Hàng bánh Trung thu trong ngõ nhỏ ở Hải Phòng 35 năm được quản lý và truyền nghề bởi những người phụ nữ
Đây cũng là một hiệu bánh đã truyền tới đời thứ 3 và được người Hải Phòng nhận xét hương vị không thua kém gì các hàng ở Cầu Đất.
- 28-09-2023Bánh trung thu 'xả hàng' trước giờ G: Băn khoăn chất lượng với bánh khuyến mãi
- 27-09-2023Hà Nội: Đi hơn 10km, xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ để mua bánh Trung thu
- 26-09-2023Bánh trung thu "mua 1 thành 4" có thật như quảng cáo?
Nhắc đến bánh Trung thu ở Hải Phòng, ta thường nghĩ đến ngay loạt cửa hàng “mặt tiền” trên con phố Cầu Đất như Đông Phương, Thanh Lịch, Bình Minh… Thế nhưng, cách đó không xa, trong một con ngõ nhỏ ở đường Hàng Kênh cũng ngày ngày tấp nập người ra, người vào từ đầu mùa tới tận rằm tháng Tám.
Tiệm bánh truyền đời nằm trong con ngõ nhỏ
Con ngõ 106/173 Hàng Kênh, nối sang đường Lạch Tray, thường được người dân nơi đây gọi với tên cũ là ngõ Lý Tiêm giao với Lý Phình. Những ngày này, chỉ vừa đặt chân tới đầu ngõ là đã ngửi thấy thoang thoảng mùi thơm của những chiếc bánh nướng ở tiệm bánh giữa phố.
Theo lời những người dân sống quanh đây, tiệm bánh Hương Liên đã có từ những năm 1989 và được ưa chuộng khoảng 15 năm trở lại. Ngày thường vốn đã tấp nập nhưng vào mùa Trung thu thì con ngõ chỉ rộng chừng 2m này lại càng nhộn nhịp hơn khi các vị khách kéo tới đặt và mua bánh.
“Ký ức của tôi là mẹ dặn sáng sớm xếp hàng mua bánh của cô chú Hương Liên mà mải đi chơi điện tử, đến trưa mới ra thì hết bánh. Thế là về bị mẹ phạt đứng góc nhà cả chiều. Sau này nhớ đời thì cứ ra ghi sổ hẹn trước phần mẹ cháu 4 cái, lấy vào sáng 15/8 âm lịch”, anh Phương (Hàng Kênh) kể lại.
“Mỗi ngày tiệm Hương Liên đều ra mẻ bánh mới và các bà, các mẹ rất thích cảm giác đi chợ về ghé qua mua được những chiếc bánh mới nhất. Ở đây ăn cuốn nhất phải là thập cẩm gà quay và nhất là những ai đam mê trứng muối lại càng thích”.
Gặp gỡ chị Hà - con gái của cô chủ hiệu bánh thì được biết, nghề làm bánh Trung thu của gia đình có từ thời ông bà ngoại, do một thầy giáo truyền dạy công thức. Sau này, bố mẹ chị là người tiếp quản và trực tiếp vận hành tiệm bánh. Đến nay, bà vẫn là người phụ trách chính song dần truyền nghề sang đời thứ 3 cho chính những người con của mình. “Công thức làm bánh hiện tại không chỉ được truyền lại mà đã đúc kết từ kinh nghiệm làm bánh nhiều năm qua của mẹ tôi”, chị Hà tiết lộ.
35 năm không sáng tạo thêm vị mới và lý giải vì sao qua 3 đời các cô con gái đều được truyền nghề
Trong lúc tìm hiểu về các gia đình làm bánh Trung thu ở Hải Phòng hay một số tỉnh thành miền Bắc, có một điểm dễ dàng nhìn ra rằng phần lớn những người được truyền công thức, đứng lò hay tham gia vào công đoạn sản xuất chính thường là nam giới. Ngay chính một cửa hàng gia truyền trên phố Cầu Đất từng chia sẻ: "Công việc làm bánh Trung thu tuy chỉ cao điểm vào vụ mùa hay có đơn đặt hàng lớn, song, cũng tiêu tốn không ít sức lực của những người thợ. Vợ chồng tôi và anh trai phải chia nhau, mỗi người phụ trách một công đoạn chứ khó mà ôm đồm cả được, có những việc đến chúng tôi làm còn thở không ra hơi, những việc nhẹ hơn sẽ nhường chị em".
Tuy nhiên, không biết vì một sự ngẫu nhiên hay có chủ đích, mà tại Hương Liên qua 3 đời nay người nối nghiệp chính đều là những người phụ nữ trong gia đình. Đương nhiên, họ cũng có những người thợ lành nghề và một cậu con trai đứng ra phụ giúp trong nhiều công đoạn quan trọng làm nên tên tuổi và sức ảnh hưởng của một thương hiệu truyền thống.
Các công đoạn làm ra những chiếc bánh truyền thống. Ảnh: NVCC
Với sự thắc mắc trên, chúng tôi đã tìm gặp chị Hà - người đang quản lý chính của cửa tiệm chia sẻ rằng: "Thực ra không có bất cứ quy định nào về việc làm bánh Trung thu phải là nam hay nữ. Tuy nhiên với một mô hình kinh doanh nhỏ thế này thì mỗi thành viên trong gia đình cần được tập trung phát huy các thế mạnh của nhau. Trước kia là ông bà cùng làm, sau là bố mẹ tôi. Hiện tại chị em tôi đều chia ra phụ trách các công đoạn khác nhau của cửa hàng. Còn theo như nếp quen và các góc nhìn truyền lại từ bà thì những người phụ nữ trong gia đình tôi, điển hình thấy trực tiếp là mẹ có sự tỉ mỉ, cẩn trọng từng li từng tí, mà điều này được rèn luyện từ chính công việc làm ra những chiếc bánh Trung thu".
Chị cũng nói thêm: "Điều đầu tiên và cũng là điều quan trong nhất là việc chọn nguyên liệu. Bánh nướng thường vẫn làm quanh năm nhưng với chính vụ Trung thu thì từ trước đó cả tháng, đích thân các thành viên trong gia đình đã phải liên hệ các đầu mối cung cấp nguyên liệu, lựa chọn kỹ càng nhất. Công đoạn kiểm soát nguyên liệu và trộn nhân được coi là cốt lõi, quyết định độ thơm ngon của một chiếc bánh".
Một điểm đặc biệt nữa mà những vị khách trung thành của tiệm bánh Hương Liên rất thích là họ không bao giờ phải hoa mắt khi nhìn vào menu. Đó là do suốt 35 năm qua, nhiều cửa hàng truyền thống khác, dù vẫn giữ nguyên vị quen thuộc nhưng cũng sáng tạo ra không ít vị bánh mới. Trong khi ấy, bánh nướng, bánh dẻo của gia đình chị Hà vỏn vẹn chỉ có các vị cơ bản nhất. 3 loại nhân được ưa chuộng là thập cẩm truyền thống, gà quay, đậu xanh, sau này mới có thêm sen nhuyễn và khoai môn.
Mỗi chiếc bánh đều là niềm tự hào của gia đình
Người truyền đời thứ 3 của tiệm bánh Hương Liên thừa nhận rằng, so với những mùa Trung thu trước thì năm nay cửa hàng cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung. Tuy nhiên, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo là không thể thiếu vào những "mùa trăng". Do đó, thay vì mua sắm tràn lan thì người dân kỹ tính hơn, họ sẽ chỉ chọn những chiếc bánh chất lượng nhất, hợp khẩu vị nhất.
"Bởi vậy chúng tôi lại càng phải cẩn trọng hơn với mỗi chiếc bánh ra lò. Và không chỉ người dân địa phương, năm nay, lượng khách từ những tỉnh thành ở miền Bắc và miền Nam cũng phát sinh rất nhiều, có nhiều nơi liên hệ mua hoặc làm đại lý", chị Hà cho hay.
Ngoài ra, với chị Hà, nghề làm bánh Trung thu còn có ý nghĩa quan trọng trong gia đình của mình. "Trước mắt, chính những chiếc bánh này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Hơn thế nữa, nó còn là niềm tự hào của cả gia đình, của ông bà, của bố mẹ và của chị em tôi khi là một địa chỉ giữ gìn nghề truyền thống được mọi người nhớ tới và nhắc tới".
"Các bạn trẻ hiện nay có thể đi nước ngoài học làm bánh hay làm ra những chiếc bánh hiện đại. Nhưng tôi tin một bộ phận giới trẻ vẫn rất thích ăn bánh cổ truyền. Và tất nhiên gia đình tôi sẽ vẫn giữ gìn nghề truyền thống và truyền lại cho con cháu sau này", chị Hà nói.
Tổ Quốc