MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột nhập lò kính dỏm nhái thương hiệu Gucci, D&G lớn nhất miền Bắc

08-09-2014 - 08:19 AM | Thị trường

Nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm xây dựng thương hiệu bỗng chốc trở thành công xưởng lắp ráp, gia công, điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc.

Từ làng nghề truyền thống thành lò sản xuất kính nhái thương hiệu

Các sản phẩm truyền thống được gọi là tinh hoa của các làng nghề Việt, kết tinh từ sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ thủ công nay dần trở nên mất chất trước cơn lốc của thị trường.

Về làng Linh Động (xã Đông Các, H. Đông Hưng, Thái Bình) mới thấy được quy mô của một làng sản xuất kính mắt lớn nhất cả nước. Đây được coi là kịnh đô của các loại kính. Từ đây, kính được xuất buôn đi cả nước.

Trong vai một nhà buôn kính về từ Hà Nội, chúng tôi được dịp tiếp xúc với nhiều mánh khóe làm ăn của người dân làng nghề này. Thực chất, hiện nay người dân ở Linh Động không còn sản xuất kính theo cách mà tổ tiên truyền nghề. Theo tìm hiểu, 100% các hộ dân làng nghề nhập buôn các mắt kính, gọng kính từ các chủ buôn ở Quảng Châu, Thâm Quyến chuyển qua đường tiểu ngạch về Việt Nam. Theo đó quy trình làm kính được rút ngắn tối đa, người thợ thủ công chỉ cần cắt mẳt kính sao cho khớp với khuôn gọng là xong.

Theo anh Đinh (40 tuổi) người có thâm niên hơn 10 năm làm kính nhận xét làng nghề Linh Động ngày nay giống như một công xưởng lắp ráp kính cho Trung Quốc. Anh Đinh kể trước đây cũng đã sản xuất kính nhưng lợi nhuận thấp nên chuyển sang mua mắt và gọng kính Trung Quốc về lắp ráp. Anh Đinh cho biết có thể lắp được tất cả các loại kính từ kính thời trang, kính cận đến kính thuốc, kính lão…

“Việc làm kính chưa bao giờ dễ đến thế, mắt kính, gọng kính đã có sẵn giờ thợ kính chúng tôi chỉ cần 3 phút để cho ra đời một chiếc kính. Tất cả những gì cần chỉ là một chiếc kìm sắt và một chiếc máy mài”. Mỗi ngày anh Đinh cho ra đời hàng trăm chiếc kính thích thương hiệu gì thì có thương hiệu đó. Làm xong, anh nhanh nhảu lấy các nhãn mác tên Gucci đến Solec, Dior và D&G…rồi dán lên mặt kính.

Theo anh Đinh, việc nhập gọng và mắt kính từ Trung Quốc giúp giá thành rẻ, dễ tiêu thụ, lợi nhuận lớn nên người dân Linh Động lần lượt chuyển sang gia công, lắp ráp kính Trung Quốc.

Có hai dòng kính: dòng kính chợ-vỉa hè có giá 1.500 -2.000 đồng/ cặp mắt; 4.000-5.000 đồng/gọng. Như vậy, để làm được một chiếc kính tổng chi phí chỉ hết chừng dưới 10.000. Dòng kính “cao cấp” giá có giá cao hơn: 25.000 - 30.000 đồng/cặp mắt; 30.000-40.000 đồng/gọng.

Chính vì vậy, giá các sản phẩm kính đưa ra thị trường cũng ở mức vô cùng rẻ. Kính chợ - vỉa hè bán với giá dao động từ 10.000 đến 50.000 đồng/ chiếc. Kính xuất buôn cho các cửa thàng thời trang từ 50.000 -200.000 đồng/chiếc. Từ đây các cửa hàng có thể bán lãi gấp 5, thậm chí gấp 10 so với giá gốc.

Khó quản lý

Kính ở Linh Động sau khi hoàn thiện sẽ được dân buôn từ khắp các tỉnh Bắc – Trung – Nam đặt hàng. “Nói không phải tự hào chứ hầu hết các hiệu kính lớn nhỏ trên toàn quốc, đặc biệt ở Hà Nội đều là của dân Linh Động chúng tôi mở ra”, Đội trưởng đội quản lý thị trường huyện Đông Hưng cho hay.

Còn Chủ tịch xã Đông Các (H.Đông Hưng, Thái Bình) thì cho biết, làng nghề làm kính Linh Động phát triển hoàn toàn tự phát, xã cũng không quản lý việc này. Người dân Linh Động chuyển từ sản xuất sang lắp ráp kính Trung Quốc nhái các thương hiệu lớn xã không quản lý và cũng không biết.

“Việc buôn gọng, mắt kính về lắp ráp thành các sản phẩm nhái các thương hiệu lớn ở Linh Động dù có vi phạm luật cũng rất khó để xử lý bởi bên cạnh luật pháp còn tình làng nghĩa xóm, còn anh em láng giềng, ở quê nó là vậy”, Chủ tịch xã Đông Các nói.



Làng nghề Việt thành nơi trung chuyển hàng hóa Trung Quốc

Với mặt hàng hoa giả, các làng nghề hiện nay cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ lắp ráp và gia công. Từ tháng 6 đến tháng 12 tại làng nghề Báo Đáp (xã Hồng Quang, H. Nam Trực, Nam Định) nhộn nhịp nghề làm hoa giả để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán. Cả làng có chừng 300 hộ có truyền thống làm hoa giả. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì người dân Báo Đáp cũng chỉ thực hiện công đoạn cuối cùng đó là lắp ráp các bộ phận lại thành hoa giả hoàn chỉnh.


Anh Dương (xóm 1, Báo Đáp) cho hay gia đình nhập tất cả các loại cánh hoa, cành, cuỗng, lá của hoa từ các thương nhân Trung Quốc. Sau đó sẽ tiến hành sắp xếp, lắp các cánh hoa thành một chỉnh thể. “Nghề này đem lại cho chúng tôi nguồn thu nhập khá lớn, công việc khá nhẹ nhàng chỉ cần sắp xếp lại cácbộ phận là cho ra sản phẩm. Trẻ nhỏ cũng làm được”, anh Dương nói.


Với mặt hàng gốm, ngay đầu chợ gốm Bát Tràng (H. Gia Lâm, Hà Nội) có một khẩu hiệu lớn “Thương hiệu chợ gốm Bát Tràng thuộc về nhân dân Bát Tràng”. Khẩu hiệu trên được hiểu là sự khằng định quyết tâm giữ nghề của người dân Bát Tràng- nơi có lịch sử hơn 800 năm làm gốm. Nói về gốm không đâu có thể sánh được với thương hiệu Bát Tràng.


Tuy nhiên, dưới cơn lốc của thị trường, Bát Tràng giờ đây đã đổi mình trở thành điểm trung chuyển gốm sứ Trung Quốc lớn bậc nhất Việt Nam. Hiện có nhiều hộ gia đình ở Bát Tràng sẵn sàng vứt bỏ thương hiệu gốm của tổ tiên để chuyển qua buôn đồ Trung Quốc với lợi ích kinh tế lớn hơn. Không dừng lại ở đó, có hộ còn buôn đồ gốm Trung Quốc sau đó về về in ấn thành đồ gốm Bát Tràng để bán ra thị trường với thương hiệu “gốm Bát Tràng” thu lợi bất chính.


“Thực chất người Bát Tràng giờ làm gốm rất ít, họ chuyển sang buôn gốm Trung Quốc nhiều. Các thương nhân Trung Quốc thì lăm le làm nhái thương hiệu Bát Tràng để tuồn hàng về Việt Nam”, bác Thành, một nghệ nhân ở đây cho hay. Bác Thành còn cho biết gần 70% gốm ở Bát Tràng hiện nay có nguồn gốc Trung Quốc.


Lụa Vạn Phúc (Q.Hà Đông, Hà Nội) một loại lụa trứ danh nổi tiếng khắp đất nước khiến ai đã từng sử dụng thì không thể nào quên đang có nguy cơ mất thương hiệu vì lụa Trung Quốc trà trộn, giả danh.


Về làng lụa Vạn Phúc bây giờ tìm lụa do làng nghề sản xuất khó như mò kim đáy bể. Đa phần người dân Vạn Phúc đã chuyển sang buôn lụa Trung Quốc. Các loại lụa Trung Quốc được gắn thương hiệu lụa Vạn Phúc vẫn được bán rộng rãi trên thị trường.


Trên khắp mọi miền đất nước, có rất nhiều các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề Việt nhưng thực chất chỉ là sản phẩm gia công, lắp ráp, điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc: làng tranh Đông Hồ, làng mây tre đan, dệt vải, nghề da giày…


Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đây là hướng đi xấu của làng nghề Việt Nam trong thời kì đổi mới. Khi người mua chọn lựa sản phẩm thủ công truyền thống nghĩa là họ trân trọng sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ, tuy nhiên, nếu biết được sự thực đằng sau đó thì thật khó để họ chấp nhận!



bachhue

Tài chính Plus

Trở lên trên