MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không khai tử tổng đại lý gas

12-01-2015 - 07:48 AM | Thị trường

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 3 nghị định thay thế Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG thường gọi là gas) với nhiều sửa đổi quan trọng làm giới kinh doanh gas tạm thở phào.

Đáng lưu ý nhất là dự thảo lần này đã bổ sung hình thức kinh doanh gas tổng đại lý với các điều kiện tương đương quy định hiện hành, như: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), trong đó có đăng ký kinh doanh khí; có kho chứa tối thiểu 2.000 vỏ chai LPG; có hệ thống phân phối gas bao gồm cửa hàng bán gas chai, trạm cấp gas hoặc trạm nạp gas vào ô tô và có tối thiểu 10 đại lý đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; có hợp đồng đại lý với DN đầu mối, thời hạn hợp đồng đại lý tối thiểu 1 năm, còn hiệu lực thi hành.

Trước đó, ở dự thảo lần 2, cơ quan soạn thảo nghị định đã rút ngắn hệ thống phân phối gas chỉ còn 2 cấp chính là thương nhân đầu mối và đại lý, bỏ qua khâu tổng đại lý. Điều này, về lý thuyết, là bỏ bớt khâu trung gian nhằm giảm giá thành cũng như giúp DN đầu mối giám sát tốt hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế thị trường lại không hẳn như vậy khi một số DN đầu mối dù chỉ bán qua tổng đại lý rồi mới phân phối đến cửa hàng thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại thấp hơn so với DN đầu mối bán thẳng đến cửa hàng.

Hơn nữa, sự tồn tại của khâu tổng đại lý không chỉ trên thực tế mà còn được pháp luật công nhận. Đây cũng là khâu kinh doanh cần đầu tư ban đầu lớn để đáp ứng quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là về bảo đảm phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, đứng trước nguy cơ bị ngừng kinh doanh khiến nhiều tổng đại lý lo lắng.

Do đó, không chỉ bản thân tổng đại lý mà nhiều DN đầu mối, Chi hội Gas miền Nam cũng như Sở Công Thương TP HCM đã có góp ý bằng văn bản đề nghị xem xét lại việc bỏ hình thức kinh doanh tổng đại lý gas (Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh). Như vậy, với dự thảo vừa được Bộ Công Thương công bố, DN đầu mối có quyền lựa chọn cách phân phối phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình, qua tổng đại lý hoặc bán trực tiếp hay cả hai.

Một điểm mới nổi bật nữa của dự thảo lần này là siết chặt hơn đối với khâu bán lẻ khi quy định đại lý, cửa hàng chỉ được phép mua hàng từ một nguồn (tổng đại lý hoặc DN đầu mối) thay vì 3 nơi như quy định hiện hành. Riêng tại TP HCM, các cửa hàng bán lẻ gas đăng ký kinh doanh hộ cá thể (không phải DN) chỉ được phép mua hàng qua một tổng đại lý.

Điều này có thể hạn chế quyền kinh doanh của người bán lẻ gas nhưng sẽ giúp hệ thống phân phối gas đơn giản, dễ kiểm soát cho cả DN cũng như các nhà quản lý. Các DN sẽ cạnh tranh công bằng hơn và chính người tiêu dùng sẽ loại ra khỏi cuộc chơi những đơn vị yếu kém thay cho các quy định hành chính.

>>> Ngành gas gặp khó

Theo Ngọc Ánh

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên