MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đói” vì thức ăn... chăn nuôi

16-03-2015 - 08:25 AM | Thị trường

Sau 10 năm, giá thức ăn chăn nuôi cá tra (TACNCT) tăng gấp 2 lần, trong khi đó giá bán cá nguyên liệu lại trồi sụt thất thường. Hơn thế, bằng nhiều “chiêu trò”, các doanh nghiệp chế biến TACNCT lại tăng giá, “móc thêm tiền”… khiến cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL như bị hạ gục ngay trên “ao nhà”.

Giá tăng, chất… giảm

Vừa thu hoạch 80 tấn cá tra, nhưng ông Nguyễn Thành Tâm (xã Vĩnh Trung - Châu Phú - An Giang) vẫn đăm chiêu giải bài toán nợ trên 150 triệu đồng cho cửa hàng TACNCT. Từ người khấm khá, sau 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá tra, cuộc sống gia đình ông ngày một đi xuống.

Gần đó, ông Nguyễn Hữu Nguyên (Khánh Hòa, Châu Phú) cũng vừa bán 100 tấn cá tra, nhưng cũng than rát ruột: “Tiền bán cá vừa đủ trả chi phí đầu tư, lỗ trắng công sức 6 tháng chăm sóc”. Không phải ông Tâm, ông Nguyên không chí thú làm ăn. Nhưng càng làm, càng gặp khó vì nghịch lý: Giá bán cá luôn trồi sụt, còn giá thức ăn liên tục tăng. Chính TACNCT đã rút rỉa, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) Lê Chí Bình, sau 10 năm (2005-2015), giá thu mua cá tra nguyên liệu trồi sụt và tăng nhỏ giọt, nhưng giá TACNCT chỉ có tăng. Cụ thể hơn, ông Bửu Huy - người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi cá tra ở An Giang - cho biết: “Từ chỗ chỉ chiếm 40%, nay TACNCT đã chiếm đến 60 - 70% giá thành sản xuất”. Đó là chưa kể đến những chiêu móc thêm tiền qua rút ruột chất lượng.

Người nuôi thua thiệt

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, bình quân, mỗi độ đạm chênh nhau từ 200 - 500 đồng, chỉ cần giảm 2 độ đạm/bao (25kg), người nuôi cá đã bị rút ruột 12.500 đồng/bao. Nếu nhìn toàn vụ nuôi, con số này không nhỏ. Vì vậy, khi phát hiện TACNCT thiếu 2,80 độ đạm như hợp đồng, ông Trần Văn Tưởng - sinh năm 1949, là người có trên 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) - làm đơn khiếu nại.

Tuy nhiên, trái với khí thế hừng hực ban đầu, sau khi tham khảo đường đi, nước bước, ông Tưởng quyết định rút lui. “Được anh em phân tích, tôi thấy con đường đòi công bằng này tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mà chưa chắc được kết quả, nên dừng lại” - ông Tưởng lý giải. Theo ông Lê Chí Bình, hành động rút lui này không phải là cá biệt. “Phần lớn người nuôi cá tra là lao động trực tiếp nên việc bỏ thời gian đi kiện tụng là rất khó, nhưng khó hơn là không dễ bắt được “tội” doanh nghiệp khi hiện nay kết quả giám định chất lượng đạm đang trong tình trạng năm cha, ba mẹ”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho căn bệnh này cứ tồn tại dai dẳng chưa hồi kết.

Không chỉ trực tiếp đánh vào lợi nhuận người nuôi, với guồng vận hành như thời gian qua, TACNCT còn để lại nhiều hệ lụy… Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe chính các doanh nghiệp chế biến TACNCT cũng than thở dù liên tục tăng giá bán. Sau nhiều năm tần tảo, hiệu quả của ngành cá tra vẫn... chạy tại chỗ.

>>> Triển vọng xuất khẩu tôm vẫn tốt

Theo Lâm Điền

PV

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên