4 tuần tăng liên tiếp của giá dầu
Tính từ mức đáy 26,21 USD thiết lập vào khoảng giữa tháng 2, giá dầu đã tăng được hơn 50%...
- 18-03-2016Giá dầu vượt 40 USD/thùng
- 17-03-201630 năm qua dầu đã lao dốc tới 4 lần và đây là cách giá dầu hồi phục trong quá khứ
- 17-03-2016Giá dầu bất ngờ tăng vọt
Thông tin số lượng giàn khoan dầu của Mỹ tăng mạnh đã khiến giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Sáu, theo tin từ Reuters.
Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu trên cả hai thị trường Mỹ và London vẫn tăng. Giá dầu tại Mỹ tăng được 2,4% trong tuần tăng thứ 5 liên tiếp, còn giá dầu Brent tăng 2% và đã có 4 tuần tăng.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes công bố đã có thêm một giàn khoan dầu tại Mỹ được đưa vào hoạt động trong tuần qua. Như vậy khoảng thời gian người Mỹ liên tục đóng cửa giàn khoan dầu đã chính thức chấm dứt. Tính từ mức đáy 26,21 USD thiết lập vào khoảng giữa tháng 2, giá dầu đã tăng được hơn 50%.
Ở hiện tại, số lượng các giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng sản lượng dầu sản xuất ra hàng ngày mới chỉ giảm chưa đến 7% và hiện vẫn ở mức cao trên 9 triệu thùng/ngày.
Trong thời gian gần đây khi giá dầu tăng lên sát mức 40 USD/thùng, nhiều chuyên gia năng lượng đã lo lắng về khả năng các công ty Mỹ sẽ nhanh chóng mở cửa các giàn khoan dầu để tranh thủ giành thêm thị phần. Khả năng đó nay đã trở thành hiện thực.
Phiên ngày thứ Sáu trên thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng mạnh khoảng 2,5% vào đầu phiên nhưng sau đó khi số lượng về giàn khoan dầu Mỹ được công bố, giá dầu giảm 1,9%, xuống 39,44 USD/thùng. Chỉ một ngày trước đó, giá dầu WTI đã vượt mức 40 USD/thùng lần đầu tiên từ ngày 3/12/2015.
Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn cũng giảm 0,8% xuống 41,20 USD/thùng.
Trong những tuần vừa qua, giá dầu tăng mạnh bởi nhà đầu tư kỳ vọng nhiều nước sản xuất dầu lớn của thế giới cả trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cùng hợp tác duy trì sản lượng dầu ở mức trung bình của tháng 1 dù không có sự hợp tác từ phía Iran. Buổi họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/4 tại Qatar.
Iran đã liên tục muốn tăng sản lượng dầu bán ra thị trường để kiếm tiền và giành thị phần khi các lệnh trừng phạt với nước này được giỡ bỏ.
“Thị trường đang kỳ vọng ngày một nhiều hơn vào khả năng các nước sẽ không tăng sản lượng. Điều quan trọng nhất đối với thị trường lúc này đó là những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới bao gồm Saudi Arabia, Nga sẽ tham gia vào đàm phán giảm sản lượng”, ông Michael Poulsen, chuyên gia phân tích tại quỹ Global Risk Management nhận xét.
Tuyên bố từ chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần đây đã phát đi một thông điệp rõ ràng với thị trường về hướng đi của đồng USD, theo đó, lãi suất cơ bản đồng USD sẽ không được điều chỉnh tăng cao nhiều lần trong năm. Đồng USD yếu sẽ khuyến khích dòng tiền đầu tư vào hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu.
Vneconomy