Gạo Việt Nam mang thương hiệu… Trung Quốc
Doanh nghiệp Trung Quốc mua gạo Việt Nam rồi đóng bao bì, lấy thương hiệu của họ để bán ra thị trường.
- 27-02-2016Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường
- 26-02-2016Xuất khẩu gạo tăng gấp đôi và thủy sản lấy được đà tăng trưởng
- 26-02-2016Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng nhưng giá giảm
Gạo Campuchia “ngồi” chễm chệ trên kệ hàng trong các siêu thị ở Trung Quốc (TQ), các nước châu Âu. Trong khi đó gạo Việt Nam (VN) vừa cập cảng đã bị các doanh nghiệp (DN) nước nhập khẩu “thay tên, đổi họ”. Chính vì vậy, người tiêu dùng nước nhập khẩu không biết đến thương hiệu gạo Việt.
“Những lý do trên khiến gạo Việt thua gạo Thái, nay để Campuchia vượt mặt và sắp tới có thể thua Myanmar, Lào” - ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cảnh báo.
Đối thủ mới
Thị trường TQ thường chiếm hơn 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN, thậm chí có thời điểm chiếm trên 50%. Đó là chưa kể một lớn lượng nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới.
Thế nhưng ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), thừa nhận thực tế DN TQ mua gạo Việt về không bán ngay mà trộn với các loại gạo trong nước, sau đó đóng bao in thương hiệu của công ty họ. Họa hoằn lắm mới có công ty TQ in chữ (rất nhỏ) gạo nhập từ VN.
Điều này lý giải vì sao tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại TQ không thể tìm được gạo có nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu gạo VN. Rõ ràng điều này chỉ mang lại lợi ích cho các thương nhân TQ.
“Nhưng phổ biến nhất là tình trạng DN TQ nhập khẩu gạo VN gần giống với chủng loại gạo của TQ. Sau đó đánh bóng và đóng bao phân phối ra thị trường với thương hiệu DN TQ. Tình trạng này ảnh hưởng đến thương hiệu và làm giảm giá trị gạo VN” - ông Năng nói.
Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu gạo cho hay không chỉ ở thị trường TQ mà ở một số thị trường khác gạo Việt cũng “chung số phận”. Lý do là các công ty xuất khẩu gạo VN thường chỉ đóng bao, in tên loại gạo, tên công ty và giao hàng đến cảng là xong. Sau đó họ không biết hạt gạo Việt bán ra nước ngoài được tiêu thụ ra sao, ai mua.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, phân tích thêm gạo Campuchia có thương hiệu, chất lượng đạt sự đồng nhất nhờ xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung, bao bì đạt chuẩn nên dù giá bán rất cao vẫn có người mua.
Không chỉ vậy, các công ty xuất khẩu gạo Campuchia còn ký kết trực tiếp với hệ thống siêu thị, cửa hàng. Sau khi chinh phục thị trường châu Âu, Mỹ…, gạo Campuchia dễ dàng tấn công sang thị trường TQ với những bước đi bài bản do xuất khẩu gạo chất lượng cao.
“Một đối thủ tiềm năng khác được dự báo sẽ cạnh tranh với gạo Việt ngay tại thị trường TQ đó là Lào. Lào đã chính thức xuất khẩu lô hàng hơn 8.000 tấn gạo đầu tiên sang TQ trong tháng 1-2016. Số lượng không nhiều nhưng cách làm của Lào cũng giống Campuchia nên trước mắt đã hơn gạo Việt về cái tiếng” - ông Đôn thông tin.
Phải xem lại mình
Trước những thách thức trên, nhiều ý kiến đề nghị ngành gạo xuất khẩu VN phải “xem lại mình”. Bởi nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng thương hiệu gạo tại các nước bao gồm TQ thì gạo Campuchia, Lào sẽ vượt gạo của chúng ta trong thời gian tới.
“Thực tế nước ta có cả trăm giống lúa nhưng nông dân trồng lúa vẫn manh mún, đến khi có đơn hàng thì DN mua chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Hệ quả loại gạo lẫn lộn chất lượng, không đồng nhất, không thể làm được thương hiệu và không ký trực tiếp được với nhà bán lẻ” - ông Đôn nhận xét.
Ở góc nhìn khác, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, chỉ ra DN xuất khẩu gạo nước ta vẫn thụ động, chờ người mua và chưa chủ động mang ra thị trường thế giới để bán, chưa biết cách tiếp thị ra bên ngoài. Gạo Việt đang bán qua trung gian là chính chứ chưa bán cho nhà phân phối trực tiếp và các hệ thống siêu thị ở các nước.
“Thái Lan là ông trùm về bán hàng xuất khẩu thì Campuchia cũng không kém cạnh. Họ làm tốt thương hiệu để khai thác thị trường nhà giàu châu Âu. Hãy nhìn cách DN Campuchia đưa gạo sang Mỹ giới thiệu, mời khách hàng ăn thử cho đến cách quảng bá tại hội chợ gạo quốc tế mà gạo Việt mấy năm nay đều vắng bóng... để học hỏi” - ông Xuân khuyến cáo.
Giá cao vẫn mua
Hiện nay đã có một số DN tự làm khá tốt thương hiệu gạo xuất khẩu bằng việc xây dựng cánh đồng lớn riêng cho mình, đầu tư giống, công nghệ chế biến và bán được giá cao.
Chẳng hạn Công ty TNHH Trung An nhiều năm nay xuất khẩu gạo thơm sang những thị trường khó tính như Nhật, Thụy Sĩ, Mỹ... Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty, cho hay hiện có sáu nhà máy chế biến. Những nhà máy này đều lắp đặt đầy đủ dây chuyền xay xát, lau bóng, tách màu gạo hiện đại, đóng bao bì đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Ông Bình nói: “Chúng tôi phải xây dựng vùng nguyên liệu, kho tạm trữ và liên kết với đối tác nhập khẩu. Ngoài ra công ty cũng đang sản xuất gạo sạch theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalG.A.P. và gạo hữu cơ”.
Ông Đôn cũng tiết lộ công ty đang xuất khẩu loại gạo hạt dài OM 4900 sang TQ với giá xuất khẩu 485 USD/tấn, trong khi một số đơn vị khác chỉ bán được 465 USD/tấn. “Nhờ hạt gạo đồng nhất, cộng thêm công nghệ chà bóng hiện đại… nên giá cao họ vẫn chọn mua” - ông Đôn nói.
Đồng tình với ông Đôn, GS Võ Tòng Xuân góp ý xây dựng thương hiệu gạo không phải là chỉ tập trung vào gạo cấp cao, bỏ gạo giá rẻ mà tập trung thế mạnh của nước mình và theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra Campuchia, Lào làm thương hiệu được không chỉ nhờ làm vùng nguyên liệu, giống chất lượng mà họ biết cách bán hàng, tiếp thị.
Ông Xuân nhấn mạnh: “Thương hiệu gạo Việt nên chia làm ba loại gạo thơm cao cấp, gạo trắng giá rẻ và gạo đặc sản. Kèm theo đó phải hỗ trợ về thuế, hải quan cho những DN làm tốt chuỗi giá trị và thương hiệu”.
Nâng giá trị gia tăng cho gạo VN
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay đã yêu cầu các tham tán thương mại tại các thị trường phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu tập trung nắm lại thông tin tại các thị trường xuất khẩu gạo.
Trong đó đánh giá và so sánh lợi thế gạo VN với các nước có khả năng cạnh tranh cao; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu và giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo VN.
Mất lợi thế giá rẻ
Lợi thế về giá rẻ của gạo Việt sẽ không còn vì lượng gạo cũ tồn kho của Thái Lan rất lớn. Còn Ấn Độ và Pakistan lại có những lợi thế hơn hẳn về địa lý khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi - nơi tiêu thụ nhiều nhất gạo cấp thấp giá rẻ.
Vì lẽ đó về lâu dài VN vẫn phải xây dựng thương hiệu gạo, chú trọng xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.
Ông NGUYỄN VĂN ĐÔN, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng
Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh