MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hoa mắt” với tỏi đen Lý Sơn thật, giả

20-03-2016 - 08:59 AM | Thị trường

Cũng quảng cáo tỏi đen Lý Sơn nhưng mỗi nơi lại chào giá khác nhau khiến người tiêu dùng không thể biết đâu là tỏi đen Lý Sơn thật và đâu là tỏi giả hiệu.

Trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất và kinh doanh tỏi đen đều khẳng định sản phẩm được làm từ tỏi Lý Sơn “chính hiệu”, chính quyền Lý Sơn khẳng định sản lượng tỏi trên địa bàn không nhiều, đặc biệt là tỏi cô đơn rất ít.

Dù đều quảng cáo là tỏi đen Lý Sơn, nhưng các cơ sở và nhiều trang mạng chuyên kinh doanh tỏi Lý Sơn đều chào giá khác nhau, người tiêu dùng cũng không biết đâu là tỏi đen Lý Sơn thật và đâu là tỏi đen Lý Sơn giả hiệu.

Thị trường: bao nhiêu cũng có

Chỉ cần một cái click chuột với từ khóa “tỏi đen”, người tiêu dùng sẽ “hoa mắt” với hàng trăm trang mạng quảng cáo chuyên cung cấp tỏi đen cô đơn có xuất xứ ở Lý Sơn, với số lượng bao nhiêu cũng có cùng những lời có cánh về công dụng của sản phẩm này.

Giá bán hiện tại của tỏi đen Lý Sơn bình thường mà các trang mạng này rao là từ 900.000 - 1,5 triệu đồng/kg. Riêng tỏi đen làm từ tỏi cô đơn Lý Sơn, các trang này thông báo giá chênh lệch nhau rất nhiều từ 1,8 - 3 triệu đồng/kg.

Chẳng hạn, khi liên hệ với trang mạng toidenquang...com, chúng tôi được ông Đ.Q.A. cho biết đơn vị này hiện đóng tại TP Quảng Ngãi, tự sản xuất tỏi đen Lý Sơn bằng máy móc nhập khẩu, nguồn hàng đảm bảo đúng tỏi Lý Sơn.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về giấy tờ hay có gì chứng thực mua đúng tỏi Lý Sơn hay không, ông Q.A. cho biết: “Tụi tui chỉ mua tỏi Lý Sơn từ người dân chứ không có giấy tờ gì”.

Liên hệ với đường dây nóng của trang mạng toidenphuong...com, có trụ sở tại quận 10, TP.HCM, chúng tôi được tư vấn viên cho biết đơn vị này “không bán tỏi đen bình thường mà bán tỏi đen cô đơn Lý Sơn, với giá 1,8 triệu đồng/kg”.

Theo nhân viên này, tỏi đen được bán tại đây là “tỏi cao cấp”, sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản.

“Bên em có nguồn hàng đảm bảo, chuyên cung cấp sỉ cho các đại lý. Chỉ bán mặt hàng tỏi đen cao cấp được chế biến từ tỏi cô đơn Lý Sơn đảm bảo đủ các thủ tục giấy tờ pháp lý”, cô nhân viên này nói.

Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị giới thiệu cách phân biệt giữa tỏi đen Lý Sơn thật và tỏi đen Lý Sơn giả, nhân viên này chỉ khẳng định “bên em chỉ bán hàng thật, anh cứ an tâm”.

Ngoài ra, do nhu cầu mua tỏi đen ngày càng nhiều của người tiêu dùng, rất nhiều địa điểm quán ăn, cửa hàng đặc sản cũng bán tỏi đen và cho rằng có xuất xứ từ Lý Sơn.

Chỉ tính riêng ở Quảng Ngãi đã có khoảng 15 quán ăn, cửa hàng bán tỏi đen. Và khi chúng tôi hỏi mua, nhân viên các cơ sở này cũng khẳng định “ở đây chỉ bán tỏi đen chính gốc Lý Sơn”, kèm theo việc giới thiệu nhiều công dụng của loại tỏi này.

Và cũng như các trang chuyên cung cấp tỏi đen, những cơ sở này đều không có bất cứ tờ giấy “lận lưng” nào để chứng thực tỏi được lấy từ Lý Sơn.

Nguồn cung cấp: sản lượng không nhiều

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch huyện Lý Sơn, cho biết tỏi Lý Sơn chỉ được sản xuất mỗi năm một vụ nên không có chuyện tỏi Lý Sơn quá nhiều ngoài thị trường như hiện nay.

Hơn nữa, sản lượng tỏi ở Lý Sơn vụ thu hoạch vừa qua giảm đến 70% so với vụ thu hoạch trước đó do mất mùa. Theo thống kê sơ bộ, tổng sản lượng tỏi thương phẩm mùa này chỉ hơn 500 tấn, trong đó tỏi cô đơn chỉ khoảng 5 tấn.

Ông Nguyễn Văn Định, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, cho biết hiệp hội cũng rất “đau đầu” trước thông tin quảng cáo tỏi đen Lý Sơn tràn lan trên thị trường.

Theo ông Định, các thành viên hiệp hội hiện cũng có sản xuất tỏi đen và bán ra thị trường với giá 1,5 triệu đồng/kg với tỏi đen thường và 3 triệu đồng/kg đối với tỏi đen cô đơn nhưng số lượng không nhiều.

Cụ thể, ngoài Công ty Hải đảo Lý Sơn với thương hiệu Vua tỏi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu, các đơn vị trực tiếp mua hành tỏi từ hiệp hội như siêu thị và các cá nhân có giấy xác nhận của chính quyền huyện đảo để chế biến và cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.

Như vậy, phần lớn tỏi trắng và tỏi đen trôi nổi ngoài thị trường không thể chắc chắn đó là tỏi từ Lý Sơn.

Cũng theo ông Định, ngay cả tỏi trắng cũng khó phân biệt giữa tỏi Lý Sơn với nhiều loại tỏi khác, khoan nói đến tỏi đen.

“Chúng tôi cũng chưa có cách nào để giúp người tiêu dùng phân biệt rõ ràng, tránh việc bỏ số tiền lớn mà mua phải hàng kém chất lượng. Nhưng theo tôi, tốt nhất là đến các siêu thị hoặc những điểm bán tỏi đen Lý Sơn đã được chính quyền chứng nhận mua trực tiếp hành tỏi”, ông Định khuyến cáo.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về tỏi đen khẳng định tỏi Lý Sơn có hàm lượng các hợp chất vượt trội và tác dụng chữa bệnh sau khi lên men, nên nhiều cơ sở sản xuất và cả kinh doanh đều quảng cáo tỏi đen Lý Sơn để thu hút người mua.

Theo vị này, trên thị trường hiện có các loại tỏi đen là tỏi đen cô đơn Lý Sơn, tỏi đen nguyên của Lý Sơn, tỏi đen cô đơn màu tím khá to tròn và tỏi đen nguyên củ to có xuất xứ từ Trung Quốc. Dựa vào các đặc điểm này, người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm.

Tuy nhiên, theo vị này, bản thân chính quyền và người trồng tỏi Lý Sơn phải hành động để bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, thay vì phó mặc cho thị trường.

“Muốn khẳng định thương hiệu của tỏi đen Lý Sơn trước tình trạng tỏi đen tràn lan như hiện nay, chính quyền và người trồng tỏi Lý Sơn phải có chiến lược quảng bá thương hiệu tỏi một cách bài bản, giúp người tiêu dùng nhận diện được đâu là tỏi Lý Sơn và đâu là tỏi giả danh Lý Sơn, chứ không thể để người tiêu dùng tự tìm hiểu như hiện nay”, vị này nói.

Tỏi Lý Sơn chủ yếu cung cấp cho siêu thị và du khách

Theo thống kê của Phòng kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, trên địa bàn hiện có 325ha diện tích trồng tỏi với năng suất vụ tỏi 2015 là 7,9 tấn/ha, sản lượng tỏi toàn huyện đảo khoảng 2.560 tấn tỏi tươi.

Để có 1kg tỏi khô cần đến 1,4kg tỏi tươi, như vậy sản lượng tỏi khô của đảo Lý Sơn chỉ có trên 1.800 tấn (trong điều kiện được mùa).

Mặt khác, 1ha tỏi chỉ cho 20-30kg tỏi một tép (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi mồ côi), tính tổng diện tích toàn đảo, mỗi năm nếu được mùa Lý Sơn làm ra khoảng 10 tấn tỏi cô đơn.

Ngoài Hiệp hội Hành tỏi Lý Sơn và hệ thống siêu thị Co.op Mart mua hàng trực tiếp của người dân để cung ứng ra thị trường, số còn lại được nông dân bán cho thương lái hoặc du khách.

Với khoảng 70.000 du khách đến Lý Sơn mỗi năm, nếu mỗi du khách mua 1 - 2kg, chỉ riêng nguồn khách này cũng tiêu thụ một lượng lớn tỏi Lý Sơn.

Theo Trần Mai

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên