MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo năm 2015 lo nông dân bị ép giá

19-01-2015 - 10:19 AM | Thị trường

Xuất khẩu gạo năm 2015 được dự báo sẽ khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều nguồn gạo giá rẻ, đặc biệt từ Thái Lan. Một khi đầu ra ảm đạm, việc đảm bảo mức lãi cho nông dân là bài toán khó, và lại xuất hiện nỗi lo họ bị ép giá.

Viễn cảnh nhiều màu xám

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014 dù trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhưng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 7,5 triệu tấn, trong đó có khoảng 1 triệu tấn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiện còn khoảng nửa triệu tấn gạo (đã ký hợp đồng năm 2014) dự kiến sẽ xuất hết đầu năm nay. Năm qua, những thị trường chính xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn là Trung Quốc (chiếm hơn 30%), Philippines (chiếm khoảng 22%); tiếp đó là thị trường châu Phi, Malaysia, Indonesia…

Tuy nhiên, như ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA cho biết, năm 2015 sẽ là một năm khó khăn chồng chất với xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo đó, với thị trường Trung Quốc- nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong ba năm qua, khả năng sẽ thay đổi nhiều khi họ tăng kiểm soát và ngăn nhập khẩu lậu qua biên giới. Với chính sách biên giới “đóng mở phập phù” của Trung Quốc, nhiều khả năng lượng gạo Việt Nam xuất sang nước này năm 2015 sẽ giảm so năm ngoái. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu gạo chính ngạch từ nhiều nguồn với giá thấp.

Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm khoảng 385 USD/tấn, gạo 15% tấm có giá 370-375 USD/tấn, còn 25% tấm có giá dưới 360 USD/tấn. Đây là mức giá có thể cạnh tranh tốt với gạo của Thái Lan.

 

Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm khoảng 385 USD/tấn, gạo 15% tấm có giá 370-375 USD/tấn, còn 25% tấm có giá dưới 360 USD/tấn. Đây là mức giá có thể cạnh tranh tốt với gạo của Thái Lan.Tại các thị trường truyền thống Việt Nam ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, nhu cầu nhập khẩu năm 2015 dự báo khoảng 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, để đứng vững ở thị trường này, gạo Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh với đối thủ trực tiếp là Thái Lan.

 

Theo VFA, châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng từ năm 2014, Việt Nam đã mất đến 60% thị phần ở thị trường này, do cạnh tranh của gạo Thái Lan và Ấn Độ (đặc biệt nguồn gạo giá rẻ từ Thái Lan). Năm 2015, khả năng Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này do lợi thế tồn kho lớn và giá cạnh tranh. “Tuy nhiên, với mặt hàng gạo thơm, Jasmines, Việt Nam khả năng vẫn duy trì tốt tại Châu Phi”- ông Linh nói.

Lãnh đạo VFA cho biết, hiện Hiệp hội và các DN đang tích cực nắm bắt, theo dõi sát thông tin, để tìm đầu ra càng nhiều càng tốt, giá cả hợp lý. Các DN đang tìm kiếm các thị trường thuận lợi để mở rộng xuất khẩu, đồng thời chuẩn bị về chiến lược để bán được hàng, không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ phía Thái Lan. VFA dự báo, xuất khẩu gạo năm 2015 khoảng 7-7,5 triệu tấn.

Nông dân sẽ bị ép giá?

Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ cho xuất khẩu gạo năm 2015, phải hướng những chương trình hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân, chứ không phải qua các khâu trung gian như hiện nay.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp, hiện chính sách quy định giá sàn thu mua lúa tạm trữ và đảm bảo cho nông dân lãi ít nhất 30% là dụng ý tốt, nhưng thực tế đang gây hại cho họ.

TS Thành cho biết, việc xác định giá thành sản xuất lúa khá phức tạp. Do thị trường đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, giá lao động,…) biến động, khiến việc xác định chi phí tại mỗi thời điểm liên tục biến đổi. Mặt khác, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), DN chủ yếu thu mua lúa gạo qua thương lái, nên mức giá mà nông dân được hưởng luôn thấp hơn mức giá thu mua của DN.

Ông Thành lấy ví dụ: Vụ hè thu năm 2014, dựa trên giá thành sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL (3.742-4.908 đồng/kg), các DN sẽ thu mua lúa của người nông dân hơn mức giá thành mang tính kỹ thuật nói trên, cộng với 30% “lãi” của nông dân như kỳ vọng của chính sách.

Thực tế, giá thu mua vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của DN.  Do vậy, mức thu mua này, khiến các DN xuất khẩu có xu hướng đàm phán bán gạo với giá thấp cho nước ngoài và quay trở lại ép giá nông dân.

“Nông dân vì thế luôn chỉ được hưởng mức lãi thấp do bị DN thu mua ép giá. Hơn nữa, nông dân sẽ không mặn mà với việc trồng các loại lúa gạo có chất lượng cao do giá thành trồng các loại này cao hơn. Mức giá sàn vô hình trung tạo ra một chuẩn thu mua thóc bất lợi cho những nông dân trồng các loại lúa chất lượng cao theo hợp đồng nông sản với các DN xuất khẩu gạo”, ông Thành phân tích.

Đại diện Liên minh Nông nghiệp cũng đề xuất thành lập “Ủy ban Giá lúa gạo”, ngoài đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và DN, cần có đại diện của người sản xuất lúa vì lâu nay “không có tiếng nói”. Khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hơn giá lúa do “Ủy ban Giá lúa gạo” công bố, Nhà nước cho phép các HTX nông nghiệp vay tiền theo khối lượng lúa của các xã viên đang tạm trữ, được ứng trước một số tiền để đáp ứng cho các nhu cầu cấp bách của nông hộ. Đến khi giá lúa tăng trở lại, họ sẽ bán lúa và trả lại tiền tạm ứng của nhà nước. Số lượng lúa tạm trữ sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho HTX. Như thế, nông dân sẽ hưởng hoàn toàn sự hỗ trợ của Nhà nước.

>>> Hiệp hội Lương thực sẽ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân

 

Theo Phạm Anh - Phạm Tuyên - Phạm Thanh

PV

Tiền phong

Trở lên trên