MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật tuần 02–08/03]: Mỹ điều chỉnh thuế CBPG tôm VN xuống dưới 1%, giá điện tăng 7,5%

08-03-2015 - 22:05 PM | Thị trường

Tăng giá điện thêm 7,5% từ ngày 16/3/2015; 97 doanh nghiệp taxi Hà Nội đã đăng kí giảm giá cước; Xe sang Việt Nam giá cao gấp 3 Mỹ; Cấm xuất khẩu một số sản phẩm nông, lâm nghiệp; Mỹ phẩm rởm tràn ngập thị trường từ Bắc vào Nam... là những thông tin nổi bật trong tuần.

Tóm Tắt:

- Trước sức ép giảm giá vận tải phù hợp với giá xăng dầu, tính đến trước Tết Nguyên đán 2015, trên địa bàn Hà Nội đã có 97 doanh nghiệp taxi đăng kí giảm giá cước

-  Bộ Thương mại Mỹ chính thức công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 9 thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm Việt Nam

- Chính phủ đồng ý điều chỉnh giá điện tăng 7,5 %, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh, thời điểm điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3/2015

- Trong vài ngày trở lại đây, giá thịt gia cầm ít biến động, tuy nhiên giá trứng gia cầm như trứng gà trứng vịt lại giảm mạnh


Mỹ điều chỉnh thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam xuống dưới 1%

Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 9 thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.

Theo đó, mức thuế trung bình của đợt rà soát này xuống thấp hơn đợt rà soát lần thứ 8, ở dưới mức 1%.

Trong số 56 công ty thủy sản nằm trong đợt xem xét sơ bộ lần này chỉ có duy nhất một công ty hưởng mức thuế 0%. Có 4 công ty chịu mức thuế trên 1% và các công ty còn lại đều chịu mức thuế 0,93%. Dự kiến tới tháng 7 năm nay, phía Mỹ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

Tăng giá điện thêm 7,5% từ ngày 16/3/2015

Chiều 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công Thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Công Thương và EVN báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện.

Cụ thể, giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.

Chuẩn bị xuất khẩu trái vải sang Mỹ, Úc

Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả VN, các công ty xuất khẩu trái cây ở phía Nam đang làm việc với các đối tác ở Bắc Giang để chuẩn bị xuất khẩu trái vải tươi sang thị trường Mỹ trong vụ vải năm nay, sau khi Mỹ cho phép nhập trái vải VN vào thị trường này (tháng 10-2014).

Một số công ty cho biết đã làm việc với Cục Bảo vệ thực vật để lựa chọn vùng nhãn, vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời cũng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu tìm biện pháp bảo quản trái vải tốt nhất để vận chuyển.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết đang trong quá trình giám sát và đánh giá trước khi cấp mã số vùng trồng cho nhãn và vải ở phía Bắc để xuất khẩu vào Mỹ.

Trứng gia cầm giảm mạnh

Trong vài ngày trở lại đây, giá thịt gia cầm ít biến động so với thời điểm Tết âm lịch, tuy nhiên giá trứng gia cầm như trứng gà, trứng vịt lại giảm mạnh.

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Dịch Vọng, Chợ Cầu Giấy, chợ Minh Khai, chợ Xanh, Chợ Phùng Khoang, giá trứng giảm khoảng 400 – 500 đồng/quả so với thời điểm trước Tết.

Cụ thể, trứng vịt loại quả to giá 2.500 – 2.800 đồng/quả, loại nhỏ hơn giá 2.300- 2.500 đồng/quả; trứng gà ta từ 4.000 – 4.500 đồng/quả; trứng gà công nghiệp có giá từ 2.200 – 2.500 đồng/quả; trứng vịt lộn giá dao động từ 3.500 – 3.800 đồng/quả…

Chị Phạm Thị Thanh, chủ kinh doanh trứng gia cầm tại chợ Minh Khai (Từ Liêm) cho biết, giá các loại trứng gia cầm giảm khá mạnh kể từ khi sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do lượng hàng tồn trong Tết còn khá nhiều trong khi lượng trứng cung ứng ra thị trường khá dồi dào mà sức mua giảm nên dẫn đến tình trạng ùn ứ trứng gia cầm.

Giật mình với nhập khẩu than

Đang từ vị thế của nước xuất khẩu than đá nhiều năm qua, nhưng hiện tại nước ta đang nhập khẩu trở lại “vàng đen” với lượng tăng chóng mặt.

Theo con số cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2015 (tính đến 15-2) cả nước đã nhập khẩu 383.473 tấn than đá, tổng trị giá hơn 46,6 triệu USD. Con số này tăng tới 64,4% về lượng và gần 73% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ nhập 233.255 tấn, trị giá 27 triệu USD).

Điều đáng nói hơn, nguồn than nhập khẩu của Việt Nam đến cả từ Trung Quốc- quốc gia mà từ nhiều năm qua luôn là thị trường nhập khẩu than lớn từ nước ta. Không những thế, vùng biển Đông Bắc vẫn luôn nóng về vấn đề xuất lậu than và không ít giả thiết cho rằng than xuất lậu đi vào nước láng giềng phương Bắc. Phải chăng các nguồn than chính ngạch và nguồn than không rõ nguồn gốc từ quốc gia này đang quay trở lại theo đường chính ngạch để cung cấp cho nước ta?

Nếu quả đúng như vậy thì chúng ta đang phải nhập lại những gì đã bán nhưng sẽ ở mức giá cao hơn. Đơn cử như trong 9 tháng đầu của năm 2014, cả nước đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc, với tổng giá trị kim ngạch hơn 92,5 triệu USD. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến 15-2-2015, cũng với sản lượng than xuất khẩu 321.512 tấn nhưng nước ta chỉ thu về được hơn 34,7 triệu USD- chỉ bằng 37,5% số tiền mà chúng ta phải bỏ ra để nhập lượng than gần như xấp xỉ từ Trung Quốc.

97 doanh nghiệp taxi Hà Nội đã đăng kí giảm giá cước

Chiều 3/3, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trước sức ép giảm giá vận tải phù hợp với giá xăng dầu, tính đến trước Tết Nguyên đán 2015, trên địa bàn Hà Nội đã có 97% doanh nghiệp taxi đăng ký giảm giá cước; trong đó, có doanh nghiệp giá cước giảm sâu đến 14%. 3% doanh nghiệp chưa giảm giá cước còn lại rơi vào doanh nghiệp ít xe, đang trong thời kỳ báo cáo dừng hoạt động.

Tuy nhiên, mức cước của nhiều doanh nghiệp đã giảm nhưng vẫn chưa phù hợp với giá xăng dầu, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Đối với những doanh nghiệp mà mức giá cước giảm chưa hợp lý, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp để tiến hành kiểm tra, thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, trên 70% doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh cũng đã đăng ký giảm giá cước. 30% số doanh nghiệp còn lại chưa giảm giá cước cũng rơi vào số doanh nghiệp ít xe, hoạt động cầm chừng, đang trong thời kỳ chuyển đổi doanh nghiệp.

Giá xe sang Việt Nam cao gấp 3 Mỹ

Theo Los Angeles Times, nếu năm 2011 nhiều gia đình Việt Nam chỉ nghĩ đến Toyota Corolla hay Chevrolet Cruze, thì nay những hiệu xe sang như Mercedes, BMW, Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti, Lamborghini đều đã có mặt tại thị trường này.

Los Angeles Times trích số liệu cho thấy lượng xe hơi bán tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong 2 năm, từ 9.500 chiếc vào năm 2012 lên 21.700 chiếc năm 2014.

Còn doanh số xe sang bán ra trong năm 2014 đạt đến 4.700 chiếc. Theo tờ báo Mỹ, nếu vài năm trước, Mercedes và BMW còn thống trị thị trường xe sang Việt Nam, thì gần đây đã có thêm Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti và cả Lamborghini đã tới Hà Nội.

Ông Gaurav Gupta, tổng giám đốc GM Việt Nam nhận định, nếu một chiếc xe sang ở Mỹ chỉ 60.000 USD thì sang Việt Nam có giá gần 180.000 USD.

Cấm xuất khẩu một số sản phẩm nông, lâm nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó quy định một số sản phẩm cấm xuất khẩu.

Thông tư quy định, cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp: gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước…

Về xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hóa với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Đối với động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, cấm xuất khẩu mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên không được xuất khẩu vì mục đích thương mại gồm: Mẫu vật động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, mẫu vật thực vật rừng thuộc nhóm IA theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại Phụ lục I của CITES.

Vòng xoáy luẩn quẩn của ngành muối

Việc giải quyết bài toán chất lượng hạt muối Việt trong bối cảnh “nội chê, ngoại thèm” dường như đang là bài toán khó với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, giá muối trên thị trường trong nước năm 2014 tương đối ổn định, với muối trắng tại miền Bắc dao động quanh mức 1.600 – 2.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 1.000-1.400 đồng/kg. Giá muối giảm khá mạnh (khoảng 30- 40%), trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến diêm dân khốn khổ. Ngay tại Ninh Thuận – một trong hai “thủ phủ” muối của cả nước giảm từ mức 900- 1.000 đồng/kg hồi đầu năm 2014 xuống 500- 550 đồng/kg vào giữa năm  và vẫn duy trì thấp cho đến nay.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, giá muối sản xuất giảm không chỉ vì “cung vượt cầu” mà còn một số yếu tố khác. Trong đó có việc sức mua của các doanh nghiệp chế biến hải sản yếu, và cước vận tải cao. “Trước, khi mua muối xong các thương lái tập kết và thuê tàu thuyền vào cập cảng Ninh Chữ vận chuyển với số lượng lớn ra Bắc tiêu thụ, đỡ tốn chi phí vận chuyển, nhưng nay cảng này không cho tàu thuyền lớn vào cập cảng, vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp, thương lái muốn vận chuyển muối phải đưa xe ô tô tải vào vận chuyển, nhưng cũng chỉ với số lượng ít khiến chi phí đội lên cao hơn”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất muối ở Ninh Thuận cho biết.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, dù là quốc gia có bờ biển dài, có tiềm năng sản xuất muối với 21 tỉnh, 45 huyện, 125 xã sản xuất muối nhưng bao năm nay Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong vòng thừa muối “thô” mà thiếu muối “tinh” nên vẫn thường xuyên phải nhập khẩu muối. Điểm yếu của hạt muối Việt Nam là giá quá cao, còn muối nước ngoài nhập về Việt Nam, tính tất cả phí vận chuyển, thuế đều thấp.

Nhức nhối mỹ phẩm rởm

Mỹ phẩm rởm ngày càng tràn ngập thị trường, từ Nam chí Bắc, từ thành phố tới miền quê, hủy hoại sức khỏe, làn da người tiêu dùng. Ai chịu trách nhiệm về tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này?

Từ giá rẻ đến giá trên trời, thị trường mỹ phẩm thật giả lẫn lộn đang bủa vây người tiêu dùng Việt Nam như ma trận. Nhan nhản sản phẩm được chào mời là hàng xách tay chính hãng, hàng nhập khẩu giá cao, hàng tự chế theo công thức gia truyền.

Dạo quanh một vòng các chợ như chợ đêm sinh viên Cầu Giấy, Chợ Xanh chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) ở Hà Nội, dễ thấy nhiều quầy mỹ phẩm với hàng trăm loại khác nhau. Từ phấn má, phấn mắt, phấn phủ, son môi đến các loại kem dưỡng đêm, dưỡng thể, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu…

Điều đặc biệt là các sản phẩm này có giá rẻ đến bất ngờ. Một thỏi son môi dạng nước có dòng chữ CLIO chủ hàng chào với giá 150 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi ngã giá, người tiêu dùng có thể mua với giá 50 nghìn đồng. Ngoài ra, với chì kẻ mắt, phấn má, viền môi… khách hàng có thể mua với giá 10 nghìn - 30 nghìn đồng. Khi được hỏi xuất xứ, chủ hàng luôn giới thiệu sản phẩm chính hãng bị lỗi nên bán giá rẻ hoặc sản phẩm tự chế theo công thức gia truyền.

>>> [Hàng hóa nổi bật ngày 05/03]: Mỹ điều chỉnh thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam xuống dưới 1%

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên