MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không tăng trưởng “nóng”, một loạt sân bay gọi vốn tư nhân

"Hàng không đang trong giai đoạn phát triển quá nóng, hạ tầng chưa phát triển kịp. Do vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Bộ Giao thông vận tải đang tìm giải pháp cấp bách nâng năng lực sân bay Tân Sơn Nhất. Các sân bay khác như Chu Lai, Cát Bi, Phú Bài…gian tới cũng sẽ kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá chứ không dùng đến ngân sách nhà nước".

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã cho biết như vậy tại buổi làm việc với Đoàn công tác do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu ngày 8/8.

Sắp xây dựng hàng loạt dự án giao thông

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Cụ thể, về đường bộ, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục hoàn thành các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc.

Trong đó, sẽ tập trung hoàn thành các tuyến cao tốc đang thi công trên trục Bắc - Nam (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan); khởi công mới các đoạn Nghi Sơn - Vũng Áng, Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ) và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bắc Giang - Đồng Đăng, Hạ Long - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài...

“Cùng đó, sẽ nâng cao khả năng khai thác các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc đầu tư các tuyến kết nối với đường cao tốc, như kết nối Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kết nối cao tốc Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng....

Đồng thời tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ; hoàn thành 601 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến; Đầu tư đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Về đường sắt, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc -Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn; từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên xây dựng nút giao khác mức tại nơi có lưu lượng giao thông lớn.

Ngoài ra, nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trong lĩnh vực hàng không, tập trung nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không khác, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành đúng mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Về hàng hải, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu container thế hệ mới; hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện; khuyến khích đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; hoàn thành Dự án xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng... đưa tổng công suất các cảng biển khai thác đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020. Chú trọng đầu tư đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia, đầu mối logistics ở khu vực.

Về đường thủy nội địa, đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc; Nâng cấp, xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách; Phát triển vận tải sông pha biển.

Về giao thông đô thị, tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về giao thông nông thôn, sẽ xây dựng khoảng 2.272 cầu dân sinh trên địa bàn 50 tỉnh, cải tạo khoảng 680 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn 14 tỉnh...

Sắp báo cáo Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao

Ngay sau khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Nhật báo cáo về Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Công tác quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như thế nào, đã hợp lý chưa, cần điều chỉnh gì cho phù hợp với thực tế hay không?

Đối với ngành giao thông vận tải, lĩnh vực nào cần ưu tiên trong giai đoạn mới để tạo sự phát triển hài hoà, phù hợp giữa việc giải quyết được các vấn đề của giao thông nhưng vẫn đảm bảo phải hạ được giá thành dịch vụ vận tải để từ đó hạ thành sản phẩm tiêu dùng, sản xuất…

“Đối với các công trình trọng điểm quốc gia mà Bộ quản lý như đường cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thiện được chưa, vướng mắc chỗ nào, ở cơ quan nào để báo cáo lên Trung ương và Quốc hội, mới có thể triển khai sớm.

Đối với các lĩnh vực về hàng hải, hàng không, đường sắt ra sao cần tập trung vào khâu nào? Nguồn lực để thực hiện từ đâu?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu hàng loạt câu hỏi.

Báo cáo Phó chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết một trong những vấn đề mà Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ đang quan tâm là vốn cấp bách cho các dự án giao thông.

Theo Bộ trưởng, hàng không đang trong giai đoạn phát triển quá nóng, hạ tầng chưa phát triển kịp, do vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Bộ Giao thông vận tải Chính phủ cũng đang tìm giải pháp cấp bách nâng năng lực sân bay Tân Sơn Nhất.

Các sân bay khác như Chu Lai, Cát Bi, Phú Bài…gian tới cũng sẽ kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá chứ không dùng đến ngân sách nhà nước, ông Nghĩa cho biết.

Đối với đường sắt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, đường sắt thời gian qua không những không được đầu tư mở rộng mà thậm chí còn bị thu hẹp lại do tâm lý địa phương lấy bớt quỹ đất để phát triển đô thị.

“Tuy nhiên, đường sắt đã và đang có những bước thay đổi hợp lý như tập trung đầu tư cả về hạ tầng và dịch vụ cho các tuyến ngắn, trọng điểm nhu cầu vận tải cao như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang…”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ rõ.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện để có thể báo cáo Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao tại Kỳ họp thứ 2/2018.

“Đối với lĩnh vực hàng hải, ngoài việc siết chặt quản lý ngành, đầu tư nâng cấp bến cảng, Bộ sẽ chỉ đạo tập trung đầu tư tăng cường kết nối đẩy thị phần vận tải, giảm tận dụng điều kiện sẵn có, giảm tải cho đường bộ”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên