Hàn Quốc chuộng hoa quả của Việt Nam
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (VN) - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 20.12.2015 đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp VN được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường này.
- 24-05-2016Hoa quả Thái Lan nhập khẩu: Đâu phải cứ xuất xứ từ Thái Lan là “sạch”!
- 12-05-2016Nông dân điêu đứng vì tin đồn túi đựng hoa quả hại sức khỏe
- 07-11-2015Lo ngại hoa quả trái vụ nhập ồ ạt
Nhiều tiêu chuẩn còn cao hơn Nhật Bản
Tại buổi giao thương “Tiếp cận thị trường hàng thực phẩm Hàn Quốc” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 24.5, bà Lưu Thúy Hằng - đại diện Công ty CP Nafoods Group - cho biết: “Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu khó tính nhất và phải qua quy trình kiểm tra gắt gao ngay từ đầu so với các tiêu chuẩn xuất đi Châu Âu. Đặc biệt, mặt hàng rau, củ, quả xuất khẩu xuất sang thị trường này đòi hỏi một số đặc tính riêng. Cụ thể như việc kiểm soát giới hạn vi sinh trong sản phẩm, yêu cầu của các thị trường khác là 10.000 nhưng xuất sang Hàn Quốc phải đáp ứng dưới 5.000 với một số chỉ tiêu vi sinh”.
Ông Kim Nam-Hyoung - Tổng Giám đốc Tập đoàn AMOJE cũng khẳng định: “Các tiêu chí nhập khẩu thực phẩm của Hàn Quốc rất khó khăn, thậm chí đòi hỏi còn cao hơn so với Nhật Bản. Xu hướng thị trường thực phẩm Hàn Quốc hiện nay là phát triển những sản phẩm đóng gói sẵn, tiện lợi và dễ sử dụng. Khách hàng của dòng sản phẩm này không chỉ là các bà nội trợ, mà còn là các nhà hàng. Bởi lẽ, họ có thể chế biến nhanh chóng nhiều món ăn từ các nguyên liệu này mà không cần thuê nhiều nhân viên do chi phí nhân công tại Hàn Quốc rất đắt”.
Ngoài ra, ông Kim Nam-Hyoung cho biết, DN Việt cần phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng Hàn Quốc. Nếu chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sẽ rất khó bán, cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, các sản phẩm dự định xuất khẩu có thực sự phù hợp với khẩu vị của người Hàn trước khi tiến hành xúc tiến giao thương để tránh gặp thất bại.
Tiềm năng từ mặt hàng hoa quả nhiệt đới
Đánh giá về thị trường thức ăn Hàn Quốc, ông Woo Deok Kwan - chuyên gia cao cấp Tập đoàn CJ cho biết, hiện nay các gia đình đơn lẻ tại Hàn Quốc rất phổ biến nên có xu hướng sử dụng nhiều sản phẩm đồ ăn đóng gói, có thể chế biến, thực hiện bằng những thao tác đơn giản. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp nên người dân có xu hướng tiết kiệm bằng cách về nhà nấu ăn thay vì ra ngoài ăn uống.
Chuyên gia này cũng lưu ý, khác với thị trường Mỹ và Châu Âu, thị trường thực phẩm Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng khá khoảng 7,5%/năm, nhưng mức độ tiêu thụ sản phẩm trên đầu người không cao, điều này cho thấy tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu tới từ VN. Tại thị trường Châu Á, VN và Philippines là hai nước đứng đầu với 86 điểm về tiềm năng ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong đó, những sản phẩm được mong chờ từ thị trường VN là ớt, hải sản, xoài, dứa, khoai tây, đường…
Bà Ra Joo Hee - Giám đốc Tập đoàn Pulmuone (Hàn Quốc) lưu ý: “VN nên tập trung vào mảng xuất khẩu hoa quả nhiệt đới để đưa sang Hàn Quốc. Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn có thể nhập nhiều dứa và xoài từ VN bởi lẽ sản phẩm của VN có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhu cầu đối với các loại quả như chôm chôm, chanh leo đông lạnh và hoa quả khô… bởi đây là những mặt hàng Hàn Quốc tiêu thụ mạnh”.
“Trong đó, đặc biệt cần đa dạng hóa sản phẩm theo hình thức khác nhau. Các sản phẩm của VN cần chú ý đến hình thức sản phẩm cũng như bao bì nhiều hơn. Ví dụ như sản phẩm xoài đông lạnh có thể cắt rời và cắm vào que như một cây kem hiện đang rất được ưa thích tại Hàn Quốc; hoặc tách vỏ và khía cạnh để có thể bẻ như một quả quýt chẳng hạn” - chuyên gia này cho biết thêm.
Lao động