MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng giả “thật” hơn hàng thật

30-10-2015 - 08:43 AM | Thị trường

Một tin sốc, sốc thật sự cho cả giới mày râu lẫn chị em. Ấy là khẳng định 98% số rượu, hơn 90% số mỹ phẩm đang được bày bán ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là hàng giả.

Tin này có nguồn gốc, có xuất xứ từ người có thẩm quyền, có thực tế, có số liệu: Đại tá Hoàng Văn Trực - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an. Và đại tá Trực có lý khi dùng hai chữ “tràn lan”. Tất cả các mặt hàng tại Việt Nam đều bị làm giả, từ mặt hàng đơn giản là tăm tre cho đến những mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao như phụ tùng ôtô, mỹ phẩm. Làm giả trong nước và đặc biệt hàng giả nước ngoài tuồn vào trong nước tiêu thụ - đại tá Trực nói.

Giả đến mức một chuyên gia người Pháp khi thị sát Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã “không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên” trước nhiều loại rượu thậm chí ở Pháp đã không còn sản xuất mà vẫn có ở các cửa khẩu này, thậm chí, có cả tem xuất xứ từ Pháp.

Ở đây có nguyên nhân là “thói sính ngoại”, như “tự chuyện” của Trưởng phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường Nguyễn Đăng Khoa, rằng ngay cả con gái ông khi đòi mua giày cũng sính hàng ngoại. Nhưng hàng ngoại thì không có tiền mua nên dùng hàng Trung Quốc nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Tôi tin chuyện “con gái tôi” chỉ là cách ông Khoa lên tiếng một cách tế nhị về thói sính ngoại đã đến mức “bệnh nặng” của người Việt.

Nhưng thật ra, sính ngoại chỉ là một vế của sự tràn lan hàng giả.

Nhớ năm 2010, dư luận bất ngờ khi Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn công bố 714 tấn tăm tre, tương đương 99.679USD kim ngạch nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Nhưng ngay sau “dư luận”, con số sau đó tăng nhanh lên 1.118 tấn.

Tăm tre nhập, bắp cải, hành lá, cà rốt cũng nhập. Bên cạnh mỹ phẩm, đồ chơi, nồi niêu soong chảo, điện thoại, quần áo, chăn màn, máy móc, nguyên liệu sản xuất và cả “thuốc độc”.

Chưa kể con số “không thể thống kê” nhập theo đường… cửu vạn đang ngấm độc nền kinh tế.

Nhưng như thế là hàng nhập đang nhập nhằng với hàng giả. Nhưng như thế làm sao có thể đổ quách cho thói sính ngoại, dù có thật của người dân, làm sao đòi họ phải làm “người tiêu dùng thông thái” mãi được (?!).

Cánh cửa TPP đang rất gần và một trong những điều kiện có tính chất bắt buộc là nguồn gốc nội địa của sản phẩm.

Nếu nhập siêu vẫn là con số “khủng”; nếu nhập khẩu vẫn là thượng vàng hạ cám; nếu cái giả còn thật hơn cái thật ngay tại thị trường trong nước, nếu “tiếng chuông” báo động vẫn chỉ leng keng như tiếng tàu điện thì chẳng lẽ TPP sẽ chỉ là cơ hội xuất khẩu thuê cho láng giềng?

 

Theo ĐÀO TUẤN

Lao động

Trở lên trên