Hàng chục cổ phiếu đi ngược thị trường trong tháng 4 giông bão, cái tên nào thường có phong độ tốt vào tháng 5?
Toàn sàn có 76 mã ngược dòng trong tháng 4 trong đó có nhiều cổ phiếu tăng ấn tượng hàng chục %. Tuy nhiên, chỉ một vài cái tên thường có phong độ tốt vào tháng 5 trong 3 năm gần nhất.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 4 đầy giông bão khi VN-Index mất 125 điểm (-8,4%) một cách chóng vánh. Đà giảm diễn ra trên diện rộng thậm chí số cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên còn lên đến hơn 100 mã khiến nhà đầu tư có cảm giác "chạy đâu cũng không hết nắng". Thế nhưng tổng kết lại tháng 4 vẫn có 76 cổ phiếu ngược dòng trên cả 3 sàn, trong đó nhiều cái tên tăng rất ấn tượng.
Các cổ phiếu có mức tăng trong tháng 4 lớn hơn biên độ một phiên trên 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM
Trên HoSE, 11 mã có mức tăng lớn hơn biên độ một phiên (+/-7%) trong đó những cổ phiếu tăng mạnh nhất đều không quá xa lạ với nhà đầu tư như ACL của Thủy sản Cửu Long, BCM của Becamex IDC, HAH của Cảng Hải An, VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, SCS của Saigon Cargo Services, VHC của Vĩnh Hoàn.... Hầu hết các danh nghiệp trên đều lãi lớn, lợi nhuận lập kỷ lục, tăng trưởng bằng lần trong quý đầu năm.
Trong đó, 2 doanh nghiệp thủy sản ACL và VHC được hưởng lợi từ giá bán và hoạt động xuất khẩu khởi sắc. HAH lãi lớn nhờ giá cước vận tải và cho thuê tàu "đắt đỏ". SCS tăng trưởng cao nhờ sản lượng hàng hóa tăng mạnh. VSH hưởng lợi từ điều kiện thủy văn thuận lợi và nhà máy Thượng Kon Tum vận hành tốt. Ngược lại, chỉ có duy nhất BCM tăng trưởng âm trong quý đầu năm nhưng cổ phiếu vẫn bứt phá mạnh lập đỉnh lịch sử.
Trên HNX, chỉ 5 cái tên có mức tăng cao hơn biên độ một phiên (+/-10%) trong đó POT của Thiết bị Bưu điện (POSTEF) là cái tên gây ấn tượng nhất. Cổ phiếu này từng có chuỗi tăng trần liên tiếp hồi đầu tháng 4 bất chấp thông tin bị dừng phá dỡ tòa nhà cổ tại khu đất vàng 61 Trần Phú được POSTEF nhắm đến cho dự án Công trình đa chức năng chuẩn bị khởi công.
Khác với POT, một cổ phiếu không còn lạ lẫm với nhà đầu tư cũng có mức tăng ấn tượng là HAD của Hãng Sơn Đông Á chỉ mới tăng tốc từ nửa sau của tháng 4. Đà tăng khởi phát sau khi doanh nghiệp này hoàn tất phát hành tăng vốn gấp đôi lên 230 tỷ đồng và báo lãi quý 1/2022 gấp 2 lần cùng kỳ.
Trên UpCOM, số lượng cổ phiếu có mức tăng lớn hơn biên độ một phiên (+/-15%) nhiều hơn với 13 mã. Với đặc thù biên độ lớn, không bất ngờ khi top dẫn đầu danh sách tăng mạnh nhất trên sàn này trong tháng 4 lại có mức tăng lên đến hàng chục % tuy nhiên phần lớn đều là những cái tên ít được nhắc đến. Quen thuộc nhất trong số này là DHB của Đạm Hà Bắc, doanh nghiệp cũng vừa báo lãi kỷ lục gần 900 tỷ đồng nhờ giá Ure, NH3 thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao.
Cần phải lưu ý rằng, cổ phiếu đi ngược thị trường trong giai đoạn giông bão không đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục tăng mạnh khi "trời quang mây tạnh". Trong top 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên 3 sàn, chỉ có HAH, VSH và SCS có được phong độ "toàn thắng" vào tháng 5 trong 3 năm gần nhất. Ngoài ra, HDB và VNY cũng bất bại nhưng 2 cổ phiếu này đều giao dịch trên UpCOM với thanh khoản cực kỳ eo hẹp và thường xuyên không có giao dịch.
Chỉ có HAH, VSH và SCS toàn thắng vào tháng 5 trong 3 năm gần nhất
Trong trường hợp không còn các thông tin hỗ trợ tích cực, các cổ phiếu vừa tỏa sáng trong tháng 4 khó có thể tiếp tục ngược dòng trong tháng 5, thay vào đó sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường chung.
Cú giảm sâu trong tháng 4 đã kéo chỉ số P/E của VN-Index xuống dưới mức 15 lần, thấp nhất trong vòng 3-4 năm gần đây, đặc biệt mức P/E VN30 rẻ hơn P/E VN-Index khá nhiều lần. Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích VNDirect cho rằng vùng định giá này rẻ so với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp toàn thị trường dự báo khoảng 23%.
Lạc quan hơn, ông Cao Minh Hoàng – Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA còn khẳng định "Thời điểm này, nhà đầu tư không dùng margin có thể nhắm mắt mua và nắm giữ cổ phiếu trên 1 năm, khả năng chiến thắng sẽ rất cao. Tất nhiên việc mua cổ phiếu gì sẽ quyết định mức sinh lời".
Trong báo cáo chiến lược tháng 5, VNDirect đã chỉ ra 3 động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên gồm (1) Tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những quý tới; (2) Kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 được công bố trong Đại hội cổ đông thường niên và (3) Kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2022.
Mặt khác, VNDirect cho rằng diễn biến thị trường trong tháng tới sẽ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như (1) Căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài hơn dự kiến và việc phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu; (2) Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến và (3) Lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt.