MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cả những ngày đầu năm: Vẫn neo cao

26-02-2015 - 11:03 AM | Thị trường

Giá xăng giảm, giá điện cũng chưa tăng... thế nhưng các loại thực phẩm, dịch vụ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng giá vù vù dịp đầu năm. Thậm chí, không ít người nhân cơ hội đầu năm mới "chém đẹp” khách hàng bằng những chiêu trò không mới.

Hà Nội: Cái gì cũng tăng

"Mặc dù giá xăng đã giảm tới 13 lần trong cả năm 2014 và đầu năm 2015 nhưng đi chợ cái gì cũng tăng giá, từ thịt lợn, thịt gà, bát bún, bát phở, thậm chí cả rau xanh” – chị Hoàng Thị Tuyết, ở phố Pháo Đài Láng (Hà Nội) than thở.

Những ngày đầu năm mới, kiếm một quán ăn quà sáng hay một quầy bán thịt tại chợ cóc, thật hiếm hoi. Nhiều  thương nhân chờ ngày đẹp mới mở cửa hàng. Có lẽ, lợi dụng tâm lý này, nhiều người đã tranh thủ cơ hội đẩy giá cả các mặt hàng lên cao.

"Sáng ngày 5 Tết, đi ra chợ cóc gần nhà có duy nhất 2 quầy bán thịt lợn. Giá một kg sườn bị hét tới 200 ngàn đồng. Trong khi ngày thường chỉ có 100 ngàn/kg” – chị Tuyết cho biết. Chưa hết, chị Tuyết kể, ngấy bánh chưng dưa hành, sáng ra tìm hàng bún ốc ở vỉa hè đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ăn xong, chủ quán nhẹ nhàng: "Của em hết 60 ngàn đồng”.

Cùng chung tâm trạng như người bị mất của, anh Nguyễn Thanh Phong, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đầu năm đi lễ chùa vào gửi xe máy ở Đình Phúc Khánh (Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) mất 20.000 đồng/ xe. Trong khi ngày thường chỉ mất có 3000 đồng.  Còn nếu đi ô tô, bị "chém đẹp” 80.000 - 100.000 đồng/ xe. Tương tự, tại các điểm khác như chùa Trấn Quốc, chùa Hà… giá trông giữ xe cũng được đẩy lên một cách vô tội vạ với giá chung khoảng 20.000 – 30.000 đồng/ xe máy, 80.000 – 100.000 đồng/ ôtô.

Đáng nói hơn, nạn "chặt chém” đầu năm không chỉ diễn ra với người dân trong nước, mà cả các du khách nước ngoài khi đến các điểm du lịch, lễ chùa cũng trở thành nạn nhân của thực trạng này. Đứng trước thực trạng này, nhiều địa phương cũng đã có biện pháp để xử lý, răn đe. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, hay Bà Rịa – Vũng Tàu, các cấp chính quyền đã vào cuộc quyết liệt để xử lý những trường hợp thương nhân tăng giá hàng hóa, dịch vụ vô tội vạ. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp hành chính đó cũng chỉ là giải pháp nhất thời, không thể giải quyết triệt để vấn đề đã tồn đọng lâu nay. Nạn chặt chém vẫn cứ "đến hẹn lại lên”, đặc biệt là những dịp đầu năm mới, mùa lễ hội…

TP. Hồ Chí Minh: Giá thực phẩm "neo” ở mức cao

Tại TP. Hồ Chí Minh giá rau củ vẫn ở mức tăng 5 - 15% so với trước Tết. Đơn cử, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây dao động ở mức giá 30.000 – 35.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo, khổ qua có giá 15.000 – 20.000 đồng/kg. Thắc mắc về việc giá rau xanh tăng cao so với ngày thường, nhiều tiểu thương cho rằng, sau Tết sức mua của mặt hàng rau củ tăng cao nên có sự đột biến về giá. Không chỉ rau xanh giá các mặt hàng thủy sản cũng khiến người tiêu dùng choáng váng. Đơn cử, cá thu trước Tết là 200.000 đồng/kg nay tăng lên 230.000 đồng/kg, thậm chí có chợ bán đến 250.000 đồng/kg; tôm trên 300.000 đồng/kg. Do mặt hàng hải sản tăng giá chóng mặt nên người tiêu dùng đa phần lựa chọn cá nước ngọt như: cá lóc, cá rô, cá diêu hồng… mặc dù các loại cá nước ngọt kể trên vẫn có mức giá cao hơn ngày thường từ 10 – 15%.

Không "thua chị kém em”, mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng thi nhau "đội giá” và giữ giá. Điển hình, ba rọi heo tăng ở mức 130.000 đồng/kg (trước Tết là 110.000 đồng/kg), nạc dăm có giá 120.000 đồng/kg, đùi heo và cốt lết dao động ở mức 100.000 – 110.000 đồng/kg. Bên cạnh những mặt hàng trên, giá thịt bò cũng được tiểu thương các chợ lẻ cho "leo thang” với mức 270.000 – 300.000 đồng/kg. Bà Minh Huê, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) khẳng định: "Bao giờ sau Tết giá thực phẩm cũng tăng mạnh, phải sau rằm tháng giêng giá mặt hàng này mới hạ nhiệt”. Lý giải nguyên nhân trên hầu hết tiểu thương các chợ truyền thống đều cho rằng, do khan hiếm hàng hóa nên buộc phải tăng giá sản phẩm.

Trong khi đó theo đại diện các chợ đầu mối, hàng tại chợ vẫn ở mức ổn định số lượng, đảm bảo về giá cả. Riêng hệ thống siêu thị, đầu năm hàng hóa không tăng so với cùng kỳ và các mặt hàng bình ổn vẫn niêm yết ở giá tốt hơn so với thị trường. Theo đó, thịt bò các loại giá dao động từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/kg, thịt gà ta khoảng 87.000 đồng/kg, các loại cá quanh mức 30.000đ đến 120.000đồng/kg...

Theo giới chuyên gia kinh tế, tâm lý "ăn xổi” đã trở thành một thói quen xấu của một bộ phận người dân Việt Nam. Với cách làm ăn kiểu chụp giật này, một số người sẽ được hưởng lợi trước mắt, song chẳng có một thương nhân nào có thể làm giàu bằng cách làm kiểu "ăn xổi” đó.

>>> Ngày Tết, giá các mặt hàng thiết yếu ở TP HCM vẫn ổn định

Theo Nhật Minh - Thanh Giang

PV

Đại đoàn kết

Trở lên trên