Thực phẩm bẩn: Trách nhiệm của ai?
Hôm qua 5/1, gần 8 tạ thịt thối sắp lên bàn tiệc ở Cần Thơ thì bị cảnh sát môi trường phát hiện. Số thực phẩm này gồm thịt bò, dê, heo, thỏ, chim cút, vú heo... đang bốc mùi hôi thối.
- 05-01-2016Chống thực phẩm bẩn và cuộc chiến chưa kết thúc
- 03-01-2016Phát hiện nửa tấn thịt bò "bẩn” được đóng dấu kiểm dịch
- 01-01-2016Phát hiện hàng trăm heo sữa chết trương sắp lên bàn nhậu
- 29-12-2015Thực phẩm bẩn tới mâm cơm người dân thế nào?
- 26-12-2015Tết càng gần, thực phẩm càng…bẩn?
Trước đó, đúng đêm giao thừa Tết tây (31/12/2015), gần 200 con heo sữa thối nhũn đựng trong bao tải theo xe khách thẳng tiến vào một nhà hàng có tiếng để “đãi khách mừng năm mới”. Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 12/2015, trên 50 vụ thực phẩm bẩn đã bị phát hiện tại TPHCM với số lượng hàng trăm tấn.
Cứ thế, dồn dập trong tháng cuối cùng năm 2015 vắt qua những ngày đầu tiên của năm mới 2016 này, hầu như ngày nào tuần nào báo chí cũng chạy tít về các vụ thực phẩm bẩn đến rùng mình bị phát hiện: Nửa tấn thịt có giòi trên đường vào Đà Nẵng tiêu thụ (23/12); 2 tấn vú heo Trung Quốc bị ngăn chặn vào nhà hàng (22/12); Hơn một tấn nầm lợn thối nhập lậu qua biên giới (19/12); Tim lợn, chân gà thối trong kho hàng ở thủ đô (15/12); 152 heo sữa thối trong xe khách về miền Tây (9/12); Bán cám tặng kèm chất cấm cho chủ trang trại (7/12)…
Các cơ quan chức năng từ chi cục thú y, quản lý thị trường, chi cục an toàn thực phẩm địa phương tới Cục ATTP (Bộ Y tế), Bộ NN&PTNT đều đã lên tiếng về tình trạng đáng báo động này. Địa phương nói đã liên tục thanh tra, kiểm tra nhưng bắt không xuể. Bộ Y tế nói “khó kiểm soát”, đã thành lập nhiều đoàn thanh tra; Bộ Nông nghiệp cảnh báo “không loại trừ là hàng tạm nhập, tái xuất từ Trung Quốc”, sẽ thanh kiểm tra đột xuất…
Phát hiện nhiều, tần suất ngày càng tăng cho thấy các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát, mạnh tay xử lý. Song nó cũng chứng tỏ một điều hết sức đáng lo ngại - thực phẩm bẩn đang tràn vào nhà hàng, quán nhậu và mâm cơm mỗi gia đình với mức độ ngày càng đáng báo động! Người tiêu dùng bất an, nơm nớp lo ngại trước hành động của những kẻ bất lương đang đầu độc giống nòi! Ai và cơ quan nào phải có trách nhiệm chặn đứng vấn nạn nhức nhối này?
Cũng cần nhắc lại rằng, Luật An toàn thực phẩm được ban hành đã 5 năm nay, trong đó quy định rõ “Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế” (Điều 62); “Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” (Điều 63); “Trách nhiệm của Bộ Công thương” (Điều 64) và “Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp” (Điều 65).
Như vậy, bổn phận lo an toàn cho đồ ăn, thức uống cho trên 90 triệu người dân đã rõ, hành lang pháp lý không thiếu. Có thiếu chăng chính là trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ATTP đến đâu mà thôi. Khi chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về vấn nạn này thì có nghĩa là thịt bẩn, thịt thối thậm chí là thịt độc vẫn rộng đường đến với từng mâm cơm, bàn tiệc. Ước mơ về những bữa ăn sạch của hàng triệu người dân xem ra vẫn trở nên xa vời.
Tiền Phong