MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường tiêu thụ tốt, giá tăng

06-03-2015 - 12:40 PM | Thị trường

Từ sau Tết Ất Mùi đến nay, giá đường trên thị trường nội địa đã tăng lên khá mạnh, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng và nhất là đường nhập lậu đã bị hạn chế xuống mức đáng kể.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước Tết Ất Mùi giá bán buôn đường kính trắng tương đối ổn định ở mức 11.200-11.800 đ/kg. Nhưng từ sau kỳ nghỉ Tết, giá đường bán buôn đã bắt đầu tăng lên, với mức tăng cho đến nay là 800-1.200 đ/kg.

Vào ngày 2/3, tại thị trường Hà Nội, giá bán buôn đường kính trắng là 12.200-12.400 đ/kg, tại TP.HCM giá 12.500-13.100 đ/kg, tại miền Trung từ 12.100-12.400 đ/kg. Giá đường XK sang Trung Quốc cũng đã tăng từ mức 11.600-11.700 đ/kg trong ngày 24/2 lên mức 13.000-13.200 đ/kg vào ngày 2/3.

Không những mừng vì giá tăng, các nhà máy đường cũng đang thấy dễ thở hơn nhờ lượng đường tiêu thụ tăng mạnh. Từ ngày 15/1 đến 15/2, đã có tới 324.230 tấn đường được các nhà máy bán ra, cao hơn cùng kỳ 2014 tới 161.020 tấn. Đây là lượng đường tiêu thụ cao nhất trong vòng 1 tháng từ trước tới nay.

Nhờ vậy, dù tháng 2 tiếp tục là tháng cao điểm của niên vụ 2014/2015 với 2.951.800 tấn mía được đưa vào ép, sản xuất ra 301.230 tấn đường, nhưng lượng đường tồn kho đến cuối tháng không tăng hơn so với cuối tháng 1 là mấy. Đến 30/1, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là trên 272 ngàn tấn. Đến ngày 27/2, lượng đường tồn kho ở các nhà máy là 300.391 tấn (tăng hơn 20 ngàn tấn).

Lượng đường sản xuất trong nước được tiêu thụ nhiều trong tháng qua, ngoài nguyên nhân chính là nhu cầu tăng cao trong mùa Tết Ất Mùi, còn nhờ việc trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (Tỷ "đường") đã bị bắt, khiến cho đường lậu vào nước ta đã bị hạn chế mạnh.

Vì thế, trong tháng 3 này, dự báo sản lượng đường khoảng 250 ngàn tấn, nhưng khả năng tiêu thụ đường của các nhà máy vẫn rất tốt, khi mà đường lậu vẫn đang bị ngăn chặn mạnh và nhu cầu vẫn cao nhờ mùa lễ hội. Trong khi giá đường đã tăng mạnh trở lại, thì theo Hiệp hội Mía đường, trong tháng 2 vừa rồi, giá mía vẫn đứng như hồi cuối năm ngoái.

Cụ thể, ở các tỉnh phía Bắc, với mía 10 CCS tại ruộng: các nhà máy đường Sông Lam và Nghệ An đang mua mía với giá 800 đ/kg; nhà máy đường Sông Con mua 810 đ/kg; các nhà máy đường Cao Bằng và Sơn La 870 đ/kg; các nhà máy đường khác mua 900 đ/kg.

Ở miền Trung – Tây Nguyên, mía 100 CCS tại ruộng, nhà máy đường MK Sugar mua 750 đ/kg; Đắk Nông 830 đ/kg; An Khê và Bình Định 900 đ/kg. Riêng nhà máy đường Kon Tum không mua theo chữ đường mà mua mía xô tại ruộng giá 850 đ/kg.

Ở Đông Nam Bộ, giá mía 10 CCS tại ruộng mà nhà máy đường Nước Trong thu mua là 930 đ/kg. Tại đồng bằng sông Cửu Long, mía 10 CCS tại ruộng mà các nhà máy đường Sóc Trăng và Cần Thơ mua là 750 đ/kg. Với mía 10 CCS mua tại nhà máy: Phụng Hiệp 850 đ/kg; Vị Thanh và La Ngà 880 đ/kg; Bến Tre 885 đ/kg...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường, hiện nay, ở nhiều vùng trồng mía, các nhà máy đã tăng giá thu mua mía thêm từ 20.000-30.000 đ/tấn theo như yêu cầu của Bộ NN-PTNT là giá thu mua mía luôn theo sát giá đường. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đang theo sát diễn biến giá đường, giá mía để khuyến cáo các nhà máy thực hiện đúng yêu cầu nói trên của Bộ NN-PTNT.

Một vấn đề nữa là vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ GT-VT về việc “Xin phép vận chuyển mía được chở quá khổ, quá tải hoặc/và kéo thêm rơ-mooc” cho ghe và xe chở mía.

Theo đó, HHMĐVN đề nghị cho phép mía được chở quá khổ theo chiều dài đến 1,15 chiều dài xe, quá tải đến 40% và được kéo thêm 1 rơ-mooc mỗi xe (đối với đường bộ), và ghe thuyền chở mía được phép vượt quá kích thước theo chiều ngang là 0,7 mét mỗi bên và được quá tải 1/2 chiều cao mạn khô (đối với đường thủy).

Xe chở mía được quá tải tới 10%

Ngày 1/3, Bộ GT-VT đã có công văn trả lời Hiệp hội Mía đường, cho phép như sau: Về đường bộ chỉ cho phép quá tải tới 10% so với quy định, quá khổ đến 1,1 lần chiều dài toàn bộ xe, được kéo thêm rơ-mooc theo quy định; về đường thủy, Bộ GT-VT đồng ý cho phép theo đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhưng phải đăng ký cụ thể bến xuất, nhập, quãng đường vận chuyển, loại phương tiện để Bộ xem xét.

>>> Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú “bắt bệnh” ngành mía đường

Theo Sơn Trang

PV

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên