Gas lậu trỗi dậy!
Một trạm sang chiết gas trái phép vừa bị cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện cùng hàng ngàn bình gas của 48 thương hiệu
- 13-01-201630% bình gas trong mỗi nhà dân là gas sang chiết lậu
- 22-10-2015Cận cảnh bên trong trạm sang chiết gas lậu của công ty Ga Việt
- 14-05-2015Gas lậu thêm đất sống?
Chiều 6-4, ông Phạm Hồng Quang - Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết đang điều tra vụ sang chiết gas trái phép trên địa bàn. Nguồn gas từ cơ sở này được tiêu thụ ở nhiều địa phương, trong đó có TP HCM.
Trước đó, cơ quan công an đã kiểm tra 2 xe tải, một kho chứa (không phép) và trạm nạp (ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) của Công ty TNHH Gas Hiệp Hương. Bước đầu, cơ quan chức năng đã tạm giữ 2.946 bình gas các loại (45 kg và 12 kg, trong đó 276 bình đã có gas) của 48 thương hiệu, 16 kg niêm màng co; niêm phong 1 bồn chứa gas khoảng 7 tấn và 9 trụ bơm để tiếp tục làm rõ.
Theo cơ quan điều tra, quy định hiện hành chỉ cho phép trạm sang chiết được phép chiết nạp cho 3 thương hiệu đầu mối. Tuy nhiên, Công ty TNHH Gas Hiệp Hương đã xuất trình tới 5 hợp đồng chiết nạp cho các thương hiệu Vinashin, Vimexco, Minh Lộc, Hiệp Hương, Star là có dấu hiệu bất thường. Như vậy, ít nhất 40 thương hiệu gas khác đã bị công ty này chiếm dụng bất hợp pháp.
Ông Quang cho biết đang phối hợp với Chi hội Gas miền Nam để xác định bình, niêm màng co thật hay giả, đồng thời làm rõ các dấu hiệu về sang chiết trái phép, chiếm giữ vỏ bình của thương nhân khác, gian lận thương mại và trốn thuế. Ông Quang nhận định có công ty gas hợp pháp tiếp tay cho trạm chiết của Công ty TNHH Gas Hiệp Hương để hợp thức hóa các sai phạm bằng các hợp đồng khống, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Cao Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hiệp Hương, xác nhận trạm sang chiết đang bị tạm ngưng hoạt động, một số thiết bị bị niêm phong để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, ông Hoàng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt kinh doanh cũng như các dấu hiệu vi phạm mà cơ quan chức năng đặt ra.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, nhận định theo các dấu hiệu ban đầu, đây có thể là vụ vi phạm nghiêm trọng. Căn cứ vào số lượng tang vật, sản lượng chiết nạp và tiêu thụ của trạm có thể lên đến cả chục ngàn bình gas/tháng.
Ông Loan cho rằng hiện tượng sang chiết và bán gas trái phép có dấu hiệu bùng phát từ đầu năm đến nay sau một thời gian tạm lắng, do giá mặt hàng này tăng sau một thời gian giảm sâu khiến lợi nhuận từ sang chiết và kinh doanh gas lậu trở nên hấp dẫn. Theo ước tính, tỉ lệ gas giả và lậu chiếm khoảng 30% thị trường, tương đương hàng trăm ngàn tấn mỗi năm, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng do họ không được dùng gas đúng, đủ và an toàn.
Hiện nhiều công ty gas bị thiệt hại lớn do bị chiếm dụng vỏ bình, mất ổn định trong kinh doanh. Nhà nước thất thu thuế một khoản rất lớn bởi hoạt động trái phép này. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do cháy nổ từ các bình gas chiết nạp lậu, không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn.
Người lao động