MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước sản xuất cao su sẽ giảm xuất khẩu từ tháng 3 để cứu giá

05-02-2016 - 08:43 AM | Thị trường

Các nước sản xuất cao su hàng đầu châu Á đã thống nhất sẽ giảm xuất khẩ 615.000 tấn cao su trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 3, để kéo giá tăng trở lại sau khi giảm xuống sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu do nguồn cung dư thừa.

Ngoài ra, ba nước là Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng thống nhất sẽ thúc đẩy tiêu thụ cao su trong nước, bao gồm sử dụng trong các lĩnh vực xây dựng đường bộ và đường sắt.

“Tất cả chúng tôi đều lạc quan về hiệu quả của những biện pháp này, giá cao su sẽ hồi phục và ở mức có lợi cho cả những chủ trang trại nhỏ cũng như các bên liên quan khác với ngành cao su thiên nhiên”, thông báo của Hội đồng cao su quốc tế 3 bên (ITRC) viết.

Mặc dù người trồng cao su và các nhà kinh doanh mặt hàng này không mấy tin tưởng vào hiệu quả của hành động này, bởi cho rằng khối lượng cắt giảm – chiếm gần 6% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu – quá ít để kéo giá tăng trở lại, song ngay sau tuyên bố trên, giá cao su kỳ tại Singapore – giá tham chiếu cho toàn thị trường châu Á – đã tăng khoảng 2-3% vào lúc đóng cửa phiên 4/2/2016, thoát khỏi mức thấp chưa từng có kể từ sau khủng hoảng giai đoạn cuối 2008- đầu 2009.

Giá tham chiếu cho cao su kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch Tokyo cũng tăng 2,3% lên 157 JPY (1,33 USD)/kg.

 

 

Các nước sản xuất cao su châu Á đã từng nhiều lần hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ giá, song dường như những nỗ lực đó như muối bỏ bể trong bối cảnh thị trường triền miên dư thừa khi nhu cầu của nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới – Trung Quốc – trì trệ kéo dài.

Kinh tế Trung Quốc đã liên tiếp tăng trưởng chậm lại, năm 2015 xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 6,8% trong năm 2016.

Thái Lan, Indonesia và Malaysia – chiếm gần 70% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu – hôm 4/2 đã ra một thông báo chung về biện pháp ngăn chặn giá cao su giảm – vấn đề đã “ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của các chủ vườn cao su quy mô nhỏ tại ba nước chúng tôi”.

Thái Lan sẽ giảm xuất khẩu 324.000 tấn, Indonesia giảm 238.740 tấn và Malaysia giảm 52.260 tấn, theo ITRC – gồm 3 nước sản xuất trên.

Như vậy, xuất khẩu cao su của Thái Lan trong giai đoạn tháng 3- tháng 8 sẽ giảm khoảng 50%. Còn với Indonesia, Hiệp hội Cao su Quốc gia cho biết xuất khẩu năm 2016 sẽ giảm ít nhất 8% xuống 2,4 triệu tấn, từ mức 2,6 triệu tấn của năm trước đó.

Tuy nhiên, người trồng cao su Thái Lan lại cho rằng khối lượng xuất khẩu đó quá ít, và “để tác động được tới giá cao su thế giới thì xuất khẩu của nhóm 3 nước cần giảm xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn”, lãnh đạo nhóm chủ vườn cao su ở tỉnh Trang thuộc miền nam Thái Lan, ông Saksarit Sriprasart cho biết.

Người trồng cao su Thái Lan đã doạ sẽ biểu tình và yêu cầu chính phủ phải có biện pháp giúp đỡ họ khi giá cao su xuống quá thấp như hiện nay, buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp can thiệp.

Những nỗ lực hạn chế nguồn cung của các nước xuất khẩu lớn trước đây chỉ có tác dụng hỗ trợ giá trong thời gian ngắn. Năm 2014, các thành viên ITRC đã từng thống nhất cắt giảm xuất khẩu. Trước đó, họ cũng đã giảm xuất khẩu 300.000 tấn vào năm 2012-13, tương đương 3% sản lượng toàn cầu năm 2012.

Các thương gia Malaysia cho rằng thay vì giảm xuất khẩu thì các nước sản xuất cao su cần giảm sản lượng, giống như việc người trồng cao su Việt Nam giới hạn sản lượng hàng năm ở mức 1 triệu tấn, thấp hơn mức 1,1 – 1,2 triệu tấn trước đây, để đối phó với vấn đề giá giảm.

Với nỗ lực hạn chế nguồn cung, hy vọng của các nước sản xuất cao su không phải là không có cơ sở.

Trong báo cáo vừa công bố mang tên “World Tires,” hãng nghiên cứu firm Freedonia Group Inc. nhận định thu nhập tăng ở các khu vực đang phát triển sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ ô tô, kéo theo nhu cầu lốp xe tăng, và dự báo nhu cầu lốp xe toàn cầu sẽ tăng 4%/năm trong vòng 4 năm tới, đạt 3 tỷ chiếc vào 2019, với trị giá tăng 7% mỗi năm lên 258 tỷ USD, và châu Á – TBD, trong đó có Trung Quốc, vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường này.

 

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên