MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà phê sắp có mặt bằng giá mới

25-03-2016 - 09:59 AM | Thị trường

Trong những ngày qua, giá cà phê trên thị trường nội địa luôn có xu hướng tăng. Nhiều dự báo cho thấy giá cà phê có thể sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Robusta tăng mạnh hơn

Giá cà phê tăng mạnh nhất là trong tuần qua. Vào ngày 19/3, giá cà phê nội địa đã tăng 1.200 - 1.500 đ/kg so với tuần trước đó, ở mức khoảng 32.500 đ/kg. Trong tuần này, giá cà phê nhìn chung vẫn ổn định ở mức trên 32.000 đ/kg.

Giá cà phê nội địa tăng mạnh, trước hết là nhờ cú hích từ sàn giao dịch London. Trong phiên giao dịch ngày 18/3, tại sàn này, giá cà phê Robusta kỳ hạn đã được giao dịch ở mức 1.482 USD/tấn, tăng 55 USD/tấn so với 1 tuần trước đó. Còn nếu so với hồi đầu tháng, giá giao dịch cà phê Robusta trong ngày 18/3 đã cao hơn 105 USD/tấn.

Giới đầu cơ đang đẩy mạnh việc mua vào là nguyên nhân chính khiến giá cà phê Rubosta tăng nhiều ở sàn giao dịch London. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các nhà đầu cơ đang mua mạnh cà phê Robusta là do khoảng cách khá lớn về giá với cà phê Arabica trên thị trường thế giới.

Trước đây, giá cà phê Arabica thường chỉ cao hơn Robusta khoảng 600 USD/tấn, nên các nhà đầu cơ thích mua Arabica hơn. Nhưng hiện nay, giá cà phê Arabica đang cao hơn Robusta tới gần gấp đôi (cao hơn 1.345 USD/tấn) vào cuối tuần rồi.

Ông Nguyễn Quang Bình nhận định, trong thời gian tới cà phê sẽ có một mặt bằng giá mới cao hơn trước. Nguyên nhân chính là do trong một thời gian dài, giá cà phê Robusta và Arabica ở sàn Lodon và sàn New York xuống thấp, khiến người trồng cà phê chán nản, bỏ bê chăm sóc, cộng với thời tiết bất lợi đã làm giảm mạnh sản lượng cà phê.

Ngân hàng Rabobank đưa ra dự báo giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới có thể đạt mức trung bình 1.560 USD/tấn trong quý 2 và duy trì cho đến đầu năm 2017.

Với mức chênh lệch quá lớn này, chắc chắn các nhà rang xay sẽ thích mua Robusta hơn, qua đó tạo cơ hội cho loại cà phê này chiếm thêm thị phần.

Vì sao giá lên?

El Nino đang gây khó khăn lớn cho sản xuất cà phê ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, là nguyên nhân quan trọng làm tăng giá cà phê. Ở Việt Nam, hàng loạt diện tích cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với khô hạn gay gắt.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, đến giữa tháng 3, trên toàn khu vực Tây Nguyên, đã có trên 100.000ha cà phê không có nước tưới.

Ở Colombia, người ta dự báo sản lượng cà phê năm nay có thể giảm 0,7 - 1,2 triệu bao (bao 60kg) do hơn một nửa diện tích cà phê bị khô hạn vì El Nino. Indonesia cũng dự báo giảm 20% sản lượng do El Nino.

Ở Brazil, theo dự báo của Ngân hàng Rabobank, sản lượng cà phê có thể chỉ đạt khoảng 51,8 triệu bao, thấp hơn so với mức trung bình 53 triệu bao của dự báo trước đây …

Do ảnh hưởng của thiên tai ở nước trồng cà phê, Tập đoàn ngân hàng Sociste Generale của Pháp đã đưa ra dự báo rằng nguồn cung cà phê trên thế giới niên vụ 2015/2016 có thể thấp hơn cầu tới 1 triệu bao.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình, giá cà phê tăng mạnh trong tuần qua chủ yếu nhờ vào sự điều chỉnh lãi suất của Mỹ.

Cụ thể, vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản do nền kinh tế nước này vẫn đang phải đối mặt với rủi ro bởi bất ổn trên toàn cầu. Đồng USD tiếp tục rẻ, khiến các nhà đầu cơ tài chính cho rằng giá trị đồng tiền này còn giảm nữa, nên đã bán USD để đầu cơ vào những sản phẩm khác, trong đó có cà phê.

Bằng chứng là không chỉ có cà phê Robusta và Arabica tăng giá, mà hàng loạt sản phẩm nông sản khác như đậu nành, bắp, cacao, bông vải đường …, cũng tăng giá trên các sàn giao dịch quốc tế sau quyết định nói trên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Với những yếu tố như trên, nhiều doanh nhân, chủ trang trại trồng cà phê ở Việt Nam đang cho rằng giá cà phê sẽ còn tăng nữa. Bởi vậy, dù giá cà phê đang tăng nhưng lượng bán ra chỉ ở mức vừa phải. Nhiều hộ đã quyết định giữ cà phê lại chờ giá tăng lên nữa.

Theo Sơn Trang

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên