Hai ông lớn EVN và PVN đều muốn nhận vận hành hai nhà máy điện BOT Phú Mỹ, Bộ Công Thương chọn ai?
Sau khi xem xét và nghiên cứu, trong văn bản gửi Thủ tướng vào ngày 5-1, Bộ Công thương đã đề xuất thủ tướng giao cho EVN tiếp nhận và vận hành hai nhà máy điện BOT.
- 25-12-2021Mitsubishi bán 15% cổ phần nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng II cho 'đại gia' năng lượng Nhật Bản
- 18-12-2021PV Power (POW): Ký kết hợp đồng tín dụng 95 triệu USD nhằm tái cấu Nhà máy Thủy điện Đăk Đrinh
- 27-11-2021Phó TGĐ REE: Từ quý 4/2021 phía Bắc chắc chắn bắt đầu thiếu điện, nhà máy nhiệt điện than những năm tới sẽ phải gồng mình để chạy hết công suất!
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi 3 Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về chuyển giao hai nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 theo đề nghị của Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đúng các nhiệm vụ được giao tại văn bản chỉ đạo trước đó, không để ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công tác chuyển giao hai nhà máy theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT.
Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 có chủ đầu tư là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation. Nhà máy có công suất 716,8 MW theo công nghệ tua bin khí theo chu trình hỗn hợp, sử dụng nguyên liệu khí tự nhiên mua từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Được vận hành thương mại năm 2004, NMĐ BOT Phú Mỹ 3 sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 01/03/2024.
Với công nghệ tương tự, nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 do EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI là chủ đầu tư với công suất 715MW. Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 được vận hành thương mại từ ngày 04 tháng 2 năm 2005 với thời hạn 20 năm, sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho Việt Nam vào ngày 04 tháng 02 năm 2025.
Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2
Trước thông tin nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao nhà máy nhiệt điện BOT, cả 2 ông lớn là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều có văn bản gửi Bộ Công thương xin tiếp nhận, vận hành hai nhà máy nhiệt điện.
Sau khi xem xét và nghiên cứu, trong văn bản gửi Thủ tướng vào ngày 5-1, Bộ Công thương đã đề xuất thủ tướng giao cho EVN tiếp nhận và vận hành hai nhà máy. Lý giải cho vấn đề này, Bộ Công thương đã đưa ra các lý do như sau:
(i) EVN có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực tài chính và nhân sự để tiếp nhận 2 nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ. EVN có xấp xỉ 30 năm kinh nghiệm vận hành các nhà máy điện, hiện đang quản lý 35 nhà máy với 97.000 cán bộ công nhân viên.
(ii) EVN là đơn vị đang vận hành các nhà máy chạy khí tương tự cùng với 02 nhà máy Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3. Đồng thời EVN cũng đơn vị cùng Bộ Công thương trong quá trình đấu thầu, đàm phán hợp đồng BOT cả hai dự án nhà máy nhiệt điện nói trên.
(iii) Theo quy định trong PPA của 2 dự án, từ khi các nhà máy đi vào vận hành, EVN và công ty BOT đã thành lập Ban điều phối liên hợp, họp ít nhất 3 lần/tháng để thực hiện các nhiệm vụ điều phối liên quan đến vận hành, điều độ, bảo dưỡng, kiểm nghiệm các thông số vận hành, giám sát chất lượng các loại tài sản của nhà máy, kiểm tra số liệu lưu trữ liên quan đến bản vẽ, đặc tính kỹ thuật, sổ tay chỉ dẫn vận hành. Do đó, EVN có đầy đủ thông tin, hồ sơ chi tiết về tình trạng, chất lượng nhà máy.
(iv) Việc giao EVN là đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau chuyển giao là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN.
Đối với PVN, trong văn bản gửi Bộ Công thương, doanh nghiệp này cũng đưa ra 4 lý do để xin tiếp nhận hai nhà máy. PVN hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu cho 2 NMĐ vận hành ở mức cao nhất, PVN có thuận lợi để thu xếp được nhiên liệu với chi phí cạnh tranh nhất cho 2 NMĐ BOT. PVN là nhà cung cấp khí duy nhất trên thị trường, việc bổ sung quyền sở hữu và vận hành 2 NMĐ BOT làm tăng tính linh hoạt, giảm rủi ro tồn kho cũng như các rủi ro thương mại cho PVN. Hơn thế nữa, PVN cũng có kinh nghiệm trong việc vận hành, quản lý nhà máy điện khí với 4 nhà máy ở phía Nam.