MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiêu ‘biến hình’ của mía đường bẩn, nhập lậu

09-04-2015 - 10:58 AM | Thị trường

Dùng hóa chất, chất tẩy trắng cho đường đẹp, bóng, chất làm ngọt để giảm giá thành… là những chiêu thức để đường bẩn, đường nhập lậu trà trộn vào thị trường, gây hại sức khỏe người dùng còn các DN có thương hiệu lại “lao đao”.

Người dùng “rước” bệnh

Nhiều doanh nghiệp đường làm ăn đàng hoàng rất bức xúc trước tình trạng nhiều sản phẩm đường không đảm bảo các chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số cơ sở kinh doanh ẩu tả, ham lời đã có rất nhiều thủ đoạn trong kinh doanh đường gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bắt nguồn từ tâm lý người dân thích dùng đường vàng, đường nâu, vì ngọt, thơm hơn, nhiều cơ sở đã mua đường kém chất lượng, đường lậu, rồi dùng bình xịt các hóa chất tạo màu, cho ra loại đường có màu đẹp, bóng, để đánh lừa người tiêu dùng.

Đường nâu tự nhiên của các thương hiệu lớn là do nhà sản xuất giữ lại một phần mật rỉ ở giai đoạn cuối của công đoạn luyện đường, nhờ đó sản phẩm lưu trữ được mật mía tự nhiên trong mỗi tinh thể đường. Chính hương vị này sẽ giúp tăng thêm hương thơm, màu sắc của món ăn, và tốt cho sức khỏe người dùng.

Đường cát hấp dẫn người tiêu dùng ở màu trắng, nhưng không phải màu trắng nào cũng giống nhau. Màu trắng của loại đường trôi nổi, không nhãn mác có thể do chất tẩy trắng, thay vì phải trả qua giai đoạn rút hết màu vàng của mật mía bằng công nghệ hiện đại như các sản phẩm có thương hiệu. Ngoài chất tẩy đường, đường không nhãn mác có thể có hóa chất làm ngọt (đường hóa học) để có thể vừa tăng thêm độ ngọt mà vừa giảm giá thành, vì đường hóa học ngọt hơn đường mía khoảng 500 lần.

Đối với những loại đường nhập lậu, mối nguy hiểm cho người tiêu dùng còn ẩn chứa trong các hợp chất không tan như cát, đất. Khi thương lái mua đường lậu ở biên giới, đổ ra, đóng sang vào các bao nhỏ, quá trình này cũng không đảm bảo vệ sinh, có nhiều tạp chất không hòa tan như cát, đất lẫn vào với đường. Đó là chưa kể tình trạng các thương lái buôn đường lậu tùy tiện trộn lẫn các loại đường với nhau để trục lợi trên giá thành.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất đường có thương hiệu phải đầu tư tiền tỉ vào dây chuyền sản xuất, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn lý hóa, độ màu, nhãn mác, bao bì…; thì các sản phẩm đường lậu, đường bẩn cứ vô tư hốt bạc.

Doanh nghiệp “lao đao”

Thực tế, không quá khó để nhận ra đường lậu, đường bẩn, bởi nó nhan nhản trên thị trường, và được bày bán công khai. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp đường trong nước, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mất đi thị phần không nhỏ.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở thời điểm khi một số hiệp định thương mại sắp có hiệu lực hoặc đang trong quá trình đàm phán, thì sự gia tăng của hàng lậu, hàng kém chất lượng sẽ làm suy yếu thương hiệu Việt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường lậu, đường bẩn rộng đất lộng hành. Một phần nguyên nhân trong đó là do có cầu nên vẫn có cung… Vì vậy, có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất đường bẩn, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ đường lậu. Một bộ phận người tiêu dùng vì chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này hoặc do giá mua đường lậu thấp nên vẫn sử dụng.

Đồng thời, hiện nay, các cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Các doanh nghiệp đường đã có nhiều ý kiến đóng góp cho biện pháp chống đường bẩn, đường lậu như: Lập tổng đài, tiếp nhận những tin nhắn, hình ảnh sản phẩm kém chất lượng do người tiêu dùng gửi tới; sau đó thống kê, công bố để nhận diện những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng; các cơ quan truyền thông đưa vào “danh sách đen” những cơ sở sản xuất kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng để cơ quan chức năng xử lý...

Các doanh nghiệp đường cũng đề nghị Hiệp hội Mía đường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra những quy định về tiêu chuẩn, chỉ cho phép những sản phẩm đường đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm mới được lưu thông trên thị trường.

Bằng cách tạo thói quen sử dụng đường có nhãn mác, thương hiệu, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn với sức khỏe của gia đình mình. Vị ngọt 100% từ mía đường tinh khiết thường có vị ngọt thanh hơn. Các nhà sản xuất trong nước, với dây chuyền sản xuất hiện đại đảm bảo đường không có hóa chất tẩy trắng, hóa chất làm ngọt gây hại và loại bỏ hoàn toàn tạp chất để cung cấp cho người tiêu dùng  một loại đường hoàn toàn tinh khiết từ cây mía thiên nhiên.

Đặc biệt, ngoài năng lượng được bổ sung từ vị ngọt thiên nhiên, sử dụng đường làm từ 100% mía đường tinh khiết còn cung cấp cho cơ thể những khoáng chất và vitamin thiết yếu có sẵn trong cây mía để khỏe mạnh hơn.

Theo Thu Hằng

PV

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên