MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì đằng sau sự sụt giảm giá dầu, vàng và đồng?

22-07-2015 - 11:53 AM | Thị trường

Đó là một dấu hiệu cho nền kinh tế toàn cầu. Tôi không nghĩ đó là lời cảnh báo về thảm họa mà chúng ta phải đương đầu, nhưng tôi nghĩ rằng nó muốn nói cho chúng ta điều gì đó.

Cuộc bán tháo các hàng hóa nguyên liệu như đồng, nhôm, vàng và dầu đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Chỉ số CRB giao ngay của ngành công nghiệp hàng hóa nguyên liệu hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Chỉ số Bloomberg Commodities đã chạm những mức chưa từng thấy kể từ tháng 6/2002.

Chỉ trong tuần này, giá dầu thô đã giảm xuống còn 50 USD/thùng, trong khi giá vàng giảm xuống dưới 1.100 USD/ounce – mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Và cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ như Newmont Mining (NEM), Barrick Gold (ABX) và Coeur Mining (CDE) giảm 20-25% chỉ trong tháng này.

Điều gì đang xảy ra?

“Đó là một dấu hiệu cho nền kinh tế toàn cầu. Tôi không nghĩ đó là lời cảnh báo về thảm họa mà chúng ta phải đương đầu, nhưng tôi nghĩ rằng nó muốn nói cho chúng ta điều gì đó”, David Kelly, giám đốc chiến lược toàn cầu của JPMorgan Funds cho biết.

Tại sao giá của những hàng hóa này lại sụt giảm? Trước tiên, đơn giản là không đủ lượng cầu.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức khiêm tốn đã làm ảnh hưởng đến lượng cầu của một số kim loại công nghiệp được theo dõi chặt chẽ nhất như đồng và quặng sắt, cũng như dầu.

Đang ở đà tăng trưởng nhanh hơn so với nhiều quốc gia, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bỗng chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Đó là một yếu tố quan trọng, bởi nhu cầu vô độ trước đó của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên đã khiến Trung Quốc được mệnh danh là “người tiêu dùng sôi nổi” nhất thế giới.

Sự chậm lại của Trung Quốc đang đóng vai trò rất lớn trong bức tranh về nhu cầu. Tăng trưởng trong nửa đầu năm 2015 chậm lại đến mức thấp nhất kể từ năm 2009 - và có nhiều bất đồng ngày càng tăng trong các nhà đầu tư rằng Bắc Kinh có thể đưa ra các con số không rõ ràng.

Nhiều thị trường mới nổi khác như Brazil và Nga cũng đang phát triển với một tốc độ chậm chạp. Tương tự như vậy đối với các nền kinh tế đã phát triển như châu Âu và, ở một mức độ thấp hơn, Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,3% - tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

“Chúng ta không bước vào cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng hiện nay cũng chẳng có nhiều tăng trưởng,” Michael Block, giám đốc chiến lược tại Rhino Trading Partners cho biết.

Trong khi đó, lượng cung trên thị trường lại đang dư thừa. Sự bùng nổ hàng hóa, thúc đẩy bởi sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc trong những năm trước đây, khiến các công ty năng lượng và kim loại gia tăng sản xuất đến mức mà thị trường hiện nay không thể hỗ trợ. Hãy nhìn vào cách mà những công ty sản xuất dầu Bắc Mỹ khai thác quá nhiều dầu và kết quả bây giờ là lượng cung dư thừa khổng lồ.

Và sau đó là đồng đô la Mỹ. Do nền kinh tế Mỹ có vẻ tốt hơn so với các nước khác và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng chương trình kích thích kinh tế, đồng đô la Mỹ đã chạy trước các đối thủ như đồng euro và đồng yên.

Đó là tin xấu đối với hàng hóa, bởi vì hầu hết hàng hóa được định giá bằng đô la Mỹ. Đồng đô la Mỹ mạnh sẽ gây sức ép lên nhu cầu, bởi lúc này, dầu và tài nguyên thiên nhiên khác đắt tiền hơn so với định giá bằng các đồng tiền khác.

Sự sụt giảm của cổ phiếu các công ty khai thác: Không có gì ngạc nhiên khi chỉ số S&P500 của lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu đã giảm lần lượt 10% và 3% trong năm nay. Cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ như Newmont Mining, Barrick Gold và Coeur Mining cũng đã giảm 20- 25% trong tháng này.

“Toàn bộ hàng hóa đang trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng”,” Block cho biết.

Cuộc tháo chạy của hàng hóa cũng tạo ra những cơn đau đầu to lớn cho các quốc gia ở Mỹ Latinh như Brazil đang dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Điều này cũng đúng đối với khai thác khoáng sản ở Australia, hiện đang cố gắng tránh cuộc suy thoái lần đầu tiên trong vòng 24 năm.

Khi nào thì hàng hóa sẽ chạm đáy? Tại một mức nào đó, các giá này sẽ ngừng giảm. Cuối cùng, sản xuất sẽ điều chỉnh để cân bằng với sự thiếu hụt nhu cầu, điều này khiến ổn định giá.

Không ai biết chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra, Peter Boockvar nghĩ rằng điều đó cũng sẽ đến sớm.

“Đây là cơn đau đớn cuối cùng của thị trường hàng hóa đang trong xu hướng giảm,” Boockvar, giám đốc phân tích thị trường tại Lindsey Group nói.

Janet Yellen sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất? Cho đến khi điều đó xảy ra, cuộc bán tháo hàng hóa có thể làm cho công việc của Janet Yellen trở nên khó khăn hơn. Người đứng đầu Fed đã báo hiệu một mức lãi suất vào cuối năm nay, nhưng giá hàng hóa thấp hơn sẽ khiến lạm phát hơn nữa đằng sau các mục tiêu của ngân hàng trung ương.

“Nếu giá hàng hóa càng giảm sâu, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến lạm phát. Fed tăng lãi suất thế nào?” Block cho biết.

Kelly không đồng ý, chỉ ra rằng dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy bức tranh tốt hơn và tăng trưởng việc làm vẫn còn vững chắc.

“Tôi nghĩ rằng điều này sẽ làm mọi việc phức tạp hơn, nhưng sẽ không thay đổi quyết định của Fed - nếu Fed suy nghĩ rõ ràng,” Kelly nói.

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

CNN

Trở lên trên