MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà Mau thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì hạn hán và xâm nhập mặn

07-04-2015 - 16:16 PM | Thị trường

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong tỉnh. Riêng hạn hán từ 2 tháng nay đã gây cho địa phương thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.

Dự báo tình hình khô hạn sẽ còn tiếp tục ít nhất cho tới nửa tháng Năm mới được cải thiện.

Tình hình khô hạn đã gây cho 24.000ha rừng tràm bị khô nước, đứng trước nguy cơ cháy rất cao. Gần 5.000ha đất nuôi tôm cũng bị khô nước, trong đó có gần 1.000ha nuôi tôm trái vụ bị chết. Trên 1.300ha hoa màu cũng bị chết vì nắng nóng…

Theo Chi cục thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau), toàn tỉnh hiện có gần 10.000ha đất nông nghiệp bị xâm mặn, trong đó bao gồm xâm mặn từ biển, xâm mặn từ các con sông nội địa và xâm mặn từ vùng giáp ranh giữa nước mặn và nước ngọt.

Toàn tuyến ven biển Cà Mau dài 252km, bao gồm ven biển Đông và ven biển Tây đều bị xâm mặn, phổ biến là xâm mặn từ đê biển vào đất liền từ 1-2km, thậm chí có nơi xâm mặn vào sâu tới 3km.

Đối với các con sông nội địa, tình trạng xâm mặn chậm hơn ven biển nhưng ngấm dần, lâu ngày thấm sâu vào đất, khiến cây trái, hoa màu không phát triển được. Riêng vùng giáp ranh mặn ngọt tình trạng xâm mặn phần lớn là do người dân tự phát đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình hình hạn hán, xâm ngập mặn, tỉnh đã huy động gần 1.000 người, bao gồm nhân viên kiểm lâm và người dân sở tại trực 24/24 trên các chòi canh lửa; các đơn vị liên quan sẵn sàng phương tiện hậu cần, lực lượng cho chữa cháy với tinh thần không để rừng tràm cháy lớn.

Về sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân tạm dừng thả tôm nuôi quảng canh trái vụ, trừ nuôi công nghiệp, đồng thời sử dụng máy bơm nước tưới tiêu hoa màu và các loại cây ăn trái để có thể duy trì vụ màu mùa khô cho năng suất cao, vì mùa khô chính là mùa trồng hoa màu.

Về xâm nhập mặn, đối với tuyến ven biển Cà Mau đã được trung ương đầu tư 1.300 tỷ đồng trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, từ nay đến năm 2020, địa phương sẽ nâng cấp toàn tuyến đê biển Tây để khắc phục tình trạng xâm mặn.

Riêng ven biển Đông tới đây trung ương cũng sẽ đầu tư làm đê cơ bản. Đối với xâm mặn từ các con sông nội địa, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân chung tay cùng với nhà nước đắp bờ ngăn mặn.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ kiên quyết xử lý những hành vi tự phát đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng xâm mặn vùng giáp ranh mặn ngọt./.

>>> Dân Hà Nội đội mưa mua dưa hấu ủng hộ đồng bào Quảng Nam

Theo Trần Thành Nên

PV

Vietnam+

Trở lên trên