MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội mới cho ngành mây, tre

11-03-2011 - 08:58 AM | Thị trường

Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là đòn bẩy cho ngành mây tre phát triển.

Ngày 18/2/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre. Đây thực sự là cơ hội mới đầy triển vọng để ngành mây, tre Việt Nam phát triển.

Việt Nam là nước có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho các loài song, mây, tre phát triển. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thì hiện nay cả nước có khoảng 6 chi với 30 loài song, mây trong tự nhiên và phân bố ở nhiều nơi, trong đó tập trung nhiều ở 3 vùng: Tây Bắc, Bắc Trung bộ và khu 4 cũ, miền Nam và Nam Trung bộ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành mây tre xuất khẩu, nguồn nguyên liệu mây tre trong tự nhiên bị suy giảm một cách rõ rệt. Hiện, ngành mây tre đang phải nhập khẩu khoảng 33 nghìn tấn nguyên liệu mỗi năm để phục vụ cho sản xuất.

Trong những nỗ lực giúp ngành mây tre chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo cho sản xuất thì Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là đòn bẩy cho ngành mây tre phát triển. Theo đó, diện tích trồng mây tre sẽ được gia tăng đáng kể và bao phủ đều trên khắp cả nước, những sản phẩm từ mây tre phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng sẽ được chú trọng hơn cả về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Các vùng nguyên liệu (bao gồm cả vùng nguyên liệu tự nhiên và vùng nguyên liệu trồng) đều sẽ được mở rộng theo định hướng, phát triển vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm hàng mây tre, phát triển vùng nguyên liệu theo định hướng chuyên môn hóa sản xuất và phải đảm bảo tính hiệu quả bền vững.

Song song với việc phát triển vùng nguyên liệu, Nhà nước cũng ưu tiên phát triển các cơ sở sản xuất hàng mây tre xuất khẩu, sản phẩm tre công nghiệp… Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất mây tre vào các khu, cụm công nghiệp ở địa phương để tổ chức sản xuất liên hoàn từ khâu sơ chế nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu. Nhà nước sẽ ưu tiên quy hoạch các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất thành phẩm có giá trị kinh tế cao đối với những địa phương có vùng nguyên liệu tập trung, có truyền thống sản xuất hàng mây tre. Nhà nước cũng khuyến khích khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, phát huy các giá trị văn hoá xã hội theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường cũng như các làng nghề có điều kiện về nguyên liệu, lao động và thị trường…

Để ngành mây tre sớm thực hiện được mục tiêu quy hoạch các vùng nguyên liệu, Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho các đơn vị, cá nhân xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả tích cực nhất. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm giống mới và ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu bảo quản, chế biến mây tre… Ngoài ra, cá nhân, DN, cơ sở sản xuất còn được hỗ trợ 100% vốn khi mua giống cây lần đầu và hưởng một số ưu đãi khác về đất, thuế, vốn tín dụng…

Về vấn đề nguồn nhân lực, Chính phủ sẽ đào tạo đủ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành mây, tre. Và sẽ có chính sách ưu tiên cho người học nghề sản xuất hàng mây, tre đan trình độ trung cấp tại các cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ thuộc các vùng làng nghề, các DN sản xuất mây, tre.

Về phía DN, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng, các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp có định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp... Bên cạnh đó, UBND các tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện bố trí địa điểm thuận lợi, hỗ trợ kinh phí để xây dựng chợ mua bán nguyên liệu mây, tre gắn với vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng các chợ, cửa hàng, trung tâm ở địa phương có làng nghề, các điểm du lịch để quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện thí điểm phát triển làng nghề mây tre gắn với các tuyến, điểm du lịch làng nghề…

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011, ngành mây tre đã đạt 36 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,3% so với cùng kỳ, đây thực sự là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo Việt  Nga
VEN

hangnt

Trở lên trên