MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh sập đường dây buôn lậu đường

10-02-2015 - 09:37 AM | Thị trường

Đường dây buôn lậu đường quy mô lớn ở biên giới Tây Nam vừa bị đánh sập, đồng thời “vua đường” cũng bị bắt giam.

Cơ quan chức năng vừa bất ngờ phong tỏa các tổng kho chứa đường cát quy mô lớn nhất ở biên giới Tây Nam thuộc huyện An Phú và TP Châu Đốc (An Giang), đồng thời bắt giam “vua” buôn đường cát có biệt danh “Tỉ đường”.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ từ nửa khuya ngày 6 đến rạng sáng 7-2, một tổ công tác đặc biệt cùng hàng trăm cảnh sát cơ động thuộc lực lượng của Bộ Công an bất ngờ đột kích vào khu vực tập trung nhiều kho chứa nằm bên đường Cử Trị, thuộc tổ 12, khóm 6, P.Châu Phú A, TP Châu Đốc.

Khu vực này được xem là kho tập kết, trung chuyển đường Thái Lan từ bên kia biên giới về để sau đó vận chuyển đi các tỉnh thành tiêu thụ, trong đó có một số kho chứa của các doanh nghiệp thuộc gia đình ông Vi Ngươn Thạnh (nổi tiếng với biệt danh “Tỉ đường”) làm chủ.

Giá đường Thái quá rẻ

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay giá đường nội 16.500-17.000 đồng/kg, trong khi đường Thái tập kết bên kia biên giới thuộc Campuchia giá sỉ chỉ 12.000 đồng/kg.

Lực lượng đặc nhiệm đã khống chế người đang làm việc tại đây, kiểm tra, phong tỏa các nhà kho.

Đến sáng 7-2, các kho của Công ty TNHH Thiên Thiên Phước chứa hàng ngàn bao đường cát trong khu vực này bị niêm phong, gần 15 xe tải chở đường cát bị giữ lại.

Cùng lúc, tại huyện An Phú các kho chứa của gia đình ông Thạnh cũng bị kiểm tra tương tự.

Sau khi phong tỏa, lực lượng đặc nhiệm giao khoảng 200 tấn đường cát cho huyện An Phú quản lý, tạm giữ. Sau đó một số đối tượng liên quan, chủ các doanh nghiệp có kho chứa cũng bị mời làm việc.

Ông Võ Anh Kiệt, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh này, xác nhận ông Thạnh đã bị lực lượng an ninh kinh tế Bộ Công an bắt tạm giam.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 An Giang, gia đình ông Thạnh lập ra một số doanh nghiệp kinh doanh đường cát, cụ thể là Công ty TNHH Thiên Thiên Phước (tại P.Châu Phú A, TP Châu Đốc), Công ty TNHH Hoàng Minh (tại An Phú, An Giang) và cơ sở đường cát Minh Minh Long (đặt tại Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Ngoài ra, ông Thạnh còn xây hàng loạt kho chứa dọc biên giới, trong nội địa và có đội xe tải chuyên vận chuyển đường cát.

Đường Thái Lan nhập lậu được thay bao bì thành đường nội để tiêu thụ - Ảnh: Đ.Vịnh

Trong năm 2014, lực lượng cảnh sát kinh tế và cảnh sát giao thông Công an An Giang phối hợp kiểm tra nhiều lần tại cầu Cồn Tiên thuộc huyện An Phú và tại TP Châu Đốc phát hiện 17 xe tải vận chuyển tổng cộng gần 170 tấn đường cát, trong đó phần lớn cho các doanh nghiệp của gia đình ông Thạnh.

Số đường này không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi là đường Thái Lan nhập lậu nên bị tạm giữ để điều tra. Sau đó ông Thạnh đến trình ba hóa đơn mua hàng của Công ty CP 3-2 (địa chỉ tại Sơn Tây, Hà Nội) có tổng số lượng 243 tấn đường để chứng minh nguồn gốc số hàng trên.

Tuy nhiên qua xác minh, cơ quan điều tra xác định đấy là hóa đơn xuất khống nên UBND tỉnh An Giang đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thạnh 80 triệu đồng về hành vi kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc, đồng thời tịch thu hơn 145 tấn đường cát không có nhãn mác hàng hóa.

Vẫn theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, năm 2014 các lực lượng chống buôn lậu đã kiểm tra bắt giữ gần 790 tấn đường cát nhập lậu, tăng 3,6 lần so với năm trước.

Trong khi đó ông Nguyễn Hải - tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN - cho biết trung bình mỗi năm có ít nhất 500.000 tấn đường nhập lậu đưa vào tiêu thụ ở trong nước. Đường lậu chủ yếu qua ngã An Giang rồi vận chuyển giao cho các đầu mối phân phối, tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành ĐBSCL, TP.HCM, miền Đông. Tại nhiều chợ ở TP.HCM lượng đường Thái bày bán chiếm tới 80%.

Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đều bị thiệt

Theo ông Nguyễn Thành Long - chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, nạn nhập đường lậu đã kéo dài nhiều năm qua ở khu vực biên giới giáp với Campuchia, ước tính bình quân lượng đường nhập lậu mỗi năm khoảng 500.000 tấn, chiếm 1/3 sản lượng đường của cả nước.

Nếu tính tiền thuế thì ngân sách nhà nước thất thu khoảng 700 tỉ đồng/năm, chưa kể thiệt hại của doanh nghiệp và người nông dân do tình trạng nhập lậu đường gây nên.

“Các doanh nghiệp mía đường chủ yếu dựa vào thị trường trong nước mà đường lậu tràn ngập, bán giá rẻ thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi.

Chống buôn lậu là việc làm thường xuyên, hiệp hội đã có kiến nghị về vấn đề này trong thời gian dài nhưng thời gian qua chưa làm quyết liệt.

Được biết, triệt phá vụ buôn lậu lần này do lực lượng của Bộ Công an thực hiện, chứ không phải của địa phương nên hiệp hội mong muốn cần làm tới nơi tới chốn để chấm dứt nạn nhập đường lậu” - ông Long đề xuất.

C.QUỐC

>>> Thị trường đường thế giới đang chuyển từ thừa sang thiếu

Theo Đức Vịnh

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên