vô thời hạn vào năm 2021 do không có đơn hàng nào mới. Việc Emirates cũng đổi những chiếc A380 chưa giao sang những chiếc A350 và A330neo nhỏ hơn là nguyên nhân chính khiến việc đóng cửa diễn ra sớm hơn dự kiến. Như vậy, chỉ có 251 chiếc A380 được giao.

Theo tính toán, với số lượng máy bay này, Airbus cần lãi 90 triệu USD/chiếc để có thể bù đắp chi phí 25 tỷ USD mà họ bỏ ra để phát triển chương trình này. Thế nhưng, giá bán chính xác 445 triệu USD/chiếc dường như không đủ trang trải chi phí sản xuất chứ chưa nói tới lãi. Điều này đồng nghĩa Airbus tiếp tục thua lỗ với từng chiếc A380 được bán ra. Cùng với việc các đơn hàng biến mất, việc ngừng sản xuất dường như là bài toán kinh tế.

Gã khổng lồ sinh ra nhầm thời

Không ai phủ nhận A380 là một chiếc máy bay cực tốt. Đối với người dùng, nó rộng, thoải mái và đặc biệt sang trọng. Tuy nhiên, với các hãng hàng không, nó lại là gánh nặng. Rất khó để lấp đầy hơn 500 ghế trên mỗi chuyến bay. Nó cũng chỉ phù hợp cho những tuyến đường đông đúc, nối các trung tâm kinh tế với nhau thay vì các hành trình khác.

Trong khi đó, các hàng hàng không lại tập trung khai thác các điểm đến nhỏ hơn nhưng tỷ lệ lấp đầy cao hơn với các dòng máy bay nhỏ hơn. Thực tế, sự thay đổi tư duy trong khai thác các đường bay của ngành công nghiệp hàng không đã tạo ra một tác động không nhỏ tới những chiếc A380. Việc đặt hàng các loại máy bay khủng như A380 hay Boeing 747 cũng vì thế mà sụt giảm kể từ năm 2010 đến nay.

Hai gã khổng lồ Airbus A380 bị kéo đi xẻ thịt khi mới hơn 10 tuổi: Chuỗi ngày bi thảm của tượng đài bắt đầu? - Ảnh 3.

Khi đại dịch bùng phát, những gã khổng lồ càng trở thành gánh nặng. Việc 2 chiếc A380 đầu tiên bị mang đi "xẻ thịt" bởi chính hãng hàng không từng tiên phong sử dụng loại máy bay này là một dấu mốc, đánh dấu chuỗi ngày "bi thảm" mà tượng đài này có thể sắp phải trải qua. Chưa ai biết khi nào ngành công nghiệp hàng không toàn cầu mới có thể phục hồi và càng không nhiều người biết khi nào những chiếc A380 có thể trở lại bầu trời.

Singapore Airlines đã lên kế hoạch cẩn thận để kéo những chiếc A380 tới nơi tháo dỡ. Do chất lượng máy bay tốt nên họ sẽ tháo từng bộ phận còn có thể sử dụng để bán làm phụ tùng cho những chiếc A380 còn hoạt động. Đây là 2 trong số 7 chiếc Airbus A380 mà Singapore Airlines loại khỏi biên chế trong năm 2020.

Phần lớn những gì mà Airbus A380 có thể đáp ứng đều đã bị những đối thủ nhỏ hơn như Boeing 777, Boeing 787 hay Airbus A350 bắt kịp. Những mẫu máy bay nhỏ này trở nên "thân thiện" hơn nhiều với các hãng hàng không khi chúng tiết kiệm nhiên liệu, dễ lấp đầy và hoàn toàn có thể đáp ứng được những lộ trình dài ngắn khác nhau.

Tuy nhiên, những chiếc A380 còn lại vẫn được lên kế hoạch sử dụng khi nhu cầu trở lại. Chúng sẽ tiếp tục vươn cánh trên bầu trời nhờ sự sang trọng và tiện lợi mà không dòng máy bay nào khác có được. Giới nhà giàu chắc chắn vẫn sẽ ưa chuộng việc đi lại bằng những chiếc A380, nhất là khi chúng biến các hành trình dài trở nên thoải mái.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên