MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng sốc vì gạo có thạch tín

03-04-2016 - 08:25 AM | Thị trường

Ngày 1-4, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đăng tải trên trang web của họ thông tin về gạo có chứa chất asen (thạch tín) tự nhiên.

Thạch tín có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến thai phụ và trẻ em. Hoa Kỳ đã có những nghiên cứu về thạch tín trong gạo từ năm 2013, kiểm tra hơn 1.300 mẫu lúa. Thạch tín có trong đất, nước và không khí nên cây trồng có thể hấp thu thạch tín từ nguồn tự nhiên này. Cây lúa lại có xu hướng dễ hấp thụ thạch tín hơn những loại cây lương thực khác. Điều này là không thể loại bỏ hoàn toàn. Trẻ con thì thường ăn ngũ cốc, trong đó có gạo. Thông tin này đã từng được công bố, gây dư luận thời gian trước.

Câu chuyện có thể gây lo lắng cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất ngũ cốc nhưng nó không hề gây hoang mang. FDA đưa ra khuyến khích cụ thể cho thai phụ và trẻ em nên ăn đa dạng các loại lương thực và nên nấu gạo với thật nhiều nước, cứ một phần gạo nấu với 6-10 phần nước, rồi đổ nước đi, có thể giảm đến 60% lượng thạch tín (khác với kiểu chúng ta hay nấu, một lon gạo thường chỉ với 1,5 lon nước). Người trưởng thành thì chỉ cần cân đối khẩu phần ăn.

Không dừng ở nghiên cứu đó, trong công bố ngày 1-4, Hoa Kỳ đưa ra dự thảo yêu cầu tiêu chuẩn đối với gạo và các loại ngũ cốc dành cho trẻ em. Như đã nói, việc gạo có thạch tín là tự nhiên, không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng có thể hạn chế. Vì vậy Hoa Kỳ đưa ra dự thảo chuẩn 100 phần tỉ thạch tín có trong gạo ngũ cốc. Đây cũng không phải là con số hời hợt, chủ quan.

FDA đã kiểm tra 76 mẫu gạo ngũ cốc trên thị trường, có 47% đạt chuẩn 100 phần tỉ, có 78% đạt chuẩn 110 phần tỉ. Như vậy có thể xem là một nửa đã làm được yêu cầu và gần 30% chỉ cần cố gắng thêm chút nữa là đạt yêu cầu, có 20% có lẽ phải cố gắng thêm nhiều mới đạt yêu cầu nhưng người khác làm được thì anh cũng phải làm được yêu cầu 100 phần tỉ.

Nói dài dòng như thế, câu chuyện ở xa như thế, tận bên Mỹ cơ đấy, để thấy rằng một tiêu chuẩn về thực phẩm được đặt ra đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, phải cân nhắc cả chuyện là doanh nghiệp có tuân thủ được quy định này hay không.

Khả năng tuân thủ quy định là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp quy định trở thành hiện thực.

Quy định ở nước ta không thiếu và cũng không yếu. Năm vừa qua, nhiều cơ quan quản lý đề nghị hạ mức phạt hành chính xuống bớt, vì mức phạt hiện hành cao quá so với khả năng của doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nói chung. Trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ các nước rất nhiều, thậm chí trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong tiêu chuẩn, chất lượng, đều phải học hỏi và sao chép từ tiêu chuẩn nước ngoài.

Chúng ta có thể sao chép văn bản của họ nhưng không sao chép được các điều kiện kinh tế-xã hội và con người.

Đó là lý do khiến chất tăng trọng được nói đến hàng chục năm; chất tạo nạc salbutamol đã bùng nổ cách đây vài năm; chất nhuộm màu cho thịt cũng được sử dụng vài năm và năm ngoái rộ lên chất vàng ô; việc sử dụng hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo độ sánh, độ béo mà không rõ chất cấm hay chất được cho phép... cũng đã xuất hiện hàng chục năm. Hàng chục năm và không có cải thiện tình trạng xấu này.

Chúng ta cần thay đổi con người. Người tiêu dùng là một phần đặc biệt quan trọng. Chẳng phải “có cầu mới có cung” sao?!

Trong câu chuyện gạo có thạch tín nói trên, có 20% mẫu kiểm tra không đạt được mức 100 phần tỉ thạch tín, thậm chí không đạt nổi mức dễ hơn là 110 phần tỉ thạch tín. Những nhà sản xuất gạo ngũ cốc không đạt chuẩn này sẽ ra sao? Tôi không biết họ sẽ ra sao nhưng chắc chắn một điều tôi sẽ không mua những thứ không an toàn cho sức khỏe trong lúc 80% sản phẩm cùng loại trên thị trường đạt chất lượng, sẵn sàng cho tôi lựa chọn.

Vậy chúng ta đã có sẵn sàng 50% lượng thịt heo chuẩn sạch chưa? Có 30% lượng thịt heo gần chuẩn sạch chưa?

Số lớn bắt đầu từ số nhỏ. Số nhỏ bắt đầu từ sự hỗ trợ đúng đắn của Nhà nước, giúp người sản xuất có con đường đúng để đi. Nó cũng bắt đầu từ sự nghiêm minh mà người quản lý phải tuân thủ, giúp thị trường loại bỏ sản phẩm xấu. Quản lý mà để lĩnh vực của mình quá nhiều vấn nạn thì cần thay người đi.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM:

Ai không làm hết trách nhiệm phải xử lý ngay

Tôi và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã từng kiểm tra nhiều nơi và thấy rằng vi phạm ATTP rốt cuộc là ở khâu tổ chức thực hiện. Cuộc phối hợp giám sát tới đây phải xác định rõ trách nhiệm của bộ máy chính quyền, ai không làm hết trách nhiệm phải xử lý nghiêm và ngay.

Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Không thể kiếm lợi nhuận bằng cách đầu độc đồng bào

Người Việt đang tự đầu độc mình. Điều này trái với đạo lý. Đã đến lúc phải điều chỉnh nhận thức, phải trả lại đúng bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Mỗi hộ nông dân cần được bồi dưỡng về luật pháp cũng như tác hại của sản xuất không an toàn và phải coi sản xuất an toàn là một trong những tiêu chí của gia đình văn hóa. Nếu làm nghiêm, chắc chắn tỉ lệ gia đình văn hóa sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng tôi cho rằng cho dù có giảm đi thì cũng phải chấp nhận.

Kinh doanh là quyền tự do tìm kiếm lợi nhuận nhưng không thể tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đầu độc chính đồng bào mình. Đảm bảo vệ sinh, ATTP, MTTQ Việt Nam coi đó là “món nợ” của MTTQ Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước với nhân dân. “Món nợ” này sẽ được trả bằng Chương trình phối hợp vận động và giám sát đảm bảo ATTP giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN:

Người dân mới có thể phát hiện nhanh nhất

ATTP hiện nay rất bức bách cho nên việc giám sát ATTP là việc cần thiết. Tuy nhiên, trong giám sát ATTP, chỉ có người dân mới có thể phát hiện nhanh nhất, chính xác nhất những sai phạm trong sản xuất thực phẩm tại địa bàn mình. Chọn giám sát ATTP là đúng và trúng vì Mặt trận có một hệ thống chân rết ở hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước.

Chân Luận

Theo Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên